PHẦN THỨ NHẤT:  TÌNH HÌNH CHUNG MỘT SỐ DÒNG HỌ VỚI CÁC VỊ THỦY TỔ KHAI CƠ

 

Trang trước

CHƯƠNG II
HỌ PHAN THỜI KÌ NƯỚC NHÀ GIÀNH QUYỀN ĐỘC LẬP

A - TỪ NHÀ HỒ ĐẾN LÝ, TRẦN, HỒ VÀ CHỐNG GIẶC MINH

Nước nhà giành quyền độc lập chưa được bao lâu, thì cuối đời nhà Ngô lại xảy loạn 12 xứ quân, các hào trưởng, triều quan, tranh giành nhau quyền lực, chia cắt đất đai, đánh nhau liên miên, đời sống nhân dân lại bị xáo trộn cho đến vua Ðinh Tiên Hoàng mới dẹp yên được. Nhưng đến đời Tiền Lê, vua Lê Ðại Hành mất, các hoàng tử tranh ngôi nhau, Lê Long Ngân, sau khi đánh Lê Ngọa Triều bị thất bại bèn chạy vào Cẩm Thủy (Thanh Hóa) rồi lại chạy vào Châu Diễn kéo theo một số người Kinh, xưng đế đóng đô ở Kẻ Dền (xã Vân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), rồi lại bị vua Lý Thái Tổ kéo quân vào đánh giết hại nhiều người, Lê Long Ngân phải chạy vào Chiêm Thành, nhưng đến Thạch Hà thì bị giết.

Chiêm Thành từ trước tới đây luôn luôn quấy phá phía nam, đã chiếm đóng từ cửa Nam Giới (tức Cửa Sót phía nam núi Hùng Lĩnh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, trở vào; vua Lý Thái Tôn bèn nhập Châu Hoan và Châu Diễn làm Châu Nghệ An (1030), bình định những sự chống đối của bọn quấy phá rồi cử người em là Uy Nam hầu Lý Nhật Quang, con thứ 7 vua Lý Thái Tổ vào làm Tri Châu và đóng châu lỵ ở Kẻ Mưỡu (Bạch Ðường, Anh Sơn, Nghệ An) với chủ trương tăng cường lực lượng về người và của ở biên giới phía nam. Vùng Hoan Diễn hồi này đa số là người Mường và người thiểu số, còn quen tập tục đốt rừng làm rẫy ở các vùng rừng núi, bán sơn địa. Với chủ trương trên, Uy Nam hầu đã chuyển hàng loạt người Kinh từ phía bắc vào khai thác các vùng đồng do biển rút, bị nhiễm mặn, cỏ lác, hoang dã, hoặc các vùng đất phù sa hai bên dòng sông Cả, sông La, để làm ruộng cấy lúa nước. Người Kinh vào ngày càng đông, trong đó có họ Phan cùng các họ khác lập thành thôn ấp mà người Mường gọi là "kẻ" với tên Việt cổ kèm theo. Cũng có lúc họ Phan trong dòng họ anh em vào khai thác lập thành thôn xóm với danh từ Phan Xá, Phan thôn như ở Ngô Trường, huyện Châu Lộc, ở tổng Phú Lưu, huyện Thiên Lộc, Tổng Phan Xá huyện Nghi Xuân mà mãi về sau tên này còn giữ đến triều Lê, hoặc ở các vùng đồng bằng gần biển như vùng Diễn Châu Ðông Thành, vùng Thiên Lộc Thạch Hà, dòng họ Phan cũng có nhiều người cùng nhiều họ khác vào khai canh lập ấp. Thỉ tổ khai canh không ghi rõ, nhưng con cháu về sau, nhiều dòng họ Phan, tộc phải cũng nói rõ tổ tiên xuất phát từ các vùng nói trên.

Với sự sản xuất phát triển, nên Uy Nam hầu đã tích trữ được 50 sở kho lương thực, làm cung ứng hậu cần cho đại quân vua Lý Thái Tôn vào đánh Chiêm Thành năm 1044 được thắng lợi, ổn định được họa giặc phía nam, định liên kết với giặc Tống phía bắc âm mưu xâm lược nước ta từ phía bắc nam. Chiến thắng trở về, vua Lý Thái Tông, dừng tại Nghệ An khen thưởng công lao của Lý Nhật Quang, ban cho tiết Việt và phong thêm tước vương tức là Uy Nam Vương Lý Nhật Quang.

Sau khi mất nhân dân ở vùng Ðông Thành, Anh Sơn Ðô Lương và dọc vùng sông Lam (sông Cả) nhiều nơi lập đền thờ với tên xưng là Ðức Thánh Mưỡu hoặc Ðức thánh Tam Tòa.(a)

Ở phía Bắc, các triều Vua Lý cũng khuyến khích phát triển nông nghiệp, họ Phan cũng có người di chuyển xuống khai phá vùng biển tỉnh Thái Bình, hoặc lên vùng Phan Lương huyện Lập Thạch, phủ Tam Ðới tỉnh Sơn Tây, ra Hải Dương, lên Hà Bắc hoặc nhiều tỉnh khác.

Về phía Nam, tuy thất bại, nhưng vua Chiêm Thành không chịu thuần phục, vẫn luôn luôn quấy phá vùng biên giới, năm 1069 vua Lý Thánh Tông lại phải vào đánh tận Kinh đô Chiêm bắt được vua nước ấy là Chế Củ đem về Thăng Long. Chế Củ xin dâng 3 châu là Ðịa Ly, Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội. Vua Lý đồng ý nhận đất và tha cho về.

Năm 1074, Chiêm Thành lại quấy rối phía nam, kết hợp với nhà Tống chuẩn bị đánh ta ở phía bắc, tháng 4-1075, vua Lý sai Lý Thường Kiệt, Tôn Ðản chủ động đem quân sang phá cơ sở kho tàng quân lương của Nhà Tống ở Ung Châu (Quảng Tây). Sau đó tháng 8-1075, Lý Thường Kiệt lại vào đánh Chiêm Thành, vẽ địa đồ 3 châu và đổi tên là châu Lâm Bình và châu Minh Linh (tức là vùng Quảng Bình và phía bắc Quảng Trị ngày nay) và chuyển người vào khai thác ở nam Hà Tĩnh và 2 châu mới lập này, nhưng tình hình chưa ổn định, Tống triều lại sai Quách Quỳ, Triệu Tiết năm 1076 kéo đại quân sang đánh nước ta, nhưng bị Lý Thường Kiệt đánh tan. Từ đó Chiêm Thành mới chịu khuất phục, người Việt mới tiến sâu vào phía nam dãy Ðèo Ngang để khai thác vùng đất mới.

Ðời Lý họ Phan thấy xuất hiện theo văn học sử có ông Phan Trường Nguyên, một nhà tu hành ở làng Trường Nguyên, huyện Tiên Du, Hà Bắc là một người học hay chữ có tiếng, vua Lý Anh Tông triệu về giúp việc, nhưng ông đã từ chối, lánh mình ở ẩn và dời lên tu tại chùa Sóc Thiên Vương (huyện Sóc Sơn, Hà Nội ngày nay) tác phẩm chỉ còn để lại bài thơ nội dung nói lên ý chí của mình không bị lợi danh ràng buộc:

Bài Quy Thanh chướng:

Viện hầu bão tử quy Thanh chướng
Tự cổ thánh hiền một khả lượng
Xuân lai oanh chuyển bách hoa tham
Thu chí cúc khai một mô dạng

VT dịch:

Thánh triết xưa nay khó biết tình
Khác nào khỉ vượn tếch non xanh
Xuân về oanh hót trăm hoa nở,
Thu đến khoe tươi cúc một mình.

Ông mất vào lúc 56 tuổi tại chùa Sóc thiên vương (1110-1165)(a) . Vào cuối đời Lý có ông Phan Lân ở Thái Bình, ông Phan Thế ở Phù Lạc, ông Phan Cụ ở Cam Giá, Sơn Tây đã hết sức phò tá Vương Triều Lý.

Ông Phan Lân (...-1218) người vùng huyện Hưng Nhân tỉnh Thái Bình đã có công giúp đỡ vua Lý Huệ Tông lúc còn là hoàng tử Sảm, chạy tránh nạn ở kinh thành, về vùng Hải ấp (Thái Bình) rồi sau Trần Thị, con Trần Lý, ông đã giúp Trần Tự Khánh giúp đỡ vua Lý đánh dẹp những thế lực chống đối, sau đó bảo vệ vua Lý lên ngôi năm 1210 tức Lý Huệ Tông và tiếp tục đưa Trần Thị về triều tháng 2-1211 được phong làm Nguyên phi. Sau khi tình hình ổn định ông được phong là Thượng tướng quân, có công xây dựng lực lượng quân đội cho vua Lý sau nhiều năm tan tác.

Ông Phan Cụ làm tướng quân Cam Giá (tức kẻ Mía, tỉnh Sơn Tây) ông phò tá Vương Triều Lý, chống lại họ Trần có âm mưu thoán đoạt, bị họ Trần bắt đưa về giữ tại Mỹ Lộc (Nam Ðịnh), về sau, năm 1220 có giặc thiểu số là Hà Cao nổi lên ở Tuyên Quang, ông tình nguyện đi đánh, nhưng lúc lâm trận ông bị sa đầm lầy bị giặc giết chết, rồi Hà Cao cũng bị các tướng họ Trần đánh tan. Ông Phan Cụ có công với nước nên được vua Lý Huệ Tông truy phong là Minh Tín Vương.(b)

Ðến triều Trần, họ Phan có ông Phan Hách ở Thu Hoạch huyện Thiên Lộc tỉnh Hà Tĩnh học hay chữ gốc từ Thanh Hóa vào, đã từng giúp vua Triều Trần làm vương triều phó sư (dạy con vua học) sẽ nói rõ thêm về tộc phả (ở chương sau).

Cuối triều Trần có ông Phan Nghĩa làm tu sử , Lang trung bộ lễ đời Trần Nghệ Tông cũng là thầy học dạy vua Trần Phế Ðế (tức Trần Ðế Hiện), có làm tập Bảo Hòa di bút 8 quyển do Trạng nguyên Ðào Sư Tích đề tựa để dạy vua (tập này sau bị nhà Minh chiếm lấy mất), ông Phan Nghĩa có liên kết với Thái uý Ngạc định trừ Hồ Quý Ly, nhưng âm mưu bị bại lộ bị Hồ Quý Ly giết, kể cả vua và Thái uý Ngạc vào năm 1389. Sau đó lúc Hồ Quý Ly dời đô vào Tây Gia (Thanh Hóa) lại giết vua Trần Thuận Tông (1399) mượn cách lập Thái tử án mới 3 tuổi để cướp ngôi, thì xảy ra vụ mưu sát Hồ Quý Ly tại nhà Trần Khát Chân trong hội thề Ðốn sơn - mưu bị lộ - Hồ Quý Ly giết triều quan 370 người. Nhiều người phải lánh nạn trong đó có họ Phan.

Thời vua Trần Anh Tông sau khi gả em là công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân năm 1306 để đổi lấy hai châu Ô, Rý, thì có chủ trương của vua Trần khuyến khích người Việt vào vùng này để khai hoang, khẩn đất , người Việt trong đó có nhiều dòng họ, có cả họ Phan nhiều người cũng vào khai thác vùng đất mới này. Về số liệu chưa nắm được các vị thuỷ tổ khai cơ, chỉ biết được một vài dòng họ Phan vào, với sơ lược thế phổ mới phát hiện (sẽ nói phần sau) như dòng họ Phan ở Ðà Sơn, tỉnh Quảng Nam. Châu ô, Rý (Lý) năm 1307 vua Trần Anh Tông đổi gọi là châu Thuận và châu Hóa, kể từ phần lớn phía nam Quảng Trị vào đến phủ Ðiện Bàn phía bắc tỉnh Quảng Nam.

Lúc đầu với ý thức hòa hiếu giữa hai dân tộc Việt Chiêm, những cư dân Việt di chuyển vào làm ăn vẫn ăn ở lẫn lộn, nhưng sau lúc Chế Mân chết, công chúa Huyền Trân bí mật đưa về bắc tránh nạn hoả thiêu theo chồng như tục Chiêm Thành, thì sự bất bình đối phó của các vua Chiêm kế tiếp, gây ra nhiều khó khăn cho cư dân người Việt nhất là lúc vua Chiêm Chế Bồng Nga từ 1377 đưa quân ra đánh phá miền Bắc nhiều lần đánh chiếm kinh thành Thăng Long mãi đến năm 1390,Chế Bồng Nga bị Trần Khát Chân bắn chết ở sông Luộc (tỉnh Hưng Yên) thì tình hình mới tạm ổn, nhưng các vua Chiêm vẫn tìm cách giữ lại vùng đất đã mất.

Năm 1402 Hồ Quý Ly lại đem quân đánh vào Chiêm Thành chiếm đất Chiêm Ðộng và Cổ Luỹ, tức là phía nam Quảng Nam và Quảng Ngãi đặt làm 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, chuyển dân từ phía bắc vào khai khẩn, cử An phủ sứ trông coi, dân Chiêm bỏ đất mà đi.

Năm 1407 lúc nhà Minh đánh bại họ Hồ, chiếm đất nước ta thì trả lại 4 châu mà nhà Hồ đã chiếm, cho vua Chiêm là Ba Ðích Lại. Cư dân người Việt đã chuyển vào lại gặp khó khăn, do sự trấn áp của vua Chiêm, nhiều người phải chạy ra vùng Ô Lý (Thuận Hóa) theo Ðặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Năm 1408 Ðặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân lại theo cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần đánh quân Minh chiếm lại đất từ châu Ô Lý trở ra Nghệ An, rồi tiếp tục tiến ra Bắc. Cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần kéo dài mãi đến năm 1414 mới chấm dứt. Cuộc sống nhân dân luôn luôn bị xáo trộn, cho đến thời Lê Lợi khởi nghĩa năm 1425, sau khi đánh vây giặc Minh ở thành Nghệ An, vua Lê cử tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Nổ vào giải phóng đất Tân Bình, Thuận Hoá, đời sống mới yên.

Trong thời Lý Trần, việc đưa nhân dân miền Thanh Nghệ vào càng nhiều, những người Việt vào ở xen lẫn với người Chiêm, áp dụng lối cày hai trâu, vùng đồng cao làm nông trang, vùng biển làm nghề muối, tiếng nói cùng Hoan Châu (Nghệ An) giống nhau, nói tiếng Chiêm thì thổ dân làng La Giang, mặc áo Chiêm thì con gái làng Thuỷ Bạn.

Họ Phan cũng đã vào khai phá lập thành xã gọi là xã Phan Xá ở huyện Minh Linh (châu Ma Linh) là một xã nho phong văn vật mà châu Ô châu cận lục đã nêu tên(a), chắc chắn con cháu dòng họ Phan ở đây về sau cũng di chuyển tỏa ra nhiều địa hạt khác, mà sổ sách phổ liệu chưa được ghi chép, đồng thời với các họ khác vào khai cơ cũng đặt các tên họ như Hổ Xá, Ðăng Xá, Cao Xá, Hoàng Xã v.v...

Cuối thời Trần, sang nhà Hồ đến lúc nước ta chống đánh quân Minh, trên sử sách, họ Phan cũng thấy xuất hiện nhiều tướng lĩnh ghi tên:

- Phan Mãnh người Thổ Ri, có công đón đánh quân Chiêm do Chế Bồng Nga bị chết, chạy về, bảo vệ được cho nhân dân, vua Trần Thuận Tông ban thưởng rất nhiều, làm quan đến Dực vệ, Thăng Minh Uy tướng quân, coi quân Thánh dực, hai hạt Tân Bình và Thuận Hóa, được thưởng kim vân phù. Bấy giờ, ông cùng Chu Bình Khuê ngầm mưu trừ bỏ Hồ Quý Ly, bàn tán về việc chuyên quyền của Hồ Quý Ly bị Quý Ly ghép với tội tiềm mưu bất chấp pháp giết đi (1391)(b).

- Năm 1407 lúc quân Minh tiến quân xuống vùng Thái Bình, ông Phan Hòa Phủ làm trấn phủ Kiến Xương lo chuẩn bị chống đánh. Lúc quận Hồ thua, rút về Muộn hải (Giao Thủy, Nam Ðịnh) thì ông bị bọn phản quốc quan lại như Trần Nguyên Chi, Trần Sư Hiền, Nguyễn Nhật Kiên người huyện Kiến Hưng nổi lên giết Phan Hòa Phủ, rồi đầu hàng quân Minh.(c)

Trong cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần, đại quân của vua Trần do Ðặng Dung chỉ huy đóng ở cửa Hàm Tử (Hưng Yên) đã chống đánh quân Minh ngày 21 tháng 8 năm Kỷ Sửu (29-9-1409), một trận thủy chiến diễn ra ác liệt, 600 chiến thuyền của quân Trần đóng ở bờ phía nam với 2 vạn quân, nhưng bị gió bắc, thủy quân của địch do Trương Phụ chỉ huy lợi thế đánh vào quân Trần, quân Trần chống trả quyết liệt, 3000 người bị chết, 400 thuyền bị mất, tướng Phan Ðê và 200 quân bị bắt.(d)

Năm 1413, sau khi thất thủ Hóa Châu, nghĩa binh của Trần Quý Khoáng (Hậu Trần) dưới sự chỉ huy của Ðặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị rút ra Thuận Châu, sau khi Trương Phụ bị chết hụt do Ðặng Dung không nhận ra mặt ban đêm, vội nhảy sang thuyền khác, hôm sau cùng Mộc Thạnh, Trương Phụ tập trung quân đánh vào quan Trần, Phương Phụ tiến đánh thúc quân bắn vào những viên quản tượng và vòi voi, voi sợ hãi, lùi chạy tán loạn, nghĩa quân thua, tướng Nguyễn Sơn tử trận, 700 nghĩa quân bị bắt cùng nhiều tướng của quân Trần trong đó có Phan Kính, Phan Lỗ, Phan Cầu. Trận xảy ra ở sông ái Tử (Quảng Trị) đầu năm 1413(e). Sau trận này, Ðặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị cũng bị bắt, Nguyễn Cảnh Dị bị giết, Trần Quý Khoáng trốn sang Lào nhưng qua 1414 cũng bị bắt và bị giải về Yên Kinh, Trần Quý Khoáng, Ðặng Dung, Nguyễn Suý đều nhảy xuống sông tự tử(g).

Nhà Minh đặt ách thống trị trên đất nước ta, nhưng năm 1417 ở Thuận Híoa, tại Thuận Châu (Quảng Trị) có Lê Hạch, Phan Cường cùng với một số ngụy quan khác đồng thời nổi dậy chống lại quân Minh, đốt phá thành trại, bắn giết bọn quan lại. Tháng 7-1417 Lý Bân phải sai Chu Quảng điều động binh các vệ Trung và Hữu ở Giao Châu, vệ Thanh Hóa, vệ Tần Bình vào đàn áp, trận chiến đấu quyết liệt xảy ra, Lê Hạch bị tử trận, Phan Cường và nhiều tướng lĩnh khác bị bắt và bị giết(g).

Năm 1419, Phan Liêu con Phan Quý Hữu làm tri phủ Nghệ An, trước đã hàng quân Minh, nhưng sau không chịu nổi những sự sách nhiễu của tên nội quan Mã Kỳ (tướng Minh) nên đã cùng với Trần Ðài và một số ngụy quan khác, nổi lên đốt phá châu huyện, đem quân chống lại quân Minh, bắt giết bọn quan lại nhà Minh. Phan Liệu đam quân tiến lên vây đánh quân chủ lực của nhà Minh ở thành Nghệ An (Rú Thành trên bờ sông Lam cách thành phố Vinh 3 km về phía tây nam) rất gấp. Tổng binh Lý Bân phải đem quân từ thành Ðông Quan (Hà Nội) vào cứu viện mới thắng được. Phan Liệu phải chạy sang Ai Lao, Lý Bân đuổi đến châu Ngọc Ma không kịp, phải quay binh lui về thành Nghệ An. Sau đó Phan Liêu cùng Lộ Văn Luật, một ngụy quan cũng chống giặc Minh ở Thạch Thất, Sơn Tây, bị thất bại chạy sang Ai Lao, hai người hợp lực nhờ người Lào giúp đỡ, đưa quân về đánh lại quân Minh ở Ngọc Ma, nhưng rồi cũng thất bại, phải trốn sang Lào. Năm 1425 hai người lại theo về Lê Lợi ở Nghệ An, được Lê Lợi phái ra hoạt động ở vùng Gia Hưng Quốc Oai (Sơn Tây) để chiêu tập nghĩa binh và liên lạc với các hào kiệt ở ngoài Bắc, tạo điều kiện cho nghĩa quân của vua Lê tiến ra bắc năm 1426. Nhưng hai ông đã bị quân Minh bắt được(h) .

Nói chung, những người con họ Phan trong lúc giặc Minh sang xâm lược nước ta, đã cùng nhân dân dũng cảm đứng lên đánh giặc cứu nước, trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều người cũng đã hy sinh ngã xuống trước tên đạn của quân thù.

B - TỪ NHÀ LÊ ĐẾN NHÀ NGUYỄN

Cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược đến năm 1418 là năm Lê Lợi khởi nghĩa ở đất Lam Sơn (Thanh Hóa) đã mở ra một giai đoạn mới, sau 6 năm tiến đánh quân Minh ở Thanh Hóa, khi thắng, khi bại, nhưng không có thế mở rộng vùng giải phóng, phải quanh quẩn vùng núi rừng, đến năm 1424, theo kế hoạch của tướng Nguyễn Chích, nghĩa quân vua Lê đã chuyển vào Nghệ An hoạt động. Nghĩa quân đã tiến đánh vây hãm thành Trà Lân. ở Ðông Thành ông Phan Vân đã giúp đỡ vua Lê giữ vùng núi phía đông. Quân Minh tiến lên đánh giải vây thành Trà Lân, vua Lê tập trung quân đánh đuổi quân Minh dọc sông Lam, tiến xuống vây thành Nghệ An. Theo chủ trương, ông Phan Vân đã giúp Ðinh Lễ chiến thắng Diễn Châu, mở màn cho đại quân vua Lê tiến thẳng ra bắc, chiến thắng quân Minh. Trong lúc bao vây thành Nghệ An vua Lê phái các tướng (tháng 9-1425) là Trần Nguyên Hãn, Lê Nỗ, rồi Lê Ngân, Lê Bôi, Lê Văn An đem 70 thuyền cùng bộ binh vào đánh Tần Bình và Thuận Hóa, giải phóng vùng này khỏi ách cai trị của giặc Minh, nhân dân vô cùng phấn khởi xin tình nguyện góp sức góp của, ứng nghĩa vào công cuộc diệt giặc cứu nước. Trần Nguyên Hãn đã mộ được vài vạn quân, đặt người trấn thủ và một số quân ở lại trông coi, bảo vệ nhân dân khuyến khích sản xuất. Còn thì đa số chuyển ra Nghệ An nhập vào nghĩa quân vua Lê, mở cuộc đại tấn công ra bắc.

Thời kỳ tiếp đó, một số dòng họ từ Nghệ An lại vào khai phá ở vùng Tân Bình Thuận Hóa như các họ Nguyễn Văn, Nguyễn Tín, Phạm Văn vàHọ Phan vào thứ tư năm 1428 có ông Phan Chí Cực từ Nho Lâm, Lạc Mai Diễn Châu vào khai phá lập dòng họ Phan ở Diên Sanh (huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị), hoặc các ông Phan Bao, PhanNgw, Phan Nội năm 1438 từ hà Tĩnh cùng vào khai phá ở Thừa Thiên.

Tình hình phía nam ổn định chưa được bao lâu thì giặcChiêmThành lại ra quấy phá vùng Hóa Châu. Năm 1444 vua Chiêm Bí Cai ra cướp phá bị quân ta đánh bại, năm sau Bí Cai lại ra đánh bị Lê Quyết giữ thành Hóa Châu đánh tan bắt được trên 200 chiến thuyền và nhiều tù binh Chiêm. Chiêm Thành vẫn luôn quấy phá, năm 1446 triều đình cử Lê Thụ, Lê Khả, Lê Khắc Phục, tháng 2 đem 16 vạn quân vào đánh, đại quân Việt tiến vào Ly Giang, Ða Long, Cổ Lũy (thuộc Quảng Nam) đất Chiêm Thành khai sông đắp thành, đánh bại đạo quân Chiêm phòng thủ biên giới và tiến vào cửa Thị Nại, đánh thẳng vào kinh thành Chà Bàn (tháng 5-1446) bắt vua Bi Cai, cung phi và tướng tá Chiêm Thành giải về Thăng Long. Tiếp đến các triều vua Chiêm hai đời sau (1449-1460) không thần phục triều cống vua Lê lại triều cống nhà Minh, cố ý dựa vào thế lực nhà Minh để chống lại Việt Nam. Tình hình trở nên căng thẳng, năm 1469 quân Chiêm lại đánh Hóa Châu, Trà Toàn chỉ huy hơn 10 vạn quân ra đánh. Tướng giữ thành Hóa Châu là PhạmVănHiển đánh không nổi phải cho dân chúng vào thành rồi đóng cửa thành cố thủ, một mặt cáo cấp về triều đình vua Lê.

Tháng 11-1470 vua Lê Thánh Tông đem 25 vạn quân vào đánh Chiêm Thành, phân giao Ðinh Liệt, Lê Niệm chỉ huy 10 vạn thủy binh, bản thân Lê Thánh Tông chỉ huy 15 vạn quân bộ vào thẳng phía nam, tiến đánh kinh đô Chà Bàn, bắt vua Chiêm Trà Toàn giải về Thăng Long, giải về đến Thanh Hóa thì giết chết. Thành Trà Bàn bị phá. Vua Lê chiếm lại đất Chiêm động Cổ Lũy cũ và tiến vào đến đất Hoà Nhân tận đèo Cù Mông dựng đá khắc bia trên núi Ðá Bia thuộc dãy Ðại Lãnh giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Vua Lê đặt làm đạo Quảng Nam gồm phủ 9 huyện: phủ Thăng Hoa 3 huyện, phủ Tư Nghĩa 3 huyện, phủ Hoài Nhơn (tức Bình Ðịnh) 3 huyện, chiêu dân chuyển từ bắc vào khai khẩn, đặt vệ sở quân đoọi để bảo vệ biên giới và giúp đỡ nhân dân sản xuất. Ðất Chiêm còn lại bị chia làm 3 nước để giảm bớt thế lực quấy phá.

Ðời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) cũng rất quan tâm khai phá đất đai ở phía bắc. Nhà vua đã tổ chức đắp đê Hồng Ðức suốt từ Hải Dương quá Thái Bình vào giáp Thanh Hóa dọc theo bờ biển để ngăn nước mặn làm ruộng. Những vùng đất trũng, cỏ lác hoang vu, cũng được khuyến khích khai thác, năm Hồng Ðức thứ 26 (1-1495), một bộ phận họ Phan từ Thụy Khê Quảng Bá tây bắc Thăng Long vào khai thác ở xã Vân Hoàng (huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây) cách Hà Nội độ 40 km về phía nam và cùng họ Nguyễn nhập cư vào thôn Thượng (xã Vân Hoàng tổng Ðường Xuyên, huyện Phú Xuyên).(a)

Về phía đông, vùng gần biẻn họ Phan đến Trà Lũ, (huyện Giao Thủy Phủ Thiên Trường, Trấn Nam Hạ) lập ấp đầu tiên là thôn Ðông(b) vào những năm đầu đời Hồng Ðức.

Ðầu thế kỷ thứ XVI, có 9 họ trong đó có họ Phan về vùng Cồn ấp khai phá lập thành thôn xóm sau đổi là Quần Mông, rồi Quần Cường tức là xã Quần Anh(c), những họ này nguồn gốc từ các huyện Xuân Trường, Nam Trực, Nghĩa Hưng (Nam Ðịnh), Quần Anh sau ngày càng mở rộng thành 3 xã ở huyện Nam Chân phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ, ở huyện Giao Thủy, tổng Hành Cung tức là Tổng Hành Thiện cũng có dòng họ Phạn ở xã Phan Xá phải chăng là gốc tổ họ Phan khai thác ở xã Quần Anh.

Ở vùng Nghệ An, hà Tĩnh, thời Lê Sơ có nhiều chi nhánh tỏa ra ở nhiều huyện: Ðông Thành, Thiên Lộc, La Sơn, Nghi Xuân, Thanh Chương, Nam Ðàn, Hưng Nguyên... nhưng đến thời Lê Trung Hưng do chiến tranh Lê Mạc, rồi đến chiến tranh Trịnh Nguyễn, vùng này là bãi chiến trường, nhân dân nói chung, họ Phan nói riêng, phải bỏ đất, di cư tìm nơi khác để ở, nhiều người cũng di chuyển vào vùng đất phía nam.

Năm 1558 Nguyễn Hoàng vào miền Nam lập nghiệp, đã tuyển mộ nhiều người từ Thanh Nghệ vào. Năm 2578 Nguyễn Hoàng tiến vào lấy hết đất Phú Yên, năm 1653 chúa Nguyễn Phúc Tần sai tướng vào đánh mở rộng đất đến sông Phẩnng lập thành 2 phủ mới: Thái Khang (Ninh Hòa) và DiênKhánh. năm 1697 chúa Nguyễn Phúc Chú (hay Thụ) sai tướng vào đánh dẹp Chiêm Thành, mở rộng đất đến hết Chiêm, lập thành phủ Bình Thuận.

Từ năm 1627 - 1672 gần 50 năm, họ Trịnh và họ Nguyễn đánh nhau đén 7 lần, vùng phía nam Hà Tĩnh và bắc Quảng Bình là vùng chiến sự, nhân dân phải bỏ đất đi nơi khác, cuộc chiến xảy ra ác liệt, có lần như cuộc chiến năm 1648, quân Trịnh thua, quân Nguyễn bắt được 3000 tù binh (có tài liệu nói 3 vạn) và 60 sĩ quan chỉ huy. Chúa Nguyễn chỉ trả 60 sĩ quan về bắc, còn 3000 tù binh thì chuyển vào khai thác vùng Quy Ninh (Bình Ðịnh), cứ 50 người tổ chức thành một nhóm, cấp lương thực, trâu bò để khai khẩn lập làng xóm mới, lại khuyến khích nhà giàu cho họ vay làm vốn khai hoang. từ đó miền Thăng Ðiện vào đến Phú Yên xóm làng liền nhau.(d)

Ðặc biệt là lần đánh thứ 5, quân Nguyễn tiến ra đánh chiếm được 7 huyện phía nam sông Lam gồm Thanh Chương và 6 huyện tỉnh Hà Tĩnh từ 1655 đến 1660, việc bắt người vùng này vào khai thác phía nam rất lớn, kết hợp với tù binh vào khai thác ở Bình Ðịnh, các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn Tây Sơn là vùng An Khê mà tổ tiên Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cùng nguồn gốc ở Hưng Nguyên Nghệ An vào ở đó. Mặt khác từ năm 1608, nhiều năm dân Thanh Nghệ mất mùa đói to, mà đạo Quảng Nam (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh) lại được mùa lớn, dân nghèo tự động bỏ quê hương trốn vào vùng này làm ăn khá đông, trong đó có con cháu họ Phan.

Từ sau cuộc chiến lần thứ 7 (1672) hai bên ngừng chiến lấy sông Gianh làm giới hạn, thì họ Nguyễn tập trung vào khai thác phía Nam, tăng thêm lực lượng mở rộng thêm địa giới cực nam. Những người Chăm từ xưa, thời nhà Lý và các triều Trần Lê, qua mỗi lần chiến tranh thất bại, họ bị bắt làm tù binh, một số đưa ra bắc tổ chức đi khai khẩn đất hoang như thời vua Lý Thái Tông chuyển 5000 tù binh Chăm khai khẩn từ Trấn Vĩnh Khang (tương Dương Nghệ An) rải rác lên vùng Châu Ðặng ở Quy Hóa (Phú Thọ Yên Bái). Hoặc có loại sau bổ sung làm điền nô cho các tướng lĩnh công thần làm điền trang, số người Chăm ở lại cũng được chuyển vào các vùng đất khai thác, ở lẫn với người Việt chuyển vào, dần dần thành người Việt với các họ: Chế, Ma, Ông v.v...

Ở Nam Bộ từ thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 -1635) đã kết thân với vua Chân Lạp bằng mối tình thông gia gả công chúa Ngọc Vạn, con gái thứ hai cho vua Chay Chetta II, đã từng giúp đỡ vua Chân Lạp dẹp nội phản bảo vệ ngôi vua. Năm 1623 một sứ đoàn của Chúa Nguyễn gặp vua Chân Lạp yêu cầu cho người Việt được vào khai thác ở Mỗi Xoài vùng Bà Rịa được vua Chân Lạp đồng ý(a) . Thế là cư dân người Việt bắt đầu được chuyển vào khai thác vùng này dần dần tiến lên vùng Biên Hòa Gia Ðịnh.

Nội bộ hoàng gia Chân Lạp cũng luôn luôn xảy ra những sự sung đột, đánh nhau tranh chiếm ngai vàng, chúa Nguyễn cũng nhiều phen giúp đỡ cho ngành chính thống bảo vệ ngôi cao. Do đó nhiều vị vua đã nhường đất ở vùng Thủy Chân Lạp để đền ơn.

Chân Lạp xưa kia là đất nước Phù Nam, một vương quốc thành lập từ đầu công nguyên với diện tích rộng lớn, phía đông đến bờ biển phía nam gồm một phần đất Chiêm Thành, tấm bia ở Võ Cạnh gần Nha Trang, di tích cổ ở ốc eo thuộc Kiên Giang chứng tỏ là di vật của Phù Nam, phía tây đến Diến Ðiện giáp ờ biển vịnh Bengale, phía bắc giáp Ailao, phía nam đến bán đảo Mã Lai, nhưng đến đầu thế kỷ VII (627) bị nước Chân Lạp ở phía bắc (vùng hạ Lào và phía đông Thái Lan) đánh chiếm.(b)

Ðất Nam bộ tức Thủy Chân Lạp xưa kia là vùng đất biển mới rút, ngập mặn, hoang vu, rừng cây rậm rạp đầy thú dữ ác độc, vắng người ở, miền đông vùng phía bắc có Tây Ninh sông Bé Ðồng Nai đất cao, bìa rừng có người Mạ, Xiêng, Côh, Mơ nông cư trú, đến nay còn người Mạ ở miền Tây vùng đất trũng, người Chân Lạp chỉ ở một số giồng đất cao tại giữa sông Tiền sông Hậu, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh Tầm Phong long, ở miền đông tại Bà Rịa lên Sài Gòn.

Những dân nghèo ở miền Trung và Nam Trung Bộ, do chính sách chúa Nguyễn áp đặt quá nặng nề để phục vụ cho cuộc chiến ở phía bắc, đã bắt buộc những dân nghèo đói quá phải rời bỏ quê hương, dùng ghe bầu chạy trốn vào nơi xa xôi hẻo lánh làm ăn. Dòng di cư người Việt từ đó (sau 1623) vào Nam Bộ càng ngày càng đông,khai hoang phá rậm, lập thành thôn ấp lúc đầu từ Mỗi Xoài, Bà Rịa, tiến lên Biên Hòa, Gia Ðịnh rồi xuống Cần Ðước, Cần Giuộc.

Vùng Long An, Bến Tre cũng được người Việt vượt thuyền theo các cửa sông Cửu Long tới các giồng đất cao: Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày. Chợ Lách, thị xã Bến Tre... rồi tiếp tục tiến lên tận Vàm Cỏ đông, Vàm Cỏ tây, Cái Yên, thị xã Tần An... đến nay con cháu còn truyền ghi tổ tiên vào đấy từ thế kỷ XVII, vùng Hà Tiên từ 1671 đã có người Việt đến làm ăn sinh sống rồi Mạc Thiên Tích chuyển nhập vào đất Việt của Chúa Nguyễn.

Cuộc làm ăn lập nghiệp cũng không phải dễ đàng, ngoài việc phát cây dọn cỏ, phá rừng đắp bờ giữ nước, còn phải chống với thú dữ: cọp, rắn, cá sấu, muỗi v.v... ở Cai Lật (Mỹ Tho) phải lập miếu thờ ông "Cả Cọp" xin ông đừng hại người. ở Hóc Môn còn dấu vết sau này còn gọi là cọp 18 thôn Vườn Trầu, mà tổ tiên dòng họ Phan Công Hớn đã vào đây khai phá còn nhắc lại.

Một vùng đất hoang dã, không ai cai quản, người Việt qua bao đời đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt để lập nên thôn ấp, thậm chí có dòng họ như họ Phan Ðức ở Ðịnh Phước Thủ dầu một từ Quảng Nam vào khai hoang phá rậm đã từng bị cọp bắt mất nhiều người, đến sau phải làm lễ cầu hồn siêu sinh tịnh độ.

Chúa Nguyễn cũng tổ chức nhiều đội khai hoang lập đinh điền ở nhiều nơi, năm 1679 chúa Nguyễn Phúc Tân đã lập đồn Tân Mỹ (khoảng ngã tư Cống Quỳnh Nguyễn Trãi Sài Gòn) và đặt dinh Tần Thuận (ở Tần Thuận) để quản lý trông nom. Cuối thế kỷ XVII người Việt ở đồng bằng Ðồng Nai và Cửu Long có khoảng 15 vạn(c). Năm 1714 đã đến đông ở Hà Tiên, năm 1735 đến Kiên Giang Cà Mau, năm 1757 mới hoàn thành định cư vùng Tầm Phong Long, Trà Vinh, Sóc Trăng(d). Họ Phan cũng có nhiều người theo dòng người vào thời kỳ này, nhưng chỉ truyền miệng mà chưa có phả hệ trình bày.

Triều Nguyễn từ vua Gia Long đến vua Tự Ðức, công cuộc di dân lập ấp vào miền Nam được khuyến khích bằng nhiều chính sách rộng rãi, như cho vay mượn nông cụ, thóc giống, trâu bò, miễn thuế ba năm hoặc cấp không, đối với những nhà chiếm cứ nhiều ruộng đất mà bỏ hoang thì phải phạt trượng, hoặc cho người khác khai khẩn hay bị sung công. Do đó dân số chuyển vào ngày càng đông. Theo thống kê vào cuối triều vua Gia Long (1819) số dân đinh ở Nam Bộ là 97.100 người. Năm 1829 có 118.790 dân đinh, đến đầu triều Tự Ðức (1847) số dân đinh lên đến 165. 598 người, chiếm 16% dân số đinh trong cả nước. Trong số này Gia Ðịnh chiếm 31,3%, Vĩnh Long 25%, Ðịnh Tường 16,2%, An Giang 13,9%, Hà Tiên 3,4%(a) , dân đinh đây là chỉ số trai tráng chịu bình dịch, vào sổ làng xã, còn phụ nữ và trẻ em dưới 18 tuổi không ghi. Năm 1962, lúc Pháp chiếm Nam Bộ thống kê dân số là 1.879.034 người trong đó người Việt 1.732.316 người, người Mên 146.718 người.(b)

Ðồng thời với số người di cư khẩn đất từ triều Nguyễn Gia Long đến Tự Ðức, họ Phan cũng vào khá đông, dòng họ Phan thấy có mặt hầu hết các tỉnh Nam Bộ ngày nay, nhưng đa số tộc phả không có chỉ qua truyền miệng mà nhiều chi phái cũng nói tổ tiên vào đây cách 6,7 đời, nếu tính mỗi đời cách nhau khoảng 25 năm thì tổ tiên vào đây cũng cách nay khoảng 150 năm đến gần 200 năm tức là vào khoảng triều vua Nguyễn nói trên (Gia Long 1802-1829, Minh Mạng 1820-1841, Thiệu Trị 1841-1847, Tự Ðức 1848-1883) có nhiều chi phái làm ăn thịnh vượng, có chi đông đến 200-300 người và cũng đã sản sinh nhiều nhà yêu nước, khoa bảng có tên tuổi,(c) nhất là vào thời Pháp xâm lược Nam Bộ:

- Phan Thanh Giản (1796-1867) Tiến sĩ với hai con Phan Tôn, Phan Liêm - Quê Ba Tri, Bến Tre.

- Phan Công Tông (1818-1867) quê Ba Tri - Bến Tre chống Pháp hy sinh.

- Phan Văn Trị (1830 - 1910) quê Giồng Trôm Bến Tre đậu cử nhân chống Pháp.

- Phan Văn Ðạt (1828-1861) quê Tần Thành Gia Ðịnh đậu cử nhân chống Pháp hy sinh.

- Phan Văn Hớn (....- 1886) quê Hóc Môn Gia Ðịnh, chống Pháp hy sinh.

- Phan Phát Sanh (1893-1916) quê Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh) chống Pháp bị xử tử 1916.

- Phan Ngọc Hiển (1910-1941) quê Thới Bình - Cái Khế Cần Thơ, diệt Pháp chiếm Hòn Khoai bị xử tử 1941.

Thành tích chiến đấu dòng họ Phan chống Pháp khá nhiều, đây chỉ nêu một số điển hình.

 

Trang trước