PHẦN THỨ HAI: MỘT SỐ DANH NHÂN HỌ PHAN TỪ TRIỀU TRẦN LÊ ĐẾN NGÀY NAY

 

Trang trước  |  Trang tiếp

CHƯƠNG IV
THỜI TRẦN LÊ ĐẾN
NGUYỄN TÂY SƠN

PHAN HÁCH
(Khoảng 1250)
Trần Triều Vương Phó sư
(Có tiểu sử ghi ở chương II mục B)

Gốc từ Thanh Hóa dời vào Thu Hoạch rồi lên Ðức Thọ Hà Tĩnh, con cháu nay đa số tập trung ở Ðức Thọ, chia ra nhiều chi phái, rất phát đạt, cũng nhiều con cháu chuyển đi nhiêu nơi, ra Ðông Ngạc Từ Liêm Hà Nội, vào Thuận Hóa khai cơ lập ấp nhiều dòng họ ở miền Trung


PHAN NGHĨA
(... - 1388)

Phan Nghĩa (cũng gọi là Nghệ ) sống vào những năm gần cuối đời Trần, ông là một người hay chữ, được bổ nhiệm là tu sử (biên soạn quốc sử). Tháng 10 năm Tần Hợi (1371) vua Trần Nghệ Tông lấy ông làm Lang Trung bộ lễ, định thống chế của quốc triều và các lễ nghi. Năm Xương Phù thứ 7, Quý Hợi (1383) giặc Chiêm Thành do Chế Bồng Nga chỉ huy lại sang đánh nước ta, tiến lên đánh chiếm kinh thành Thăng Long. Thượng hoàng Trần Nghệ Tổng cùng vua Trần Phế Ðế (tức Trần Ðế Hiện niên hiệu Xương Phù) phải dời sang núi Lạn Kha (tức là núi Phật Tích, huyện Tiên Du, trên bờ bắc sông Ðuống, nay thuộc Bắc Ninh) để tránh giặc và lập cung Bảo Hòa ở đó.

Thượng Hoàng Nghệ Tông sai Thẩm Tri nội mật viện là Nguyễn Mậu Tiên, Lang trung bộ lễ là Phan Nghĩa, và gia thần của Vũ Hoài hầu ở Tiên Du, thay phiên nhau chầu chực nhà vua, ông Phan Nghĩa được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cho cùng ăn cơm và hỏi các việc cũ hàng ngày, ghi chép để dạy vua, ông ghi thành một tập sách gồm 8 quyển gọi là "Bảo Hòa di bút", do trạng nguyên Ðào Sư Tích đề tựa, là một tập sách có giá trị, tiếc rằng về sau sách này bị giặc Minh đánh chiếm và tịch thu đem về Bắc.

Tháng 12 năm ấy (1383) giặc Chiêm Thành rút, nhà vua cùng các triều thần trở về Thăng Long, nhưng Thượng Hoàng mãi tới năm Ðinh Mùi (1387) mới về kinh.

Lúc này Hồ Quý Ly nắm hết quyền bính trong tay, lại được Thượng Hoàng tin dùng nên ra vào triều cung không kiêng nể ai. Tháng 8 năm Mậu Thìn (1383) nhà vua bàn mưu với thái uý Ngạc, cả thầy dạy Phan Nghĩa, và một số triều quan thân cận, tìm cách từ Hồ Quý Ly, không ngờ mưu ấy bị bại lộ, Hồ Quý Ly biết được lúc đầu lo sợ, nhưng sau trấn tĩnh lại được gia thần bàn mưu, bèn đi tới mặt tâu với Thượng Hoàng, dèm pha nhà vua, được thượng hoàng Nghệ Tông nghe lời, bắt phế truất vua xuống làm Linh Ðức Vương, lập người con út là Ngang mới 12 tuổi tức là Trần Thuận Tông Linh Ðức Vương bị đưa xuống phủ Thái Ðường và bị Hồ Quý Ly sai người treo cổ giết chết. Ông Phan Nghệ, một triều quan dự mưu kế cả thái uý Ngạc đều bị giết. Con cháu ông phải lẩn trốn mỗi người một nơi. Trong đó có ông Phan Vân dời vào Phủ Lý (Thiệu Hóa Thanh Hóa) nhưng đến 1399 Kỷ Mão, Hồ Quý Ly dời vào Tây Ðô (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) lại giết Trần Thuận Tông, liền xảy ra vụ mưu sát ở hội thế Ðốn Sơn tại nhà Trần Khát Chân, nhưng lại bị bại lộ. Hồ Quý Ly lại giết Triều Quan và gia nhân hơn 370 người. Một cuộc tàn sát đẫm máu, ra đường gặp nhau không dám chào nhau. Ông Phan Vân con ông Phan Nghệ dời trốn vào Nghệ An, một người em thứ hai vào La Sơn, Hà Tĩnh, người em thứ ba lên Sơn Tây.

Ðây là thời kỳ mà triều quan, trong đó có họ Phan, nhiều người trốn tránh ẩn lánh nhiều nơi.


PHAN CÔNG THIÊN
(1335-1405)
Thành hoàng Thuận quốc công

Con cháu nay ở Ðà Sơn, Quảng Nam Ðà Nẵng và nhiều nơi khác ở miền Trung (xem tiểu sử và dòng họ, chương III mục B)


PHAN VÂN
(1364-1439)
Chánh sứ bái Dương hầu

Có công khai hoang hơn 600 mẫu lập ra thôn Chánh sứ sau này là xã Kim Thành, đã giúp vua Lê Thái Tổ góp phần đánh thắng giặc Minh ở Nghệ An. Con cháu nay ở Yên Thành, với 2 chi nhánh một chi nhánh ở Tràng Thành, một chi ở Hào Kiệt (Yên Thành) về sau di cư đi nhiều nơi

(Xem tiểu sử và dòng họ ở chương III mục B)


PHAN PHU TIÊN
Thái học sinh, tiến sĩ, 2 lần, cuối Trần đầu Lê

Ông Phan Phu Tiên, tên chữ là Tín Thần, hiệu là Mặc Hiên, sống vào khoảng cuối đời Trần, đầu đời Lê, theo tộc phả, ông là hậu duệ dòng ông Phan Hách từ Thu Hoạch, Hà Tĩnh di cư ra ở làng Ðông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ông thi đậu Thái học sinh khoa Bính Tý, niên hiệu Quang Thái thứ 9 (1396) đời Trần Thuận Tông, nhưng có ý kiến nói ông đậu khoa Quý Dậu (1393) Quáng Thái thứ 6 cùng khoa với ông Hoàng Quán Chi người Hạ Yên Quyết cùng huyện Từ Liêm. Sau khi thi đỗ ông được bổ nhiệm làm việc ở Quốc sứ quán và Quốc Tử Giám. Ðến lúc nhà Hồ chiếm ngôi nhà Trần và giặc Minh chiếm nước ta thì ông lãnh mình, về ở ẩn tại làng Xuân Tảo (Xuân Ðỉnh, Từ Liêm) về sau lúc vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh, khôi phục đất nước, mở khoa thi Minh Kinh năm Kỷ Dậu niên hiệu Thuận Thiên 2 (1429) ông lại đi thi, khoa này ông Nguyễn Trãi làm giám khảo(a).

Ông Phan Phu Tiên đỗ thứ 3. Ông lại được vua Lê bổ nhiệm chức đồng tu sử ở Quốc Sử quán và có tham gia dạy học ở Quốc Tử Giám. Ðược ít lâu, ông lại chuyển sang làm chức An phú sử ở Thiên Trường (Nam Ðịnh) rồi Hoan Châu (Nghệ An) rồi lại trở về làm việc ở Quốc sử quán.

Theo phổ ký thì đến năm Mậu Thân (1428) ông mới chính thức nhập cư vào làng Ðông Ngạc, ông là người đậu đại khoa đầu tiên ở làng này.

Ông là bậc thâm nho, một nhà sử học, nhận nhiệm vụ vua giao, ông đã soạn tiếp bộ Ðại Việt từ đời Trần Thái Tông cho đến khi quân Minh về nước gồm 10 quyển, nối tiếp với bộ Ðại Việt sử ký mà Lê Văn Hưu đời Trần đã biên soạn từ Triệu Vũ Ðế cho đến Lý Chiêu Hoàng. Ðây là một công trình biên soạn lớn mà nhờ 2 bộ sử đó mà đời Lê, Ngô Sĩ Liên đã viết thành bộ "Ðại Việt sử ký toàn thư" lưu hành cho đến mãi ngày nay.

Ông còn là nhà thơ, ông thích thơ, thích sưu tầm thơ cổ nhân của nước ta, tập hợp viết thành "Việt âm thi tuyển" là tập thơ hợp tuyển đầu tiên của nướcta, công việc sưu tầm này ông tiến hành từ lúc làm việc ở Quốc sử viện, từ thời Trần cho đến thời lê, khi Lê Thái Tổ còn sống, bộ hợp tuyển sắp hoàn thành, ông có viết bài tựa vào năm 1433 đời Lê Thái Tổ, nói rõ chí hướng của mình, công việc sắp xong thì phải chuyển sang làm An phủ sứ Thiên Trường, mau về sau được quan ngự sử là Chu Xa nối tiếp(b) có ghi thêm một số bài thơ của các bậc có làm quan hay không, kể cả thơ người Việt làm quan ở Trung Quốc, hay người Trung Quốc sang Việt Nam mà họ Phan chưa ghi được hết. Tất cả có hơn 700 bài mà Lý Tử Tấn(c) có nói trong bài tựa thứ 2 viết năm 1459 đời Lê Nhân Tông trước khi in.

Ông đã vận dụng thơ luật Ðường vào tiếng Việt, sau đây là một bài thơ nôm của ông vào loại cổ nhất như "Vịnh Văn Miếu thành Thăng Long.

- Thần Minh dòng trước nẻo Thương Thang
- Thư ngọc lầu lầu sớm ưng tường
- Ðức cả hoàn toàn so Thái cực
- Ðạo màu tính tuý sánh tam quan
- Giáo là Ðàn hạnh còn vang đạo
- Phép để kính luân hãy sáng gương
- Nền mở thái bình nhuần tám cõi
- Thử hình thức thức đối Thiên Trường.

(Tri tân tạp chí số 30 năm 1942 ứng Hoè Nguyễn Văn Tố sao lục).

Phan Phu Tiên còn là một nhà giáo rất chú ý đến việc sửa mình, giáo dục đời sau. Trong một bài thơ với nhan đề Kinh điển: ấu nhi học, tráng nhi hành (trẻ đi học, lớn đi làm), ông còn nhấn mạnh sự học tập truyền thống và lợi ích cho dân cho nước, nguyên văn như sau:

Vi nhân cầu giáo
ấu nhi học, lão vô văn
Tự tiểu khu khu lão thử nhân
Vi đắc thăng đường na nhập thất
Bất tằng tri cố hại tri tân
Ðãn tương lễ nhạc tòng tân tiến
Nguyễn bả thi thư thực hậu nhân
Hà trí quân sinh triêm vũ hóa
Phát vinh tư trượng vọng lai xuân

Văn Trình dịch:

Làm người nên học
Trẻ mà không học khó làm nên
Tự thẹn già nua trót kém hèn
Ôn cũ sau này mong biết mới,
Vào nhà ắt phải bước qua hiên
Ðược theo lễ nhạc bậc tiền bối
Nguyện lấy thi thư giúp thiếu niên
Muôn vật được nhiều mưa móc gội
Ðầu xuân hy vọng tốt tươn lên.

Phan Phu Tiên là một nhà nho có thiện chí cầu tiến bộ, mong đem tri thức mình phục vụ nhân dân không sĩ diện cá nhân, ông đậu trước Nguyễn Trãi, nhưng khoa thi sau lại do Nguyễn Trãi và một số nhà nho nữa trong ban giám khảo chấm, ông vẫn không tự phụ, mà lại rất phục Nguyễn Trãi cả tài lẫn đức, thể hiện khi Nguyễn Trãi được cử làm giám nghị đại phu, ông đã làm bài thơ tặng mừng như sau:

Hạ gián nghị đại phu Nguyễn ức Trai
Chân nguyên hội hợp hạnh phùng thần
Tả lại danh nho hỷ hữu nhân
ấu học, tráng hành, hành thị đạo
Sinh tiền tri giác, giác tư dân
Diêm mai, đỉnh nái điều hòa mỹ
Lễ nhạc, quy mô, chế độ tân
Tứ hải, phương kim quy thống nhất
Thùy tri lô dã ngoại đào quân.

Văn Trình dịch:

Mừng quan Giám nghị đại phu Nguyễn ức Trai
Mở đầu dựng nước thuở phồn vinh,
Nay gặp danh nho giúp trị bình.
Trẻ học, lớn làm, làm đạo lớn
Sinh khôn, sớm biết, biết dân tình
Muối mơ, sanh vạc điều hòa khéo(a)
Lễ nhạc, thước khuôn sắp đặt tinh.
Bốn bể nay đã về một mối
Ai hay lò tạo có tiên sinh.

- Về luật học, Phan Phu Tiên viết quyển "Soạn định Quốc Triều luật linh".

- Về y học ông có công trình nghiên cứu biên soạn sách "Bản thảo thực vật thảo yếu" đồng thời nêu rõ quan điểm phòng bệnh giữ gìn sức khỏe.

- Ðến cuối đời ông thấy triều đình vua Lê đối xử bạc đãi công thần, như họ nhà Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, nên ông đã không lưu gì gia phả cho con cháu, việc ghi chép tộc phả cũng bị đứt đoạn mất hai thế hệ kế cận, có chi nhánh đổi họ Phan sang họ Nguyễn theo họ mẹ như Nguyễn Quang Hiến ở Xuân Ðỉnh, đến mấy đời sau mới đổi lại họ Phan.

Ông về nghỉ tại làng Hạ Yên Quyết là quê vợ ông, vợ ông là em ông Hoàng Quán Chi đậu đồng khoa với ông thời Trần. ở đó ông làm nghề thuốc chữa bệnh cho nhân dân, cuối cùng ông mất tại làng Hạ Yên Quyết, nhưng không rõ ngày tháng năm nào?

Ông là một danh nhân của đất nước nên có phố mang tên ông ở Hà Nội.


PHAN CHÍNH NGHỊ
(1476 - 1528) Hoàng Giáp

(Xem lược sử ở dòng họ Phan ở Phan Xá, Nghi Xuân, chương III mục B)


ÔNG PHAN HOẰNG TÍCH
(... - 1575)
Thái phó Lai Trung Quốc công - độc lôi thần -
Trinh Vũ Ðại Vương

Ông Phan Hoàng Tích người làng Hào Cường, sau đổi tên là làng Hào Kiệt, nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông là hậu duệ đời thứ VI kể từ ông Phan Vân, thuộc hệ phái dòng thứ: Ông Phan Nguyên; cha là Thuỵ quân công Phan Hoằng Thanh. Do những sai lầm của Mặc Ðăng Dung nhất là việc cắt đất nhường cho nhà Minh đã gây nên một sự phản ứng trong nhân dân và trong các triều quan nhà Lê, nên năm 1533 ông Nguyễn Kim lên Sầm Nưa (Lào) tìm được con vua Lê lập nên làm vua tức Lê Trang Tông, kêu gọi nhân dân và các nghĩa sĩ nổi lên giúp đỡ, được nhiều người hưởng ứng.

Ông Phan Hoằng Tích cùng với cha đi lên Sầm Nưa, đồng thời với ông Nguyễn Cảnh Mô (tức Nguyễn Cảnh Hoan, hay Trịnh Mô) người huyện nam Ðường (Nghệ An) cũng lên Lào vào năm 1536. Các ông đã được thu nạp, ông Phan Hoằng Tích đã lập nhiều chiến công trong nhiều trận đánh phong là Lai Quốc Công.

Trận 1570 ông cùng các tướng nhà Lê đã phá hơn 10 vạn quân nhà Mạc và hơn 700 chiến thuyền kéo vào đánh Thanh Hóa.

- Năm 1572 ông cùng Lại Thê Khanh, Trịnh Mô (tức Nguyễn Cảnh Mô) đánh đuổi quân Mạc do Mạc Kinh Ðiển chỉ huy vào cướp Nghệ An.

- Năm 1572 vào tháng 11 ông nhận lệnh vua Lê vào Thuận Hóa để uý lạo tướng sĩ, được Nguyễn Hoằng đón tiếp nồng hậu.

- Năm 1574, ông cùng Trịnh Mô vào cứu Nghệ An do tướng Mạc là Nguyễn Quyên vào cướp phá, trận đánh kéo dài vài tháng, Nguyễn Quyên thua phải rút chạy về Thăng Long.

- Tháng 5-1575, Nguyễn Quyên lại vào cướp Nghệ An, đồngthời Mạc Kinh Ðiền vào cướp Thanh Hóa. Sau khi đuổi được Mạc Kinh Ðiển thì ông cùng Lại Thê Khanh, Trịnh Mô vào cứu Nghệ An (tháng 8 - 1575), Phan Hoằng Tích đánh vùng Ðông Thành, đuổi quân Nguyễn Quyên chạy lên Vân Tụ. Trời tối, ông đóng quân ở núi Lưỡng Kiên (Lên Hai Vai), không ngờ khi gần sáng, bị quân Nguyễn Quyên bao vây hòn núi này (núi đá ở giữa đồng xung quanh đầm lầy, chỉ một lối ra vào) ông bị giặc vây trùng trùng điệp điệp, ông không chịu đầu hàng, trên mình voi, ông chửi mắng Nguyễn Quyên là đồ phản bội, rồi ông rút dao, rạch bụng lôi ruột ra tự sát trước mặt quân địch.

Ông chết, được vua Lê Thế Tông phong là Thái phó Lai Trung Quốc Công, Thụy Trinh Vũ Ðại Vương Ðộc lôi thần.

Con trai trưởng của ông là Phan Ngạn cũng là một dũng tướng nối cha lập nhiều chiến công đánh họ Mạc, được phong là Kế quận công, đặc biệt là sau khi nhà Mạc thất thủ 1592) bỏ Thăng Long chạy, có Mạc Kính Chương chiếm vùng Vạn Ninh (Quảng Yên nay là Quảng Ninh) được sự giúp đỡ của nhà Minh sát vùng biên giới, tháng giêng năm 1595 Phan Ngạn ra đánh phá bắt được Mạc Kính Chương tiêu diệt cứ điểm này, làm cho tri phủ Tư Minh ở giáp giới phía Bắc báo về triều đình nhà Minh việc này.

Ông Phan Ngạn tiếp tục dưới sự chỉ huy của Nguyễn Hoàng (lúc Nguyễn Hoàng ra bắc từ năm 1593 đến 1600) đã đánh tan các thế lực chống đối, và được cử trông coi các đạo thủy quân cùng với Bùi Văn Khuê phân công bảo vệ phía Ðông ở các ngả sông.

1600 Nguyễn Hoàng bị Trịnh Tùng tìm cách giữ không muốn cho về Thuận Hóa, nên dùng mưu: Một mặt xui Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê chống đánh Trịnh Tùng, giả làm chỉ lệnh Trịnh Tùng trừ Ngạn Khuê, xui Ngạn Khuê khởi binh, một mặt xui Trịnh Tùng phải trừ Ngạn Khuê, rồi đến hôm tết Ðoan Ngọ (5 tháng 5) Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê khởi binh, thì Nguyễn Hoàng xin Trịnh Tùng đưa quân đi đánh, được Trịnh Tùng đồng ý thế là Nguyễn Hoàng thoát được, đưa quân mình lánh về Thuận Hóa. Phan Ngạn đánh Thăng Long. Trịnh Tùng phải rước vua về Thanh Hóa.

Thành Thăng Long do Phan Ngạn chiếm, nhưng lại nghi ngờ Bùi Văn Khuê (tướng Mạc đầu hàng) nên đã giết Bùi Văn Khuê. Vợ Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên (con Nguyễn Quyện) đã khởi binh giết được Phan Ngạn ở sông Hoàng Giang vào 1-6 năm Canh Tý (1699) (8 HCK) nhưng tháng 8. Trịnh Tùng lại đưa quân từ Thanh Hóa ra đánh bắt Bùi Thị đem chém, còn Mạc Kình Cung chạy thoát.

Phan Ngạn chịu tội chống lại triều đình, anh em phải lẩn tránh đi nhiều nơi. Có người lên Tràng Thịnh, xuống Yên Nhân, vào Hữu Biệt, Nam Ðàn, lên Ðô Lương (Tràng Sơn) và nhiều nơi khác.Gần đây năm 1977, 1978 dân xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Lưu Nghệ An, trong khi đào sông làm thủy lợi ở gần rừng thông, đường số 1 thì phát hiện một ngôi mộ cổ có tấm bia đá đề "Phan Ngạn phố chi mộ": nơi mộ ông Phan Ngạn. "Lĩnh hầu tự Ngạn phổ PhanManx cán trọng tử" con thứ ông Phan Ngạn tước Lĩnh hầu Phan Mẫn Cán. "Thanh Hóa chính trung Nguyễn Thị Khoáng, Mậu Tuất niên sinh, nhị thập cửu nhật tốt": Bà Nguyễn Thị Khoáng , vợ cả người Thanh Hóa sinh năm Mậu Tuất chết ngày 29. Như vậy chắc về sau con cháu bí mật dời về chôn ở đây. Hiện nay đã chuyển về Hào Kiệt chôn nơi quê ông.


PHAN CẢNH QUANG
(1535 - 1599)
Thiếu bảo Sùng quận công -
Minh nghĩa Uy dũng đại vương

Ông Phan Cảnh Quang người xã Hạ Thành, huyện Ðông Thành, tỉnh Nghệ An (nay là huyện Yên Thành). Ông là con cháu ông Phan Vân đời thứ 8, nhà nghèo, nhưng có chí lớn. Năm chính trị thứ 2 (1559) theo lời kêu gọi của vua Lê Anh Tông, ông đã ra Thanh Hóa xin nhập nghĩa quân để đánh họ Mạc, lúc đầu ông có công bắt được con voi sổ tàu trong đội tượng binh của vua Lê, nên được nhà vua khen thưởng, giao chức cai đội chỉ huy một đơn vị ra chiến trận, ông lập được nhiều chiến công, được tín nhiệm và thăng chức mãi về sau làm đô chỉ huy sứ vệ Cẩm Y, là một trong 2 vệ (Cẩm Y và Kim Ngô) có nhiệm vụ bảo vệ triều đình vua Lê, lúc này ở Vạn Lại và Yên Trường (Thọ Xuân Thanh Hóa).

Cuộc chiến đấu nhà Mạc dưới sự chỉ huy của Tiết chế Trinh Tùng mãi đến năm 1592 mới chiếm được kinh thành Thăng Long, bắt giết vua Mạc là Mạc Mậu Hợp, tuy vậy các thế lực chống đối của họ Mạc và các bề tôi vẫn tiếp tục chiếm đóng và đánh phá khắp nơi, dân tình rối loạn.

Từ Thăng Long, Trịnh Tùng một mặt phái các tướng đi đánh dẹp, một mặt sai người về Thanh Hóa tổ chức rước vua Lê ra Thăng Long, để trấn tĩnh nhân tâm phục hồi lại Hoàng triều chính thống của nhà Lê.

Ông Phan Cảnh Quang nhận trách nhiệm hộ giá rước vua Lê Thế Tông từ Vạn Lại ra Thăng Long qua vùng đất mới giải phóng, đầy nguy hiểm. Cuộc hành trình đi mất một tháng từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 âm lịch (1593) mới đến nơi. Ngày 16 tháng 4 (1593 vua Lê ngự triều lên Chính điện trong thành Thăng Long, sau 66 năm bị nhà Mạc chiếm, trăm quan lạy mừng, hạ chiếu đại xá thiên hạ, nêu cao công đức của Hoàng triều vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh đến nay và lên án họ Mạc cướp ngôi hại nước. Dịp này Ðoan Quận công Nguyễn Hoàng từ Thuận Hóa cũng ra thành Thăng Long lạy mừng.

Qua thành tích này ông Phan Cảnh Quang được vua Lê phong "Minh nghĩa kiệt tiết tuyên lực công thần chỉ huy sứ tự thường dinh" Trung tín hầu.

Tuy vậy các thế lực chống đối chưa yên, Tiết chế Trịnh Tùng lại xin vua Lê cử ông Phan Cảnh Quang lên làm Ðô chỉ huy sứ, xứ Hưng Hóa, vừa để giữ mặt phía tây thành Thăng Long, vừa giữ vững tuyến đường đi lại nối liền phía bắc vào Thanh Hóa là nơi căn bản của Lê Triều, sau một thời gian, Hưng Hóa được ổn định.

Các thế lực của họ Mạc ở các nơi bị đánh bại, nhưng còn Mạc Kính Cung, Mạc Kíng Dụng, Mạc Kính Chương vẫn dựa vào thế lực nhà Minh để hòng đánh chiếm lại đất nước. Mạc Kính Cung chạy sang Long Châu (đất Trung Quốc) Mạc Kính Chương chiếm Hải Ninh, phía Quảng Ninh, Móng cái, Mạc Kính Dũng chiếm Cảm Hóa (vùng Bắc Cạn).

Một việc quan trọng là bọn quan lại nhà Minh ở vùng biên giới sai người sang thăm dò tình hình do tri châu là Tôn Kế Tiên cẩm đầu. Mạc Kính Dung ở Châu Cảm Hóa cũng sai người sang tố cáo viên quan Tuần phủ Quảng Tây xin điều động mấy vạn binh lấy danh nghĩa điếu dân phạt tội (cứu dân đánh kẻ có tội) (Ðại Việt thông sứ của Lê Quý Ðôn tập III) (11.DVTS T.369).

Trước tình hình đó, năm Quang Hưng thứ 18 (1595) tháng 4, tiết chế Trịnh Tùng sai chỉ huy sứ Trung Tín hầu Phan Cảnh Quang(a) đưa quân từ Hưng Hóa hợp với Tổng binh Thái Nguyên là Ðức Trạch hầu Lại Thế Quý đem quân lên Cảm Hóa để đánh ngụy Uy Vương Mạc Kính Dụng. Trận đánh diễn ra ác liệt, ông Phan Cảnh Quang cùng Lai Thế Quý đã chém 600 đầu giặc, đuổi Mạc Kính Dụng chạy lên tận Cao Bằng thu nhiều quân nhu khí giới, 1 con voi, 10 cỗ ngựa đem về nạp triều đình.

Sau trận này ông được vua Lê khen thưởng và phong tước: Sùng quận công.

Tháng 7 năm 1595, Mạc Kính Dụng lại sang gặp tuần phủ nhà Minh là Ðái Diệu trình bày, bèn tâu lên vua nhà Minh, được quan nhà Minh cho họ Mạc an tháp; lấy phủ Cao Bằng cho Mạc Kính Dụng an trị, châu Bảo Lạc (tây bắc Cao Bằng), châu Hải Ðông (Quảng Ninh) cho Mạc Kính Cung và Mạc Kính Chương ở để bảo tồn việc tế tự của tông tộc nhà Mạc, đấy là những vùng đất ở sát biên giới Trung Quốc.

Nhưng tháng giêng năm 1595, Kế Quận Công Phan Ngạn đã phá tan cứ điểm của Mạc Kính Chương ở Hương Lan, Hải Ðông (Quảng Ninh) bắt Mạc Kính Chương về triều xử tử, Tri châu Tư Minh nghe tin ấy vội báo về Tam Ty nhà Minh là Mạc Kính Chương quân sĩ tan vỡ, đất Hải Ðông, Tân An lại thuộc về nhà Lê rồi (11 ÐVTS. 369 - 371).

Cũng năm ấy (1596) bầy tôi nhà Mạc báo cáo với nhà Minh rằng: "Cái gọi là binh nhà Lê chính là của họ Trịnh nổi lên tranh cường, không phải con cháu nhà Lê Trung Hưng" vì thế nêm nhà Minh sai sứ đến trấn ải Nam Quan đòi vua Lê lên khám xét.

Theo hẹn ước, tháng 2 năm 1596, vua Lê cùng các tướng Hoàng Ðình ái, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu đem một vạn quân lên ải Nam Quan hội khám, nhưng các quan nhà Minh lại gây chuyện, mượn cớ này cớ khác để thoái thác không gặp. Vua Lê và phái đoàn chờ mãi đến tháng 3 đành phải trở về Thăng Long . Quan đạo nhà Minh là Dương Dần Thu tức giận, cho là phía ta lật lọng bèn báo cáo lên vua Minh. Bộ binh nhà Minh bèn tư xuống cho Tư Bố Chính đưa chiếu cho quan đạo đánh dẹp để hỏi tội vua ta, lại sắc cho các phủ huyện bên họ phải chuẩn bị binh mã lương thực để sẵn sàng chinh phạt (15 ÐVTS, 371). Tình thế này vua Lê và Phủ Tiết Chế bàn phải dùng trí mà khéo xử, một mặt phải tăng cường quân lực để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra.

Tháng 11 năm ấy (1596) vua sai Thượng thư Ðỗ Uông và Trịnh Vĩnh Lộc đem tượng vàng, bạc và cống vật theo yêu cầu, lên Lạng Sơn để đợi người Minh đến hội khám, nhưng thổ quan Long Châu nhận nhiều của đút lót Mạc nên thoái thác không gặp, sát tết Nguyên Ðán, 2 ông phải về.

Ðến tháng 2 ngày 19 (1597) vua Lê sai Ðỗ Uông, Nguyễn văn Giai lên Lạng Sơn để thăm tin tức người Minh về việc hội kiến, sai bọn Bắc đạo tướng quân Trần Ðức Huệ cùng Hội Quận Công, Hoành Quận Công đem quân hộ tống, không ngờ khi đến Lạng Sơn đóng đinh, thì bọn ngụy Mạc là Phúc Vương và Cao Quốc Công đem quân đến đánh, giết chết Hội quận công tại trận, bọn Thuần Quận Công và Hoành Quận Công chạy thoát về kinh, bị vua Lê cách chức, tước bỏ binh quyền. Bọn Ðỗ Uông Nguyễn Văn Giai trốn lên núi cao được thoát (2 DVTS T.214).

Tình thế này, Tiết chế Trịnh Tùng xin vua Lê điều động ông Sùng Quận Công Phan Cảnh Quang từ Hưng Hóa lên nhận nhiệm vụ làm Bắc quân đô đốc chỉ huy các đạo quân phía bắc (Bắc quân là khu quân sự quan trọng bao gồm vùng Lạng Sơn, Kinh Bắc, trên tuyến đường từ ải Nam quan về Thăng Long) vừa đánh dẹp các lực lượng chống đối của họ Mạc, bài trừ nội phản, vừa phải chuẩn bị đối phó với mọi hành động xâm lược của nhà Minh.

Tháng 3 năm 1597 nước Minh sai Vương Kiến Lập sang ta đòi lễ cống và hội khám (cũng đểdò xem tình hình) ngày 28 tháng 3 (1597) vua Lê Thế Tông lại từ kinh sư ra đi, hộ giá có hữu tướng Hoàng Ðình ái, Thái uý Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó Trịnh Ðỗ cùng 5 vạn quân tượng và 7, 8 viên đô đốc do sự chỉ đạo của đô đốc Bắc quân Phan Cảnh Quang bố trí sắp xếp, chiếm lĩnh các nơi hiểm yếu, phái đoàn có đem theo Vương Kiến Lập cùng đi.

Ngày 10 tháng 4 (1597) vua và các tùy tùng qua cửa ải Nam quan, trước những chứng cớ rõ ràng và nhất là thấy ta binh lực hùng hậu sẵn sàng, các sứ giả nhà Minh đành phải thừa nhận vua Lê là chính thống, Trịnh Tùng là kẻ bề tôi. Quan Tổng đốc nhà Minh là Trần Ðại Khoa tâu lên vua Minh như thế, đất đai của họ Mạc từ trước đã mất hết rồi! Và đề nghị cắt cho Mạc Kính Dụng, một nơi ở phủ trị Cao Bằng để an tri ở đó vì nghĩ chúng là dòng dõi công thần (bề tôi cống nạp), vua Minh Thần Tông chuẩn y tất cả.

Cuộc hội đàm thắng lợi, căn bản cũng nhờ vào sức mạnh quân sự nước ta làm hậu thuẫn.

Qua sự việc này, ông Phan Cảnh Quang được phong là Thiếu Bảo Sùng Quận Công, truy phong Minh Nghĩa Uy Dũng Ðại Vương. Ông bị bệnh mất tại chức ngày 20-7 Quang Hưng thứ 44 (1599). Về sau được phong là Thượng đẳng thần, Triều Khải Ðịnh gia phong trác vị thượng đẳng thần. Ðền thờ hiện nay ở thị trấn Yên Thành (Nghệ An), nơi mà còn ghi 2 đôi câu đối nói trên để lưu giữ truyền thuyết thủy tổ xa xưa làm lưu niệm. Ông mất lúc 65 tuổi, triều đình thương tiếc một vị tướng có công phòng giữ vùng biên ải, nên sức cho các xã lập đền thờ. Mộ ông đem về chôn tại Côn Ây nơi quê nhà.

Trang trước  |  Trang tiếp