PHẦN THỨ NHẤT:  TÌNH HÌNH CHUNG MỘT SỐ DÒNG HỌ VỚI CÁC VỊ THỦY TỔ KHAI CƠ

 

Trang trước

CHƯƠNG I
DÂN TỘC VIỆT NAM THỜI CỔ SỬ - SỰ RA ĐỜI HỌ PHAN

A- VIỆT NAM THỜI HỒNG BÀNG

Họ Phan, một thành viên của dân tộc Việt Nam có một lịch sử lâu đời gắn liền với lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến nay, đã từng góp phần vào bảo tồn nòi giống, bảo tồn và phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc. Khai hoang lập ấp, mở mang đất nước, đánh giặc bảo vệ quê hương, góp phần xương máu cùng các tộc khác xây dựng một nước Việt Nam tươi đẹp và giàu mạnh. Tìm hiểu về họ Phan không thể tách rời với sự tìm hiểu dân tộc, một dân tộc lâu đời trải qua biết bao thăng trầm biến động mà vẫn giữ vững bản sắc nòi giống tổ tiên.

Qua các tư liệu lịch sử kết hợp với các tư liệu khảo cổ của các nhà nhân chủng học, dân tộc học, các di tích văn hóa trong lòng đất, cho ta thấy các dân tộc trên đất Việt Nam cùng các dân tộc ở phía nam Trường Giang (Dương Tử Giang) ở Trung Quốc, có chung một quan hệ về chủng tộc, về lịch sử, và địa bàn cư trú. Xét về các họ có tên ở Việt Nam thì ở Trung Quốc cũng đều có tên các họ ấy: Lê, Ðinh, Trần, Nguyễn, Phạm, Hồ, Hoàng, Thái, Vũ, Dương, Ðậu v,v... Họ Phan hiện có ở Việt Nam thì ở Trung Quốc cũng có họ Phan. Mặt khác những địa danh về phía Nam Trường Giang cũng đều kèm theo chữ Việt ở phía sau như: Thiết Giang = Ô Việt, Phúc Kiến = Mân Việt, Giang Tây = Dương Việt, Hồ Nam = Kinh Việt, Quảng Ðông = Nam Việt, Ðảo Hải Nam = Lê Việt, Quảng Tây = Quế Việt, Vân Nam = Ðiền Việt, Bắc Việt Nam xưa gọi là Lạc Việt.

Như vậy trước khi mà biên giới Việt Trung chưa phân định như hiện nay, thì cộng dồng người Việt có một sự quan hệ chặt chẽ với nhau về chủng tộc, văn hóa, kinh tế xã hội v.v... và có sự biến động di chuyển liên tục về phía Nam, cộng cư với các thổ dân mà nguồn gốc là tổ tiên lâu đời ở đây. Theo các nhà nhân chủng học, thì xa xưa, cách đây hàng vạn năm, có các tộc người thuộc đại chủng Australoide(a) từ phía Nam tràn lên phía Bắc, rồi sau đó các tộc người đại chủng Mongoloide từ phía Bắc và Tây Bắc lại chuyển xuống phía Năm hỗn huyết với các tộc Australoide mà hình thành các tộc Indonesien. các tộc Mongoloide lại tiếp tục tràn xuống phía Năm hỗn huyết với các tộc Indonnesien tạo ra các tộc Nam Mongoloide cư trú ở Nam Trung Quốc và ở Ðông Nam Á, trong đó có các bộ tộc Việt, tuỳ theo mức lai chủng đậm nhạt mà hình thành các tộc đa số hay thiểu số.

Theo truyền thuyết mà một số tư liệu cổ sử còn ghi lại(b), thời nguyên thuỷ, cách nay 5000 - 6000 năm, người Việt bắt nguồn tổ tiên dòng họ vua Thần Nông đã biết hướng dẫn nhân dân trồng trọt ngũ cốc, biết tìm cây cỏ làm thuốc chữa bệnh, biết theo dõi thời tiết làm lịch nông nghiệp, đã biết đóng thuyền có buồm, lợi dụng gió mùa đi biển dễ dàng. Vua Thần Nông đóng đô ở đất Trần (tỉnh Hà Nam - Trung Quốc), cư dân ở lưu vực sông Hoàng Hà là thổ dân lâu đời mà sử Trung Quốc gọi là tộc Tam Miêu trong đó có các tộc Cửu Lê là đông và mạnh nhất gọi tắt là Miêu Lê(c). Dòng họ Thần Nông các đời sau gọi là Viêm đế (Vua xứ nóng). Viêm đế bị các tộc Hoa lãnh tụ là Hoàng đế, từ phía Tây dọc sông Hoàng Hà, tiến xuống lấn chiếm đất đai ở phía Ðông, nên phải dời xuống phía hạ lưu, đóng đô ở vùng Cùng Tang. Không Tang hoặc Tang Cốc, là vùng Khúc Tang phụ(d). Tỉnh Sơn Ðông ở đó còn dấu vết thành cũ của Viêm đế.

Hoàng đế lại tiếp tục đánh đuổi, cư dân Miêu Lê phải lui về Sơn Ðông, tập trung ở vùng châu thổ sông Hoàng Hà và sông Hoài Hà, một bộ phận khác phải dời xuống lưu vực sông Trường Giang, Việt Giang.

Dòng họ Thần Nông,Viêm đế sinh ra Ðế Khôi, Ðế Khôi sinh ra Ðế Thừa. Ðế Thừa sinh ra Ðế Minh, giang sơn của Thần Nông Viêm đế rất rộng, từ bán đảo Sơn Ðông đến tận Cửu Hội (Hoan Châu) Ðế Minh đi tuần du xuống cõi Nam Giao từ đầu xuân đến cuối năm, đến vùng núi Côn Lôn (nay ở biên giới Laokay và Vân Nam) địa phận Tự Long, Bảo Lạc, Bắc Tạ, dưới chân núi Cọp Trắng (Bạch Hổ) bỗng gặp cô gái xinh đẹp, con bà tiên động Mây Mù(e) tên là Vũ Thiên. Vua nhận làm cung phi, ít lâu bà phi này sinh ra Lộc Tục. LộcTục lớn lên khôi ngô sắc sảo, được vua cha rất mến, muốn nhường ngôi cho, nhưng Lộc Tục từ chối. Ðế Minh bèn giao cho Ðế Nghi là anh làm vua phương Bắc, còn Lộc Tục là em làm vua phương Nam kể từ sông Trường Giang trở vào.

Ở phương Bắc Ðế Nghi sinh ra Ðế Lai, Ðế Lai sinh ra Ðế Ai, Ðế Ai sinh ra Du Võng, dòng trưởng lúc này suy vi, việc  nước giao cho Xuy (hay Xy) Vưu, một tù trưởng bộ lạc mạnh Cửu Lê, làm nhiếp chính, nhưng Xuy Vưu lại cướp ngôi Du Võng. Ðể Du Võng bị sai lầm đi cầu cứu Hiên Viên Hoàng Ðế. Thế là cuộc chiến giữa Xuy Vưu với HiênViên diễn ra ác liệt, nhiều lúc Hiên Viên thua phải cầu cứu nhiều bộ tộc khác ở phương Tây đến trợ chiến. Cuối cùng Hiên Viên đã thắng Xuy Vưu và giết Xuy Vưu ở Trác Lộc, gần giông bản Tuyền (Hà Bắc Trung Quốc)(g). Ðánh bại được Xuy Vưu, Hiên Viên trở lại tiêu diệt luôn Ðế Du Võng, cướp đất đai của dòng họ Ðế Minh ở phương Bắc.

Ở phương Nam, Lộc Tục lên làm vua tức Kinh Dương Vương, dùng tên họ của mình là Việt Thường làm tên đất đóng lỵ sở. "Việt", viết theo bộ mễ là trồng lúa, "thường" là cái xiêm vấn quanh người để sản xuất. Tên Việt Thường thấy xuất hiện 2 lần trên cổ sử. Lần thứ nhất Việt Thường sai sứ sang hiến vua Nghiêu con rùa lớn, lần thứ hai Việt Thường sai sứ sang hiến vua Chu Thành Vương năm thứ 6 (1058 TCN) con chim Trĩ Trắng. Kinh Dương Vương không muốn đóng đô ở Kinh Dương, bèn đi thuyền vào cửa Hội (Hoan Châu) thấy Ngàn Hống cảnh trí tươi đẹp, địa thế hiểm trở bèn dời đô vào đó, xây cung điện ở chân núi Voi Trời (Thiên Tượng) có khe đá bạc, có hai tảng đá: Ðá Văn, Ðá Võ ở hai bên (nay thuộc xã Thiên Lộc, Phúc Lộc, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh) Ngàn Hống tức là dãy núi Hồng Lĩnh gần biển, bên hữu ngạn sông Lam.

Vào đây Kinh Dương Vương vẫn lấy tên Việt Thường làm tên nước. Ðất Việt Thường rất rộng, theo Hùng Vương bát cảnh mà bảng nhãn Nguyễn Như Ðỗ thời Hồng Ðức (1460-1497) đã chép 8 cảnh như sau:

1- Cảnh miền Gò Ngựa (Mã Kỳ) có tên là Châu Ðiền (miền Vân Nam ngày nay).

2- Cảnh miền Cỏ Trâu (Ngưu Lan) tức miền Việt Tây (hay Quảng Tây)

3- Cảnh miền Ao Cá (Ngư Trì) tức Việt Ðông (nay là tỉnh Quảng Ðông)

4- Cảnh miền Rừng Quạ (Ô Lâm) tức tỉnh Phúc Kiến pha thêm Châu Kiềm vùng Quý Châu giáp hồ Ðộng Ðình.

5- Cảnh miền Ðông Hoa (Hoa đông) tức phía nước Chân Lạp.

6- Cảnh miền Núi Quả (Quả Sơn) tức phía nước Hồ Tôn, sau là Chiêm Thành.

7- Cảnh Bầy voi (Tượng Tào) tức phía Bắc Ai Lao.

8- Cảnh Lũ Hươu (Lộc Hữu) tức phía nam Ai Lao.(b)

Tên đất Việt Thường rất rộng, nên về sau danh từ Việt Thường được nhắc dùng cho các tỉnh từ Hoan Châu trở vào miền Nam. Lúc vua Gia Long lên ngôi (1802), sai sứ sang nhà Thanh xin phong vương và xin đặt quốc hiệu, lấy chữ Việt Thường làm cơ sở để xin đặt tên nước là Nam Việt, nhưng vua nhà Thanh không chịu cho Nam Việt là tên đất của Triệu Vũ Vương (Triệu Ðà), nên mới đổi lại là Việt Nam.

Vua Kinh Dương Vương phải cai quản cả vùng Châu Kinh, Châu Dương, nên phải đi theo đường biển lên phía bắc, dựng một ly cung ở Diên Hà, tỉnh Thái Bình để nghỉ ngơi. Có lần đi qua cửa Cờn (Quỳnh Lưu) nhà vua gặp thuyền một cụ già tự xưng là thủ lĩnh Thủy tộc, vua các hải đảo, người đời gọi là Long Vương, vị thủ lĩnh này muốn nối dây đi lại trên đất liền, nên dâng gả con gái mình là ánh Mây (tên chữ là Vân Anh), cô gái trở thành chính cung của nhà vua, sau sinh ra Sùng Lãm ở Ngàn Hồng tức là Lạc Long Quân.

Vua Kinh Dương Vương lại dựng một ly cung ở Ao Việt (Việt Trì) để thường đi tuần du phía Tây Bắc. Có lần nhà vua đi tuần du, khi đến Châu ái (Thanh Hóa) dừng lại ít lâu, trong phái đoàn đón tiếp nhà vua, có tù trưởng Phan Ðô, người đức độ được nhân dân mến phục, ông có hai cô con gái rất xinh đẹp đưa ra hầu vua, được nhà vua tiếp nhận làm thứ phi thứ nhất và thứ hai, sau bà Chính hậu ở Châu Hoan. Hai bà này sinh mỗi bà được một con trai, đặt tên là Hoàng Trị và Hoàng Tám, lớn lên làm tướng giúp vua Lạc Long Quân đánh dẹp giặc Lục Man quấy nhiễu nhân dân.

Lại có lần từ Ngã Ba Hạc vua đi lên Châu Man, nhân tiện thăm mộ tổ bên phía mẹ ở Côn Lôn Bắc Tạ, khi đi qua Sùng Yên (Hàm Yên, Tuyên Quang) có vị tù trưởng Ma Sùng xin tiến nạp con gái mình tên là Thơm (tên chữ là Ngọc Hương) Nhà Vua nhận làm thứ phi thứ tư. Lúc về, Vua dựng một lầu nhỏ gần ly cung cho bà này ở gọi là cung Tiên Cát. Lúc bà mất dân lập đền thờ bà ở đó, nay là khu vực nhà máy mì chính Việt Trì.

Sau nữa, cô em gái nhà vua là Nàng Lớn (tên chữ là Hồng Nương) từ phương bắc sang thăm anh ở Ngàn Hồng, ở một năm rồi lên thăm mộ ngoại tổ ở Bắc Tạ, hơn mười ngày, lúc về không may dọc đường bị nhiễm bệnh chết, nhân dân thờ nàng ở Bắc Tạ (Tuyên Quang) ở Ái Châu, Hoan Châu và nhiều nơi rất thiêng, thần tích về sau được phong là "Thái Trưởng Ðoàn Trinh Hồng Nương đệ tứ vị công chúa" (Thần tích ở Phương Khê, Quảng Oai, Hà Tây).

Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Lạc Long Quân thụy hiệu là Hùng Hiền Vương, Lạc Long Quân dời kinh đô ra Ngã Ba Hạc (vùng Việt Trì hiện nay) quốc hiệu Việt Thường được thay bằng quốc hiệu Văn Lang. Tuy vậy vua vẫn đi về thăm viếng gìn giữ bảo vệ lăng tẩm cung điện ở Ngàn Hồng, nên có câu đối Hoan Châu thắng địa kiến lập đô thành, Nghĩa Lĩnh hình cường trùng tu miếu điện, tạm dịch: Hoan Châu cảnh đẹp xây dựng đô thành. Nghĩa Lĩnh hình oai sửa sang miếu điện. Nghĩa Linh là dãy núi từ Việt Trì lên động Hy Cương là nơi mà đời con Lạc Long Quân là Chàng Lân (Lân Lang) lựa chọn và chuyển lên đóng đô ở đó (Vị trí đền Hùng hiện nay). Chàng Lân là vua đầu tiên ở Hy Cương, thụy là Hùng Quốc Vương, được các triều Vua sau truy tặng là: "Khai quốc hồng đô Ðột ngột Cao Sơn", gọi tắt là Ðột ngột Cao Sơn. Tại đền Thượng Vua Hùng ở Hy Cương bài vị chính trên cùng, ở giữa thờ Hùng Quốc Vương - Hùng Quốc Vương mất ngày 12 tháng 3 âm lịch, do đó hội Ðền Hùng bắt đầu đêm 11 cho đến ngày 13. Nhưng các vua triều Nguyễn quy định dâng hương ngày 10 tháng 3, còn ngày truyền thống để cho địa phương.

Hùng Vương truyền được 18 đời. Ðến đời Hùng Vương thứ 18 tức Hùng Duệ Vương, họ Phan lại có ông Phan Tây Nhạc, gốc Ái Châu đã từng giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước, đã được vua Hùng gả cháu ngoại là ba bà công chúa, ông có công lớn nên nhiều nơi thờ. Hiện nay còn thờ ở Ðình xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội (sự tích nói rõ ở mục sau).

Theo bản Ngọc Phả Hùng Vương cổ nhất đời Vua Lê Ðại Hành ghi (980), thì 18 đời Hùng Vương là "thập bát diệp, nhất thập bất thế" có nghĩa là 18 ngành lá, 118 đời, mỗi ngành có nhiều đời vua với thời gian nhiều năm. Vua Kinh Dương Vương ở ngôi 250 năm, truyền cho ngành Lạc Long Quân 269 năm, rồi Lạc Long Quân truyền cho ngành trưởng con mình 270 năm (12 VNT4. T163-164).

Như vậy theo Ðại Việt sử ký toàn thư ghi: Vua Kinh Dương Vương họ Hồng Bàng làm vua vào năm Nhâm Tuất tức 2879 trước công nguyên, thì nhiều người không tin. Qua các cứ liệu, thông thường hiện nay, giới sử học ước đoán vào khoảng đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên (34 ÐVN-T.6) ý kiến này được nhiều người chấp nhận. Gần đây các nhà sử học Trung Quốc phân tích tình hình xã hội Trung Quốc từ thời cổ đến Nghiêu Thuấn Vũ tức 2140 TCN về trước là thời đại Công xã thị tộc. Thời đại Hạ Thương Chu (2140-1066 TCN) là thời đại chiếm hữu nô lệ (32 TQTT.T8.10). Ðầu đời Tây Chu đã chuyển sang phân phong kiến địa (phong kiến), nhưng cơ sở vật chất và quan hệ chiếm hữu nô lệ vẫn kéo dài cho mãi đến Xuân Thu (770-475 TCN) thời Ðông Chu mới hết.

Ở nước ta không có chế độ nô lệ, qua các cứ liệu khảo cổ từ thời kỳ đá mới cách nay khoảng 4000-7000 năm, thời đồng thau cách nay khoảng 3000-4000 năm, thời đại đồng thau sang rất sớm cách nay 2000-3000 năm, vẫn còn nhiều cốt sọ của các chủng tộc Australoide, Melanésien, Négrito, Indonésia, càng về sau hỗn chủng với các chủng tộc Môngloide càng đậm nét, kể cả các di tích văn hóa đồ đá mới, đồng thau, còn tồn tại dấu vết của chủ nhân Melanésien (15 CSNT. T-47), chứng tỏ trên đất nước ta các cư dân cổ vẫn sống theo chế độ thị tộc, bộ tộc rồi bộ lạc cho đến cách đây khoảng 3000 năm mới hình thành một tổ chức Nhà nước bao quát chung là Kinh Dương Vương với tên nước họ Việt Thường thị, sau đó đến Hùng Vương mới kết hợp 15 bộ lạc thành nước Văn Lang - Niên gian này cũng hợp với quyển Việt Sử lược (5VSL-T14) nói Hùng Vương ra đời vào đời Trang Vương Nhà Chu (696-682 TCN) và cũng hợp với sử liệu cổ nói Việt Thường thị sang dâng chim Bạch Trĩ vào đời Thành Vương nhà Chu (1063-1026 TCN).

B. SỰ RA ĐỜI CỦA HỌ PHAN

Như trên đã nói họ Phan thấy xuất hiện vào thời Kinh Dương Vương với ông Phan Ðô và vào thời Vua Hùng thứ 18 với ông Phan Tây Nhạc, đều gốc ở Ái Châu (Thanh Hóa). Theo truyền thuyết vào đầu đời Nhà Chu (1066 TCN) tại một bộ tộc phía nam sông Trường Giang (Dương Tử Giang) gần hồ Phiên Dương, vùng đất Việt Thường thuộc Dương Việt (Giang Tây) có người tù trưởng giỏi nghề cấy lúa, biết lợi dụng sông ngòi, lấy nước vào ruộng, tránh được nạn hạn hán làm cho mùa màng tươi tốt, nhân dân no đủ, ai cũng mến phục. Tin ấy truyền về vua Chu, Chu bèn mời người đó về triều giúp đỡ nhân dân cách dẫn nước vào ruộng cấy lúa nước, dần dần nhân dân sung túc, thiên hạ thái bình. Ðể đền ơn, lúc người ấy về bộ tộc, vua Chu cho được hưởng ruộng lộc tức là thái điền ở bộ tộc đó và đặt tên họ ghép 2 chữ thái điền với ba chấm thủy đọc là chữ "Phan". Họ Phan bắt đầu ra đời từ đấy. Người tù trưởng đó là Tất Công họ Phan, bộ tộc Phan.(a)

Lúc đầu, đối với nhà Chu mới lên ngôi, Việt Thường còn quan hệ hữu nghị, nhưng về sau khi ý thức xâm lược phát triển về phía nam, thì một số người Việt trong đó có bộ phận người họ Phan theo đường biển di chuyển về phía Nam, họ Phan vào vùng Ái Châu (Thanh Hóa) sinh cơ lập nghiệp, có thể ra đi cùng lúc với vua Kinh Dương Vương từ đất Việt Thường dời vào Ngân Hồng (núi Hồng Lĩnh) ở Cửa Hội (Châu Hoan) - Danh từ Việt Chương với Việt Thường với tiếng Trung Quốc là đồng âm (Yue Tchang) sau là đất Dự Chương thời Hán, thủ phủ Giang Tây ngày nay (35ÐDC-T.81).

Xét theo Lễ ký, thời nhà Chu là thời phân phong kiến địa được xác lập với quy định dòng họ theo phụ hệ (đàng cha) được giữ tên "Họ" đời đời, tông pháp con trai trưởng  làm đích tử đại tông, con thứ là tiểu tông, gia đình theo nam hệ phụ quyền, địa vị phụ nữ bị hạ thấp, con phải thờ cha mẹ tổ tiên tông tộc phải có miếu thờ tổ tiên. Lễ ký quy định các lễ nghi vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, quy định hôn nhân, tang tế, thân sơ, sang hèn... đại lễ có 300 điều, tiểu lễ có 3.000 điều (20 VHS T Q T.63-65 và 32TQTT-T.18). Họ Phan từ con cháu về sau phát triển, tỏa đi khắp mọi nơi ở Việt Nam, hiện nay nhà thờ họ Phan Văn ở thị trấn Yên Thành (Nghệ An) còn đôi câu đối ghi nhận truyền thuyết nói trên như sau:

*

"Thế phổ Thái điền Truyền bắc địa - Tướng môn lệnh trụ chấn nam thiên".

Tạm dịch: Dòng dõi Thái điền truyền đất Bắc - tướng môn mũ trụ dậy trời Nam.

Và câu:

*

Thái điền thỉ tự Tất công, phương lưu thống phổ.

*

Tùng nhạc giáng vi Sùng quản, âm dụ cao môn.

Tạm dịch:

Thái từ tổ Tất công, tiếng thơm đời truyền mãi.

Tùng nhạc đến đời Sùng quản, ơn nặng cửa cao sang.

Truyền thuyết với đôi câu đối ghi lại nói trên cũng ăn khớp với tộc phả chi nhánh họ Phan ở Hải Dương, Hải Phòng mà ông tổ là Phan Phúc Tín làm quan triều nhà Minh, nhưng bị nhà Thanh truy diệt phải chạy tránh nạn sang nước ta vào khoảng 1647 (Lê Chân Tông ở ta) ở nhờ nhà họ Ðoàn ở Quán Trang, An Lão, Hải Phòng. Thế phổ ghi ông Phúc Tin gốc người Trung Hoa, và tổ tiên là từ ông Tất Công Cao tồn tại từ đời nhà Chu di trú ở huyện Phan (không rõ tỉnh) nên đã lấy chữ Phan làm họ (xem thêm phần thế phổ khai cơ ở mục dưới), chứng tỏ tuy xa nhau, cách nhau lâu đời, nhưng gốc tích họ Phan đều thống nhất con cháu ông Tất Công thêm chữ Cao (có lẽ Cao là tên, mà Tất công là chức tước) và cũng ra đời từ thời nhà Chu ở huyện Phan (bộ tộc Phan sau đổi làm huyện) và cũng lấy chữ Phan làm họ. Vì bộ phận họ Phan ở lại, bị Trung Quốc chiếm, lâu đời bị Hoa hóa, thành người Trung Quốc còn bộ phận sang ta vẫn giữ vững danh từ họ Phan từ nguồn gốc Việt tộc xa xưa. Danh từ Hồ Phiên Dương trước là Chằm Bành Lãi (theo kinh thư) nhưng sau đổi là Phiên Dương, phải chăng có liên quan đến chữ Phan, chữ Phan cũng có người đọc là Phiên. Phiên còn có nghĩa là nước ngoài biên thùy làm rào dậu. Một số dòng họ vẫn nhắc đến vị tổ đời ở đất Phan với ông Tất Công lấy Phan làm họ đời nhà Chu.

C. PHAN TÂY NHẠC: VỊ TỔ HỌ PHAN THỜI HÙNG VƯƠNG

Ðất nước Văn Lang, vào thời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18, vào khoảng 258 TCN), họ Phan có ông Phan Tây Nhạc là một vị tướng có công lớn đánh giặc giữ nước mà hiện nay ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội có đền thờ tại đình làng Thị Cấm và đình làng Hoèy Thị.

Căn cứ theo Ngọc Phả đình Thị Cấm mà ban di tích lịch sử còn lưu giữ do Hàn lâm viện Ðông các đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn vào ngày tốt tháng 4 năm đầu Hồng Ðức (1470) và các tư liệu về thần tích đình xã Xuân Phương(a) lược trích như sau:

Nước Việt xưa cõi Nam mở rộng, vua Lạc Long họ Hồng Bàng lấy nàng tiên là Âu Cơ ở Hồ Ðộng Ðình sinh 100 trứng, nở trăm con trai, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên núi, chia thành 15 bộ lạc xây dựng quốc gia. Thánh tổ trải duyệt sông núi muôn nơi thấy đất Châu Hoan cảnh đẹp bèn lập Kinh đô và xây cung điện ở núi Nghĩa Lĩnh, hơn hai nghìn năm cha truyền con nối đều lấy hiệu Hùng Vương:

Ông Phan Tây Nhạc, tổ tiên họ Phan là người Hà Trung, Châu Ái (Thanh Hóa) nhà giàu có, của cải sung túc, nhưng cha mẹ ông đến ngoài 40 tuổi mà chưa có con nên chăm lo làm điều nhân nghĩa, chia phát tiền gạo cứu giúp người nghèo, và đi cầu tự các nơi đình đền chùa miếu. Bà mẹ ông nhân một hôm nằm mộng thấy một vị thần xuất hiện và truyền lệnh: Vợ chồng nhà ngươi là người lương thiện hiền lành, có âm đức, ta sẽ cho một thằng bé xinh xắn để làm rạng rỡ tổ tông, phát huy danh tiếng trong thiên hạ. Bà tỉnh giấc mộng, sau đó có thai sinh ra một trai, thân thể mập mạp béo trắng, mặt vuông tai lớn, cậu bé đặt tên là Nhạc.

Cậu lớn lên có tài năng sức mạnh hơn người, văn chương võ nghệ toàn diện, lại tinh thông các phép lục giáp, thần phù, không ai sánh nổi.

Nghe nói núi Tản Viên là nơi trời đất sắp đặt, cảnh vật huyền diệu thiêng liêng, u tĩnh khôn lường, ở đó có Tản Viên Sơn Thánh có gậy tiên, sách thần và phép thuật biến hóa vô cùng, Phan Tây Nhạc bèn tìm đến tận nơi xin gặp, khi vào bái yết Sơn Thánh, Sơn Thánh nghe lời nói hiền từ, ngắm diện mạo anh hùng, hỏi tên tuổi, rồi Sơn Thánh giao cho cậu giữ gìn mục lục của các vị Thánh Cơ, chứ vụ gọi là Cơ Mục Phan Quan. Tình cảm ngày một khăng khít, ở luôn bên cạnh Sơn Thánh.

Bấy giờ vua Hùng Duệ Vượng Vương có 20 hoàng tử nhưng đều chết cả, không có người nối dõi ngôi, chỉ có 2 người con gái rất đẹp. Công chúa lớn là Tiên Dung, công chúa thứ hai là Ngọc Hoa; Tiên Dung lấy Chử Ðồng Tử, còn Ngọc Hoa chưa ai lấy. Ðức vua mở lầu kén rể, yết bảng cầu hiềnn, nhằm kén người tài đức để truyền ngôi.

Từ đó thuyền bè tấp nập, ngựa xe kéo đến chật đường, anh hùng tuấn kiệt đến cầu hôn rất đông, nhưng không ai vừa ý.

Sơn Thánh nghe nói bèn triệu Phan Quang cùng đi đến trước lầu Bạch Hạc bái yết nhà vua. Qua thử thách Sơn Thánh có phép thuật mầu nhiệm, tay chỉ gậy thần trúc, miệng niệm thần chú, lập tức có đủ cả voi chín ngà, ngựa chín hồng mao và mọi thứ quý lạ dâng lên vua. Nhà vua đồng ý gả Ngọc Hoa cho.

Còn Phan Quan, nhà vua thấy là người anh tài đặc biệt, phong độ hiên ngang bèn truyền tuyển ba người con gái có nhan sắc đẹp trong số hơn trăm người cháu ngoại của hoàng hậu đem gả cho ông, rồi cho rước về động Lăng Sương.

Bấy giờ thiên hạ thái bình, quốc gia vô sự. Sơn Thánh cùng Phan Ông ngao du sơn thủy, lúc dong thuyền lơ lửng bến sông, lúc non cao rẽ lối, phàm nơi đi, đến, dừng xe lại nghỉ, đều lập hành cung. Trên đường qua xã Phương Canh, nay là Hương Canh (tức xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm). Sơn Thánh thấy nhân dân phong tục thuần hậu, nhà nhà đầy đủ, cấy cầy được mùa, thóc lúa dồi dào, bèn lập một toà Tây Hành cung, lưu Phan Ông đón ba công chúa đến cùng ở đấy, để thăm hỏi vỗ về nhân dân, khuyên dạy canh tác.

Phan ông tính tình điềm đạm vui vẻ với dân, dạy bảo lễ nghi, sửa sang phong tục, mọi người kính yêu tôn gọi là Phan Ông Tây Nhạc.

Thuở ấy vua Hùng Duệ Vương, không có con nối ngôi, buồn bã say đắm tửu sắc, việc võ bị không chăm nom gì đến việc đề phòng giữ nước.

Vua Thục thừa cơ kéo đại binh gồm 30 vạn quân sang đánh, chia làm 3 ngả tiến vào, 1 đạo vào Minh Linh, Châu Bố Chính, 1 đạo vào Châu Quỳnh Nhai Sơn, 1 đạo vào cửa bể Châu Hoan, thanh thế chấn động, tin ngoài biên báo về gấp. Vua Hùng cùng các quan bàn bạc. Vua triệu Sơn Thánh hỏi kế. Sơn Thánh tâu rằng: Họ Hồng Bàng từ khi có thiên hạ đến nay đã hơn hai ngàn năm, thánh hiền nối nhau trị nước, ơn sâu đức dày thấm nhuần đã lâu, nước giàu quân mạnh đã từng, vậy mà Thục Vương chẳng biết giữ mình, dám điên cuồng gây sự xâm lăng, cơ chuốc bại trước mắt đã nghiệm rõ ràng, thần tôi đây xin ra sức giúp nhà vua, xin cho thần được chọn tướng tài và được tùy cơ ứng biến, như vậy ắt giữ gìn được nước.

Nhà vua trao ấn kiếm cho Sơn Thánh và phán rằng:
Mọi việc khó khăn ở bên ngoài đều do quyền nhà ngươi tự liệu.

Sơn Thánh vâng lệnh, lạy tạ rồi tiến cử Phan Ông là người dũng mãnh, có thể đương nổi mọi mặt.

Nhà vua phong cho Phan Ông làm Nhạc Tướng Quân, giao cho cầm 3 vạn quân sĩ đi tiên phong. Nhạc tướng quan vâng lệnh.

Ngay ngày hôm dó, ngài khao thưởng quân sĩ và nhân dân, rồi cho tiến thẳng lên châu Minh Linh, hai bà Tả công chúa và Hữu công chúa cùng đi theo đánh giặc. Còn bà Hoa Dung công chúa ở lại giữ Tây Hành Cung.

Sơn Thánh đốc xuất 10 vạn tinh binh, chia đường thủy bộ tiến đánh Châu Hoan, Châu Quỳnh Nhai Sơn, cùng bản bộ của Tây Nhạc tướng quân 4 mặt tiến đánh rất mạnh. Quân Thục đông, nhưng không chống đỡ nổi, dày xéo lên nhau, thây chất thành núi, không còn một cỗ xe trốn thoát.

Sơn Thánh dâng lên biểu báo tiệp nhà vua. Nhà vua mở hội khao thưởng quân sĩ, xét công ban thưởng: Tôn phong Sơn Thánh làm nhạc phu, phong cho Phan Ông làm Tây Nhạc Ðại Vương, gia phong Tả công chúa làm Tả Phi Nhân, Hữu công chúa làm Hữu hoàng hậu. Còn các người khác đều khen thưởng xứng đáng theo công trạng.

Vua tôi, vợ chồng, trăm họ thái bình, vui vẻ phụng thờ xã tắc.

Thế nhưng được 3 năm thì vua Thục lại cầu viện thêm quân. Tháng giêng âm lịch lại vào xâm lấn. Sơn Thánh lại xuất quân, tướng sĩ đi đánh, thế mạnh như chẻ tre. Quân Thục đại bại, phải viết thư cầu hòa.

Sơn Thánh tâu lên nhà vua rằng: Thục Vương ngày trước xin đánh, ngày nay xin hòa, thế là biết người, biết ta, biết tiến biết lui, biết uy của nhà vua, vả lại Thục Vương trước là cháu bộ tộc Ai Lao vốn cũng dòng dõi họ Hùng, xin nhà vua hãy nhường ngôi cho Thục Vương. Kẻ hạ thần có phép biến hóa thần tiên, xin nhà vua hãy cùng hạ thần dong chơi non xanh nước biếc, sinh sinh hóa hóa bất tuyệt, không nên vương vấn mãi cõi bụi trần làm gì!

Nhà vua nghe lời của Sơn Thánh, nhường ngôi cho Thục Vương. Thục Vương lên ngôi giữ lời thề, sửa sang đền miếu thờ cúng liệt thánh họ Hùng, nhằm báo đền ân đức. Các công thần, bề tôi cũ của họ Hùng đều được gia phong Phúc Thần, và cho các xã xưa kia các ông đã ở, lập đền thờ, đồng thời ra sức giữ nước.

Trải bốn triều Ðinh, Lê, Lý, Trần đều ban phong sắc mệnh: Phan Tây Nhạc Ðại Vương, Hộ quốc cứu dân, muôn đời huyết thực, hương hỏa bất tuyệt.

Phan Tây Nhạc sinh ngày 12-2 âm lịch, mất ngày 1 tháng chạp âm lịch. Hiện nay xã Hương Canh, hai thôn Thị Cấm và Hoè Thị đều có đền thờ ngài.

Cứ đến ngày lễ hội 12-2 âm lịch thì nhân dân tổ chức nấu cơm thi, tự túc lấy nước, kéo lửa, xay giã, dần sàng, đội nào nấu cơm chín, dẻo, ngon là thắng cuộc. Tục này ôn lại thời Phan Tướng Quân, lựa tuyển hậu cần phục vụ quân đội, vừa đi vừa nấu cơm, cấp tốc hành quân vào nơi trận địa.

Ngoài ra bà Hoa Dung đã dạy dân Thị Cấm (1 thôn xã Xuân Phương) làm nghề dệt vải, nghề này nổi tiếng: "Sồi Ải Vải canh" (Hương Canh) nên trước đây có tục thi dệt vải, tuyển mười cô gái dệt vải, ai dệt nhanh đẹp là thắng. Tục này bỏ gần một thế kỷ.

Tại xã Xuân Phương ở các đình Thị Cấm, Hòe thị đều có nhiều bức hoành, nhiều câu đối còn ghi lại thành tích của ông bà với các thần vị thờ:

- Cơ mục Phan Quan, Phan Ông Tây Nhạc Ðại Vương Huý là Nhạc.

- Tả Phi Nhân công chúa, phổ thần ghi là Trinh liệt công chúa.

- Hữu hoàng hậu công chúa, phổ thần ghi là Trinh liệt công chúa.

- Hoa Dung công chúa.

Ðình xã Xuân Phương cách độ 3 km về phía Tây Nam Cầu Giấy, so với Hà Nội là nơi trước đây kín vắng, thời chống Pháp chủ tướng Hoàng Kế Viêm đã từng đóng ở đây. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối năm 1946, Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh lúc đầu đi sơ tán đã từng thăm ngôi đình này, sau đó vào nghỉ nhà đồng chí Xuân Thủy (đồng chí Xuân Thủy và đồng chí Trần Duy Hưng đều quê ở làng Hoè - Thị xã Xuân Phương (rồi sau mới sang làng Hậu Ái và tiếp tục đi sơ tán.(b)

Ðình Xuân Phương đã xếp hạng di tích lịch sử năm 1990.

D - HỌ PHAN THỜI BẮC THUỘC

Với kinh nghiệm truyền thống về sản xuất cấy lúa nước, họ Phan đã cùng nhân dân từ Châu Ái chuyển ra khai hoang khẩn đất ở những vùng đất nhiễm mặn, vùng biển đã rút nhưng vẫn còn hoang vu, cây cỏ rậm rạp, ở vùng đất Nam Ðịnh Hải Dương, hoặc từ Hương Canh khai thác vùng đất phù sa bồi, quanh lưu vực sông Hồng, nhân dân phát triển càng ngày cư tụ càng đông. Nhưng từ năm 111 TCN, Nhà Hán sang sâm chiếm nước ta, áp bức bóc lột nặng nề, các quan cai trị địa phương vơ vét đủ mọi thứ tài sản quý hiếm ngà voi, sừng tê giác, lông chim trả, đồi mồi, ngọc trai... khiến cho cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nổi lên chống giặc Hán vào năm 40-43 SCN, ở Nam Ðịnh họ Phan cũng có 2 anh em Phan Cung, Phan Lượng, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, cùng nhân dân nổi lên đánh đổ ách thống trị, dành chính quyền địa phương cho nhân dân, trong 3 năm nhân dân được tự do làm ăn, nhưng năm 43, tướng nhà Hán là Mã Viện lại kéo quân sang đánh, đại quân của Hai Bà thất bại ở hồ Lãng Bạc, lúc Mã Viện kéo quân vào phía Nam, hai ông đã chống trả quyết liệt, đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, và đã hy sinh trên mảnh đất Nam Ðịnh, để lại cho nhân dân một nỗi đau lòng thương tiếc, nhân dân đã lập đền thờ ở làng Vĩnh Tường (Nam Ðịnh) ngàn năm hương khói.

Cuộc thống trị của Bắc triều kéo dài trên một ngàn năm, qua nhiều triều đại, đè nặng lên người dân Việt gây bao nhiêu đau khổ, tang tóc.

Ðời Ðông Ngô (222-280) Tam Quốc, ở quận Cửu Chân (Thanh Hóa) có người họ Phan tên là Phan Miêu, nhân người anh là Phan Hâm là công tào, bị thái thú quận Cửu Chân là Ðam Manh giết chết, bèn cùng nhân dân tổ chức khởi nghĩa, giết chết tên thái thú Ðam Manh, giành lấy chính quyền, đây là một cuộc khởi nghĩa lớn, đến nỗi thái thú quận Giao Chỉ là Sĩ Nhiếp kéo quân từ Bắc Bộ vào cũng không đánh nổi, phải rút quân về. Mãi về sau (khoảng 231) Thứ sử Giao Châu là Lữ Ðại từ Phiên Ngung kéo đại quân vào đánh, mới dẹp được(a) . Cuộc khởi nghĩa tuy bị dập tắt, nhưng đã mở đường nhen nhóm cho cuộc khởi nghĩa của anh em Bà Triệu, cũng ở quận Cửu Chân, chống lại bọn thống trị Ðông Ngô vào năm Xích Ô thứ 11 (248) làm chấn động cả Châu Giao mà sử ta đã chép.

Thời kỳ Bắc thuộc, do sự áp bức bóc lột nặng nề, đời sống nhân dân cực khổ, nhiều người phải phiêu cư bạt quán, họ Phan cũng có nhiều người đi di cư khẩn đất ở các vùng Hải Dương, Hà Bắc, Sơn Tây, Vĩnh Phú, Nghệ An và nhiều nơi khác, thời kỳ này cũng là lúc mà nhiều người từ phương Bắc di chuyển sang, gồm có gia đình thân thích, bạn bè quan lại, binh lính, tù nhân, những dân nghèo di dân khẩn thực, người càng ngày càng đông, đời sống càng ngày càng khó khăn cơ cực.

Ở Trung Quốc luôn luôn bị các tộc phương Bắc lấn át tràn xuống, các triều đại suy yếu, các phe phái tranh giành nhau, chia xẻ đất nước, cuối đời nhà Ðường lợi dụng cơ hội ấy, họ Khúc ở Hồng Châu (Hải Dương) năm 906 giành quyền tự trị, giặc Nam Hán lại sang, nhưng Ngô Vương Quyền đánh tan (938) và lên làm vua (939) đóng đô ở Cổ Loa tức là Tiền Ngô Vương giành độc lập cho đất nước ta từ đó.

 Trang trước