PHẦN THỨ HAI: MỘT SỐ DANH NHÂN HỌ PHAN TỪ TRIỀU TRẦN LÊ ĐẾN NGÀY NAY

 

Trang trước  |  Trang tiếp

CHƯƠNG V
TRIỀU NGUYỄN THỜI KỲ PHÁP
BẮT ĐẦU XÂM CHIẾM NƯỚC TA

 

PHAN TẤN HUỲNH
(1754-1824)
Hoàng Ngọc Hầu triều Gia Long

Phan Tấn Huỳnh sinh năm Giáp Tuất (1754) tên huý là Khiêm, là con cháu lâu đời thuộc dòng họ Phan Công Thiên, từ Quảng Nam di cư vào Gia Ðịnh. Triều Tây Sơn sau khi Nguyễn Huệ mất (1792) thì con là Cảnh Thịnh nối ngôi triều chính suy vi, triều quan tướng lĩnh khuynh loát lẫn nhau. Với ân nghĩa các chúa Nguyễn mở rộng đất đai phía Nam, các hào trưởng nghĩa sĩ nổi lên hưởng ứng Cần Vương giúp đỡ Nguyễn ánh, di duệ Nguyễn Vương, chống lại triều Tây Sơn, giành lại đất đai đã mất, trong số đó có phó tướng Phan Tấn Huỳnh mà hiện nay còn lăng mộ tại đường Huỳnh Văn Bách, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Sau đây là nguyên văn tấm bia dựng tại lăng mộ ông bằng chữ Hán, giáo sư Phan Văn Các và nhà giáo Lê Văn Duyệt dịch ra như sau:

Bài khắc bia của cụ Hoàng Ngọc Hầu:

Ngài Phan Tiến Huỳnh tên huý là Khiêm được phong tước là Hoàng Ngọc Hầu Nguyệt đình.

...

Chúa Nguyễn là Phúc ánh tiến hành vận động phục quốc.

Lúc bấy giờ lời hiệu triệu hô hào giúp nước cũng thông báo khắp chân trời góc biển. Các chí sĩ yêu nước khởi nghĩa Cần Vương... vua Gia Long mới dựng sự nghiệp Ðế Vương.

Lúc ấy các nghĩa sĩ rất mực trung thành tận tình ...... rập. Ngài có tài hơn người, là một bộ tướng cạnh .... Gia Long, cùng các vị tướng quân Lê Văn Duyệt, ..... Tòng Chu, Võ Tánh, Trương Tấn Bửu đều là tướng giỏi kết thành một khối xuất quân toàn thắng, nhiều báo tiệp thưởng công. Sau khi vua Gia Long dựng nước ngài được xắc phong là Hoàng Ngọc Hầu (1802): sáu năm được phong là Thần bách tiên quan ..... khâm sai đô thống chế, kiêm phó tướng tả quân, phò tác đắc lực cho tướng Lê Văn Duyệt, trấn giữ thành Gia Ðịnh.

Từ năm Gia Long thứ 8 - năm thứ 15, ngài phụ chiếu điều động quan quân ra Quảng Ngãi vỗ về y lòng dân chúng, sau lại trở về Gia Ðịnh.

Năm đầu niên hiệu Minh Mệnh (1820) tướng quân Lê Văn Duyệt vinh dự phụng chiếu nhận chức Tổng trấn Gia Ðịnh.

Năm đầu niên hiệu Minh Mệnh (1820) tướng quân Lê Văn Duyệt vinh dự phụng chiếu nhận chức Tổng trấn Gia Ðịnh, bèn đưa ngài ra nhận chức phó tổng binh tại Trấn Phan An. Qua hai năm thăng chức trấn thủ, tất cả các văn bản tấu sớ của tướng Lê Văn Duyệt đều qua tay ngài soạn thảo.

Kinh qua 5 trấn an dân chúng, ra sức khai khẩn, dân sinh an cư lập nghiệp, từng được triều đình ban dù khen thưởng thành tích: "Làm tròn nhiệm vụ".

Năm tuổi tròn 70, ngài cáo lão xin về nhà nghỉ hưu không muốn tham dự triều chính nữa, và được vua ban lộc nước, hàng năm vào việc dưỡng lão. Vì lý do sức yếu, vướng nhiều bệnh nặng không muốn làm phiền người nhà. Ngài đã tự hành đại giải thoát vào ngày 11-11 niên hiệu Minh Mệnh thứ 5 tức năm Giáp Thân (1824).

Năm sinh 1754 năm mất 1824.

Trên đây là sao y nguyên bản chữ Hán đã dịch ra quốc ngữ để nói lên tiểu sử và thành tích của ông Phan Tấn Huỳnh.(a)


PHAN VĂN THÚY
(...-1833)
Danh tướng đời Minh Mệnh

Ông Phan Văn Thúy quê làng Chương Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, xuất thân là một võ quan làm đến chức Thống chế, tước Chương nghĩa hầu, chiến công hiển hách của ông là trận đánh dẹp quân Xiêm (Thái Lan) giúp vua cứu nguy cho Ai Lao khỏi bị xâm lược.

Ðời Minh Mạng năm 1827, nước Xiêm sau khi thất bại ở Cao Miên, bèn đem quân tiến đánh Vạn Tượng. Vua nước Vạn Tượng là A Nô Thua, con là Chiêu Ba Thắc bị bắt. A Nô phải chạy sang Nghệ An cầu cứu nhà Nguyễn. Minh Mạng liền sai Thống chế Phan Văn Thuý làm kinh lược biên vụ đại thần kiêm trấn thủ Nghệ An đem 2000 quân, 30 con voi sang giúp A Nô để can thiệp cứu Vạn Tượng. Phan Văn Thuý tiến đến Nghệ An dẫn quân tiến lên Tam Ðộng (Ao Lao) A Nô cũng theo về đóng ở đấy. Quân Xiêm nghe quân Nguyễn tiến lên, bèn vội rút về, chỉ lưu lại mấy trăm quân và em A Nô là A Ma Bạt đóng giữ thành Vạn Tượng. Trong khi ấy tù trưởng Trấn Ninh là Chiêu Nội bị nước Nam Chưởng (Luang Prabang) uy hiếp nên dâng đất xin phụ thuộc vào nước Nam. Minh Mạng nhận đất phong Chiêu Nội làm phòng ngự sử quản lý đất Trấn Ninh. Tháng 4 năm 1828 Phan Văn Thuý đem quân lên Trấn Ninh đưa A Nô về Vạn Tượng, nhưng được ít lâu quân Xiêm lại sang đánh A Nô lại thua chạy về Trấn Ninh, bị Chiêu Nội bắt nộp cho Xiêm. Chiêu Nội lại theo Xiêm chống lại triều đình Việt Nam.

Tháng 11 -1829 vua Minh Mạng sai Tạ Quang Cự sang Trấn Ninh đánh bắt Chiêu Nội đưa về kinh thành Phú Xuân và từ đó giao Tạ Quang Cự ở lại quản lý, Trấn Ninh nhập vào bản đồ Việt Nam.

Về sau cuối 1834, quân Xiêm lại đưa quân sang đánh tại vùng đất Ai Lao từ biên giới phía bắc Lào, giáp Thanh Hóa - Nghệ An vào đến biên giới giáp Quảng Trị. Vua Minh Mạng phải phái các tướng đánh đuổi các đạo quân Xiêm, từ đó phần lớn đất Lào sát nhập vào bản đồ Việt Nam cho đến khi Pháp sang xâm chiếm, mới tách đất cũ trả về cho Ai Lao nhưng dưới quyền cai trị của Pháp.

Cuối năm Quý Tỵ (1833) Phan Văn Thúy lâm bệnh tại Quân thứ Biên Hòa, được phép trở về kinh đô Huế điều trị, nhưng về đến Khánh Hòa thì mất. Ông được truy tặng chức Thiếu bảo thụy trung tráng. Tên ông khắc trên bia Võ Công đứng hàng thứ 3 trong số 20 danh tướng triều Nguyễn.


PHAN BÁ ĐẠT
(1783-1846)
Tiến sĩ - quan thanh liêm

Phan Bá Ðạt, người Việt Yên Hạ, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đậu tiến sĩ khoa Nhâm Ngọ niên hiệu Minh Mệnh 3 (1822), lúc đầu bổ chức hàn lâm sau trải qua: Tri phủ Kiến An, Quốc tử Giám tư nghiệp, Thiêm sự bộ Lại, phủ thừa tỉnh Thừa Thiên, thị lang bộ Lại, quyền Tuần phủ Hưng Yên, tham tri bộ Lễ, Binh, Hình, tả phó Ðô ngự sử viên Ðô sát, sung cơ mật viên đại thần...

Năm Thiệu trị thứ nhất thăng Thượng thư Bộ Lễ, Thượng Thư bộ Hình kiêm giữ ấn triện bộ Công, được 3 năm thực thụ Tổng đốc Ðịnh An ở Nam Kỳ, được 5 năm vì tra một vụ án, bị bọn gian làm hại, nên ông bị oan phải giáng chức về Kinh rồi mất tại kinh đô. Biết ông bị oan nên năm Tự Ðức I (1848) nhà vua khen ông thanh cần nhất tiết, truy tặng ông: Lại Bộ viên ngoại lang, di chiếu hậu đao. Con ông đưa linh cữu ông về táng tại quê nhà.

Làm quan hơn 20 năm, ông là một người trung thực thẳng thắn nghiêm chỉnh, không chút riêng tư, nổi tiếng trong triều ngoài quận: "Tam bất như"... Trong ba vị triều thần bấy giờ, chính sự không ai như Tôn Quyền, văn học không ai như Nguyễn Công Trứ, thanh liêm không ai như Phan Bá Ðạt. Vì tính trung thực thẳng thắn của ông như vậy làm cho một số gian thần tìm mưu kế hại ông.

Con gái là Phan Thị Long lấy Phan Ðình Tuyển đậu phó bảng đã sinh ra Phan Ðình Phùng hội nguyên tiến sĩ, một sĩ nhân cứu quốc mà ai cũng biết tiếng.

Tác phẩm của Phan Bá Ðạt có: Ngũ kinh tinh lý tiết yếu.


PHAN BÁ VÀNH
(...1827)
Một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa
vùng Sơn Nam Hạ thời Minh Mệnh.

Phan Bá Vành quê ở làng Minh Giám, nay là làng Nguyệt Giám, huyện Vũ Tiến, tỉnh Thái Bình, thuở nhỏ nhà nghèo, cha chết sớm phải đi mò cua bán cá giống, lớn lên đi làm thuê cày mướn cho các nhà giàu trong vùng, nhưng vẫn đói, chẳng đủ miếng cơm nuôi thân, lại còn phải nuôi mẹ nuôi vợ, nhiều hôm phải nhịn bữa, lấy gạo đem về nuôi mẹ, nhưng ông có một sức khỏe phi thường, tay dài như vượn, lại có tài ném lao, dùng những đoạn tre ngắn vót nhọn ném đâu trúng đó, mười phát như một, có thể ném xa hàng mẫu ruộng.

Tình hình lúc ấy dưới trều Nguyễn, nạn đói xảy ra liên tiếp, thời Gia Long xảy ra 6 trận đói, thời Minh Mệnh 10 trận đói, vùng Sơn Nam Hạ, qua thống kê 13 huyện nhân dân bỏ làng phiêu tán mất 108 xã thôn, bỏ hoang hơn 12700 mẫu ruộng(a) . Ðến nỗi cỏ lau mọc hoang dại thú rừng về ở. Ðã vậy thuế khóa lao dịch rất nặng nề, mỗi người dân đi làm công không cho Nhà nước, mỗi năm mất 60 ngày, nạn nhũng lạm quan lại, cường hào cướp đoạt của dân đến 8,9 phần, nhiều người chết đói để lại vợ góa con côi. Cuộc khởi nghĩa nổi lên khắp nước.... thời Gia Long 90 cuộc, đến Minh Mệnh 230 cuộc. Người nông dân quá nghèo khổ ở vùng Sơn Nam Hạ, cũng không thể ngồi yên chờ chết được nữa. Năm 1821 Phan Bá Vành và một số bạn cùng chí hướng tập hợp dân nghèo nổi lên khởi nghĩa chống lại bọn tham quan ô lại, cướp của nhà giàu để cứu dân đói.

Nghĩa binh đánh chiếm hai đồn Trà Lý và Lân Hải, giết chết cả hai tên Thú ngự sứ Ðặng Ðình Liễn và Nguyễn Trung Diễn, rồi tiến đánh các phủ huyện. Phan Bá Vành đã liên kết được với chức Thú ngự sứ của Ba Lạt và Vũ Ðức Cát. Ðoàn binh thuyền của triều đình chở lương thảo, quân khí gồm 12 chiếc đã bị Phan Bá Vành phục kích ở Cồn Tiên, Bác Trạch (thuộc huyện Trực Ninh - Nam Hà) đánh úp, cướp hết.

Tin này khiến cho Trấn thủ Sơn Nam Lê Mậu Cúc, một danh tướng đất Bắc, một phò mã Hoàng triều, vội vàng kéo toàn bộ binh mã trong trấn, xuống tiễu phạt. Qua hai trận giao tranh, Lê Mậu Cúc đã bị Phan Bá Vành chém chết ở Trà Lý. Sau trận đánh lừng lẫy danh tiếng ấy, thanh thế nghĩa quân vượt lên như triều dâng sóng dậy, Ba Hùm ở Thượng đạo, Thanh Hóa cũng kéo 3000 người Mường xuống hội binh hợp lực với Bá Vành. Nhân một đêm có sao chổi xuất hiện nhân dân vùng Sơn Nam truyền nhau:

Trên trời có ông sao Tua
Ở làng Minh Giám có vua Bá Vành

Bá Vành xây thành đắp luỹ ở vùng Trà Lũ (huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, Trấn Sơn Nam Hạ) được nhân dân thêo về rất đông. Nghĩa quân đánh chiếm khắp vùng đồng bằng xuống tận miền biển, đời sống nhân dân được giải phóng. Năm Bính Tuất (1826), nghĩa quân tung ra một trận đánh quyết định: Chiếm Phủ Bo (tức là phủ thành Kiến Xương, nay là thị xã Thái Bình), đầu não của vùng Thái Bình lúc bấy giờ.

Tin tức báo về triều đình Huế, vua Minh Mạng vội sai Thống chế Trương Phúc Ðặng đem đại quân ra đánh, Trương Phúc Ðặng là một tướng trụ cột của triều đình, kéo quân qua đường Thư Trì qua bến Mỹ Bổng, gặp quân Phan Bá Vành. Hai tướng đánh nhau rất hăng, suốt ba ngày bất phân thắng bại, Trương Phúc Ðặng lừa lúc Bá Vành phi ngựa tới bèn dùng côn sắt ném mạnh sang Bá Vành, Bá Vành tránh được, đầu ngựa bị trúng côn chết, Bá Vành bèn ném lap sang, một món sở trường, Phúc Ðặng cũng bắt được, nhưng đến chiếc lao thứ mười, Bá vành ngồi xuống dưới ném lên, Phúc Ðặng không bắt được, bị lao ném xuyên ngực tung trên mình ngựa mà chết.

Quân triều bại trận. Nghĩa quân tiến ra đánh chiếm các huyện Tiên Minh, Nghi Dương ở tỉnh Hải Dương, thanh thế lẫy lừng.

Tin Thống chế Trương Phúc đặng bị giết chết, vua Minh Mệnh rất lo sợ, vội triệu tập các quan đại thần bàn cách đánh, sau khi bàn luận, biết cách dùng vũ lực xung trận không thể thắng nổi, nên phải dùng cách đóng đồn bao vây triệt đường tiếp tế lương thực, một mặt dùng chính trị, đặt quan Kinh lược tham biện dùng chính sách lường gạt mị dân, tách mối quan hệ với nghĩa quân: Minh Mệnh sai Phạm Văn Lý làm thống tướng, binh bộ Thị lang Nguyễn Công Trứ làm Tham tán, phó đô Thống chế Nghệ An Nguyễn Văn Hiếu làm Sơn Nam kinh lược đại sứ, Hình Bộ thượng thư Hoàng Kim Xán, Binh bộ thị lang Thân Văn Duy làm Tham biện kinh lược sự vụ, cả một đoàn triều quan tướng sĩ kéo đại quân ra bắc.

Phan Bá Vành lúc này vẫn đóng ở đồn Trà Lũ - quân triều kéo đến Sơn Nam lần này đổi cách đánh, né tránh tất cả các cuộc giao chiến với nghĩa quân, đóng quân thành những đồn lớn vây quanh vùng hoạt động của Pha Bá Vành, thỉnh thoảng dùng súng thần công nã vào trại quân của Bá Vành, còn thì chủ yếu làm vây cánh cho bọn Kinh lược Nguyễn Văn Hiếu, Hoàng Kim Xán và Thân Văn Duy trị dân, triệt đường lương thảo của nghĩa quân. Những đồn quân của Văn Lý thường được phòng thủ vững. Có lần Phan Bá Vành đem 5000 quân trong đêm 3 lần tấn công mà không vào được quân doanh của hắn. Bị bao vây, các cánh quân ở đồn xa phải tụ về Trà Lũ quanh chủ tướng, cùng nhau xây đồn cố thủ. Có nhiều tướng lĩnh đã khuyên Phan Bá Vành nên đánh ngay lúc quân triều mới đến còn sơ hở, nhưng không nghe lại bị vợ lẽ là Trần Thị Tú, con gái Phủ Bo bắt được lúc chiếm phủ này khuyên cố thủ. Ðến lúc vòng vây càng ngày càng xiết chặt, quân triều đình đã cờ quạt khắp đồng nội vây kín, quân Bá Vành không còn chỗ hở. Muộn mất rồi, nghĩa quân không thể nào thoát khỏi vòng vây trùng điệp. Phan Bá Vành uất nghẹn tận cổ biết mắc mưu bèn đem Thị Tú chém đầu. Nghĩa quân cùng nhân dân Trà Lũ được lệnh sắm sửa mai cuốc, thúng sọt, mang theo binh khí, sẵn sàng đêm đến, họ khơi một con ngòi chạy từ sông Cát Giang thông đến sông Ngô Ðồng mở đường máu để Bá Vành phá vây (tức là con sông chảy qua huệyn Xuân Trường ngày nay gọi là Cống Vành). Mờ sáng, nghĩa quân theo đường sông đào, ồ ạt ra ngoài, họ liều chết với quân triều suốt cả ngày hôm ấy, máu chảy đỏ cả đoạn sông. Phan Bá Vành bị trúng thương, được một tuỳ tùng cõng chạy giấu trong một vạt lau rậm bên bờ tả sông Ðồng Giang. Nghĩa quân lớp bị chết, lớp bị bắt, lớp trốn thoát, tan tát hết.

Sau bảy ngày, vết thương nặng quá, Phan Bá Vành cho gọi Cai Tổng Lê Tuấn là con một nghĩa quân thân tín ở Hoàng Nha, cõng ông về nhà ba ngày hết sức cứu chữa, nhưng không sống nổi, ông bảo làm một cái cũi khiêng ông để đi nộp quan lấy thưởng. Ðến địa phận xã Ðồng Phú, huyện Thượng Nguyên (miền nam phía đất Mỹ Lộc, Nam Ðịnh ngày nay). Ông đã tự móc rốn, moi ruột tự tử trong cũi. Bấy giờ là năm Ðinh Hợi, Minh Mệnh thứ 8 (1827).

Sau đó phong kiến nhà Nguyễn đã phanh thây Bá Vành thành bốn mảnh, còn đầu thì chặt đem bâu khắp các miền đồng bằng, ven biển, địa bàn cuộc khởi nghĩa do Bá Vành lãnh đạo.

Phan Bá Vành tuy mất nhưng để lại một nỗi thương tâm và cảm phục của người nông dân nghèo vùng Sơn Nam, nhắc đến ông ai cũng phải bái kính.

(Viết theo tài liệu phong trào nông dân khởi nghĩa, mục Phan Bá Vành từ trang 210-229 và dựa theo lịch sử Chế độ phong kiến tập 3 - ký hiệu 16 CÐPK T.505-506)


PHAN HUY THỰC
(1778-1844)
Thượng Thư - Nhà học giả

Phan Huy Thực là con thứ hai Phan Huy ích sinh năm 1778 tại Thụy Khê, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây. Ông lớn lên vào triều Tây Sơn suy sụp, triều Nguyễn mới thành lập, gia đình gặp nhiều khó khăn, ông học giỏi do nhiều khó khăn về gia đình ông không đi thi, chỉ ở quê dạy học, nhưng nổi tiếng là người học lực uyên bác, được người cậu là Ngô Thì Vĩ làm Tham tri bộ lại, năm 1813 tiến xử lên vua Gia Long, ông được mời về kinh làm quan ở viện Hàn Lâm. Năm 1916 ông được cử đi sứ sang nhà Thanh, lúc về được cử làm hiệp trấn Lạng Sơn. Sau đó lại được triệu về kinh làm việc ở Bộ Lễ.

Sau khi vua Gia Long mất, vua Minh Mệnh nối ngôi, ông đã làm đến chức Thượng thư bộ lễ, nhưng ông không tán thành chính sách vua Minh Mệnh bế quan tỏa cảng, không tiếp xúc với người phương Tây, cứ một mực sùng bái thiên triều nhà Thanh, lúc ấy đã có nhiều tàu thủy các nước Tây phương sang muốn giao dịch buôn bán với nước ta, ông về phe duy tân nên đã 3 lần lên xuống ghế Thượng thư bộ lễ. Năm 1841 ông xin về hưu. Ông đã viết "Hoa thiều tạp vịnh", "Nhân ảnh vấn đáp", và đặc biệt là dịch "Tỳ Bà hành" một áng văn dịch tuyệt tác của ông bằng tiếng Việt mà từ xưa tới nay vẫn áp dụng vào điệu hát tỳ bà của đào nương, một điệu hát năm cung ba bậc, lối đàn, phách trống đặc biệt, với cương vị thượng thư Bộ lễ đã sáng tạo, làm cho các văn nhân ai nghe cũng thích chí.

Ðến thời vua Thiệu Trị, ngự giá Bắc tuần năm thứ hai (1842), ban cho ông một bài Ngự thi, bài này hiện khắc trên vách đá Sài Sơn. Sau khi ông mất vào năm Thiệu Trị 4 (1844) ông được thờ vào đền "Hiền Lương". Hiện nay làng Ninh Sơn, Chúc sơn (bên chùa Trầm) xây am thờ nhà thơ ấy làm thần.

Lược trích một đoạn bàn dịch của bài Tỳ Bà hạnh, một bản dịch tuyệt tác của ông. Nguyên tác là bài Tỳ Bà hành bằng chữ Hán của Bạch Cư Dị, một nhà thơ làm quan đời đường vì can gián vua mà bị đày ra làm tư mã châu Giang (Giang Châ) ở đất Tầm Dương là nơi núi rừng hiu quạnh, lâu ngày có người bạn lên gặp, ông tiễn chân bạn ra bến Tâm Dương, bỗng nghe tiến đàn tỳ bà của một người kỹ nữ, cuộc đời hồi trẻ cũng nổi tiếng ca hay đàn giỏi, sau lấy người chồng đi buôn, vắng vẻ ngồi trên thuyền một mình, ôn lại thời xưa, làm cho Bạch Cư Dị cảm động vì tiếng đàn, vì hoàn cảnh nên làm khúc hát này. Phan Huy Thực cũng cảm thông với hoàn cảnh như mình nên dịch bản tỳ bà này ra quốc âm. Ðặc biệt là dịch đúng số câu số chữ: Bản chữ Hán 88 câu mỗi câu 7 chữ tức là 616 chữ mà Phan Huy Thực dịch cũng đúng 88 câu = 616 chữ, sát từng câu mà lời và ý vẫn đạt một cách nhuần nhuyễn.

Trích một đoạn tả tiếng đàn khi nghe mà tưởng tượng như mưa đổ, suối tuôn, như châu rơi, oanh hót, như ngựa thét, tiếng đao...

                       Bản chữ Hán                                                                                      Bản dịch
                     của Bạch Cư Dị                                                                          của Phan Huy Chú                                                                                     

....                                                                                                ...

Huyền huyền yểm ức                                                                  Nghe não nuột mấy dây
thanh thanh tứ,                                                                          bứt rứt,
Tư tổ bình sinh bất đắc chí                                                        Dường than niềm tấm tức bấu lâu.
Ðề mi thân thủ tục tục đàn                                                       Chau mày tay gảy khúc sầu,
Thuyết tận tâm trung                                                                Dãi bày hết nỗi trước
vô hạn sự                                                                                   sau muồn vàn
Khinh luận mạn miễn                                                                Ngón buông bắt khoan
mai phục khiêu                                                                          khoan dìu dặt,
So vi nghê thường                                                                     Trước Nghê thường sau
hậu Lục yêu.                                                                               thoặt Lục yêu.
Ðại huyền tào tào                                                                      Dây to nhường đổ mưa
như câp vũ                                                                                 rào,
Tiểu huyền thiết thiết                                                                 Nỉ non dây nhỏ khác
như tư ngữ                                                                                 nào chuyện riêng
Tào tao thiết thiết thác                                                              Tiếng cao thấp lựa chen
tạp đàn                                                                                       lần gảy,
Ðại châu tiểu châu lạc ngọc bàn                                               Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.
Gian quan oanh ngữ hoa để hoạt                                              Trong hoa oanh ríu rít nhau,
U yết lưu huyền thuỷ bá than                                                     Nước tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh
Thuỷ tuyền lãnh sáp huyền                                                         Nước suối lạnh, dây mành
 ngưng tuyệt                                                                                ngừng đứt
Ngưng tuyệt bát thông                                                               Ngừng đứt nên phút bặt
thanh tạm yết                                                                              tiếng tơ
Biệt hữu u sầu ám hận sinh                                                        Âm thầm tức giận ngẩn ngơ,
Thử thời vô thanh thắng                                                            Tiếng tơ lặng ngắt bây
hữu thanh                                                                                   giờ càng hay
Ngân bình xa phá thuỷ tương bình                                            Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước
Thiết kỵ đột xuất đao                                                                 Ngựa sắt dong thết
thương minh                                                                               ngược tiếng đao
Khúc chung triều bát                                                                 Cung đàn trọn
 đương tâm hoạch                                                                      khúc thanh tao,
Từ huyền nhất thanh như                                                          Tiếng buông xé lụa đượm
 biện bạch                                                                                   vào bốn giây
Ðồng thuyền tây phỏng tiễu vô ngôn                                        Thuyền máy lá đông tây lặng ngắt
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch                                         Một vừng trăng trong vắt lòng sông.
...

Trên đây nói cái tài dịch giả lột nguyên từng câu mà vẫn nói lên được cái tâm sự của người nghe, với tài hình dung của tiếng đàn vào nội tâm sâu sắc của mình. Về sau này các tao nhân mặc khách lấy bài hát này làm một thú vui cao cả, mà các đào nương luyện tập hát bài này cũng rất công phu, không giống như lối hát dân ca bình thường khác.

Bài này tộc phả họ Phan ở Sài Sơn còn lưu bút tích của Phan Huy Thực cùng các tác phẩm của ông, mà không phải Phan Huy Vĩnh (con ông) dịch như một số tư liệu đã ghi.


PHAN HUY CHÚ
(1782-1840)
Nhà sử học
(a)

Phan Huy Chú sinh năm Nhân dần 1782 và mất năm Canh Tý 1840.

Phan Huy Chú tên tự là Lâm Khanh, hiệu Mai Phong, thuở nhỏ có tên là Hạo sau đổi tên là Chú. Ông là con trai thứ ba Phan Huy ích. Tổ tiên gốc ở làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An sau di cư ra Sài Gòn tức là làng Thầy phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Hà Tây.

Phan Huy Chú sinh ra và lớn lên trong gia đình khoa bảng, hai bên nội ngoại đều có người làm quan. Do vậy từ nhỏ ông được nuôi dạy rất chu đáo. Vốn thông minh lại cần cù, ông nổi tiếng hay chữ khắp vùng, nhưng hai lần đi thi chỉ đỗ tú tài, nên người đương thời gọi ông là kép thày.

Tuy nhiên tiếng tăm của ông đã lan đến kinh đô. Năm 1821. Minh Mệnh đã triệu ông vào Huế cho giữ chức Biên tu trường Quốc Tử Giám. Năm 1825 ông được sung sứ bộ sang Trung Quốc, khi về giữ chức Phủ thừa phủ Thừa Thiên. Năm 1829 được thăng Hiệp trấn Quảng Nam, rồi ít lâu bị giáng, trở về Huế giữ chức Thị độc ở viện Hàn Lâm. Năm 1831, được cử làm Phó sứ phái sứ bộ sang Trung Quốc. Nhưng khi trở về thì đoàn sứ bộ đều bị giáng chức vì tội "lộng qyền", Phan Huy Chú bị cách chức. Năm sau ông lại bị Minh Mệnh bắt đi công cán ở Giang Lưu Ba tức Inđônêsia ngày nay. Khi về ông được cử giữ chức Tứ vụ bộ Công.

Sau đó chán nản cảnh quan trường, ông viện cớ đau chân, xin từ quan lui về làng Thanh Mai, huyện Tiên Phong tỉnh Sơn Tây dạy học, viết sách, (nay là xã Vũ Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây).

Cuộc đời làm quan của Phan Huy Chú thật ngắn ngủi và lận đận, hai lần bị giáng chức và cách chức nhưng điều đáng nói ở đây là sự đóng góp to lớn của ông về phương diện văn hóa bằng công trình biên khảo lớn và công phu: "Bộ Lịch triều hiến chương loại chí". Ngoài ra ông còn là tác giả của các tập: Hoàng Việt dư địa chí, Hoa thiều ngâm lục, Hoa trình ngâm lục, Dương trình kỷ hiến, Hải trình chí lược.

Phan Huy Chú bắt tay vào biên soạn bộ Lịch triều hiến chương lạo chí khi ông còn đi học, năm 1809 (Gia Long thứ 8) và đến năm 1819 thì hoàn thành. Năm 1821 khi làm Biên tu ở Viện Hàn Lâm ông dâng bộ sách này lên Minh Mệnh và được vua thưởng 30 lạng bạc, 1 áo sa, 30 cái bút và 30 thỏi mực.

Ðây là một bộ sách đồ sộ gồm 49 quyển khảo cứu về lịch sử và phân chia theo từng loại sự vật gọi là chí, ví dụ: Ðịa dư chí, Nhân vật chí, Khoa mục chí, Quốc dụng chí, Hình luật chí... mỗi chí kể lại công việc chuyên ngành kể từ tư liệu, đối chiếu sắp sếp rất công phu, suốt 10 năm, đóng cửa tìm tòi, khảo sát đính chính cho đến năm 1819 mới xong(b) .

Một điều đặc biệt là Phan Huy Chú đã đứng về phía lợi ích của nhân dân mà đi sâu vào chế độ ruộng đất để bênh vực người nghèo, chống lại chế độ chiếm hữu bóc lột của quý tộc. Ông nói "chế độ ruộng đất ở Bắc Hà từ trước đến nay sổ sách thiếu sót không thể kê cứu được. Nhưng đại thể ruộng đất của dân để mặc cho bọn cường hào chiếm đoạt. Hơn một ngàn năm nay những người làm vua làm chúa trong nước không ai khôi phục lại chế độ ruộng đất của đời cổ để trừ tai vạ cho dân". Ðó là những nhận thức tiến bộ trong một xã hội phong kiến đương thời.

Sau Lê Quý Ðôn (1726-1784) thì Phan Huy Chú nổi lên như một nhà bách khoa, một danh nhân văn hóa Việt Nam tiêu biểu khi ông mới 37 tuổi. Ông mất năm 1840, thọ 59 tuổi.


PHAN DƯỠNG HẠO
TỨC PHAN THÚC TRỰC

(1808-1852)
Ðình Nguyên Thám Hoa

Phan Dưỡng Hạo sau đổi tên là Phan Thúc Trực, sinh 1808, mất 1852, người xã Vân Tụ, tổng Vân Tụ, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, cao tằng và tổ ông đều đậu hương cống (cử nhân) triều nhà Lê, nhưng đến đời cha ông là Phan Vũ(a) là người học hay chữ, nổi tiếng thông nho, nhưng nhà nghèo phải đi dạy học, mà lại gặp vào thời Lê mạt, cái thảm trạng chiến tranh cốt nhục tương tàn, nêu cụ không đi thi, chỉ dạy học trò và đã tác thành nhiều người đậu đạt ở vùng Nghệ An, trong đó có con ông là Phan Dưỡng Hạo.

Phan Dưỡng Hạo học rất thông minh, tính rất khoáng đạt mà lại cần cù chịu khó, theo truyền thuyết, có lần ông đi gặp giúp cho một nhà giàu, đương gặt khoảng gần trưa, vụ chiêm, bỗng nghe trống ngũ liên, ở xóm ông ở, bị cháy nhà, khói bốc lên nghi ngút, chủ ruộng bảo ông về, ông bảo nhà tôi có quái gì mà lo, nhưng tiếp đó có người chạy ra nói nhà ông bị cháy rồi, chủ ruộng giục ông về, về nhà thì cháy gần hết, hàng xóm chỉ kéo ra được một cái chõng tre và vài đồ lặt vặt, ông chẳng lo chữa, mà chỉ ngồi ung dung trên chõng, làm thơ nôm đường luật trong đó có câu:

Trống đánh vang lừng miền ấp lý, (trống ngũ liên báo cháy nhà)

Tàn bay phất phới cõi Ðông Nam...(b) ... (Tàn có nghĩa là tàn lửa cũng có nghĩa tàn che)

Về sau có người đoán với những câu khẩu khí này, sẽ làm lớn chứ không phải thường.

Từ đó, 15 tuổi, ông đã nổi tiếng cự phách trong văn học huyện nhà (lúc này gọi là huyện Ðông Thành phủ Diễn Châu), 16 tuổi ông đã đỗ đầu xứ trong kỳ khảo hạch "tiến ích" của tỉnh, theo tục trước các khoa hương vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, thì ở huyện phải sát hạch trước để chọn lấy độ 10-20 người, người đỗ đầu gọi là "đầu huyện", liên huyện lại mở tuyển chọn một lần nữa người đậu đầu gọi là "đầu xứ" sau khi duyệt thì các sĩ tử mới làm đơn kê khai lý lịch ba lý trưởng đóng triện, rồi giáo thụ (phụ trách việc ở huyện) hoặc huấn đạo mới nộp hồ sơ lên đốc tỉnh. Năm 17 tuổi ông Phan Dưỡng Hạo thi đậu Tú khoa ất dậu (1825) tại trường thi Nghệ An tức thời Minh Mệnh thứ 6.

Thời gian sau đó ông đi dạy học, ông ra Thanh Hóa dạy học ở làng Nguyệt Viên, tổng từ Minh, huyện Hoằng Hóa, làng này có nhiều người học hay do đó cứ tối đến các cô gái trong làng thường tập trung ở lều vải, trong đó có một nhóm tập trung ở gần chỗ ông ngồi dạy học, các cô gái có tục vừa kéo vải vừa hát đáp với một số thanh niên trong làng, thường là những nhà nho hay chữ giúp đỡ tá gà cho mỗi bên. Nghe tin ông đồ tú Nghệ học hay chữ, các cô ra nêu câu đối để thử tài, các cô nêu:

Gái Nguyệt viên vừa độ trăng tròn, ai muốn lấy mưới lăm quan chẵn.

Một câu rất oái oăm: Nguyệt viên có nghĩa là trăng tròn, trăng tròn cũng có nghĩa là rằm tức là mười lăm.

Ông tú Nghệ đối ngay: Trai Vân Tụ đông như mây họp, kể đối thế thì cũng rất chỉnh, Nguyệt viên, trăng tròn, đối với Vân Tụ mây họp (Vân Tụ là quê ông), thế nhưng đến nửa sau: ai muốn lấy mười lăm quan chẵn (quan đây là quan tiền) thì ông tắc, không đọc đối tiếp được nữa, đành phải đáp = 15 quan đắt quá, không lấy nữa. Từ đó ông tức mình tự nói, mình còn dốt phải học nữa. Sau đó ông lại về quê tiếp tục học.

Một điều đặc biệt là liên tiếp 10 khoa thi ông đều đỗ, và chỉ đỗ tú tài, gồm 5 chính khoa về đời Minh Mệnh, 3 chính khoa về đời Thiên Trị, 2 ân khoa về đời Thiệu Trị nữa. Ði thi 10 khoa liên tiếp đỗ tú tài như Phan Phúc Trực là một điều chưa từng có trong lịch sử khoa cử từ xưa tới nay, cho nên nhân dân mới gọi ông là "thầy tú mười", văn thân hàng huyện (Yên Thành) có tặng ông đôi câu đối:

"Nhất cử thành danh thiên hạ hữu
Thập khoa liên trúng thế gian vô"

Tạm dịch:

Một khóa thành danh thiên hạ: có
Mười khóa liền trúng thế gian: không.

Theo thể lệ cũ đậu cử nhân mới được đi thi hội ở kinh đô, nhưng bản thân ông 10 khoa tú tài liên tiếp cũng được xem như cử nhân và được nhân làm Quốc tử Giám giám sinh.

Ðến khoa hội và đình thứ năm Ðinh Mùi (1847) là năm thứ 7 niên hiệu Thiệu Trị, từ khi Hội thi cho đến lúc vào Ðình thi văn sách ông làm đều đứng đầu trường bài nào cũng được phê "ưu" hay là phê "bình", không một bài nào bị các quan trường phế "thứ", kết quả khoa ấy Phan Dưỡng Hạo đã đỗ đầu: Ðình nguyên Thái hoa. Năm ấy ông 40 tuổi, và từ đây người ta gọi ông là quan Thám Mười. Quan Thám Mười theo lệ xưa về quê hương làm lễ vinh quy bái tổ và được vua ban cho tấm biển có ba chữ đề: "Khôi đa sĩ", chữ lấy trong sác Tam tự kinh "Ðối đại đình, khôi đa sĩ" nghĩa là vào .... chốn đại đình được đỗ đầu, áp đảo nhiều thân sĩ trong nước.

Tuy đậu Thám hoa, nhưng qua đời sống nghèo nàn ở quê hương, ông vẫn quan tâm đến đời sống dân làng (làng Phú Ninh, xã Vân Tụ), hồi ấy cánh đồng làng thường bị nước mặn dải sông Cẩm Giàng (ngọn sông Bùng) tràn vào mỗi lần thủy triều nước lên, làm cho cánh đồng bị bỏ hoang, cỏ năm cỏ lác mọc đày ruộng, ông bèn cùng dân làng khai hoang hóa, tháo nước mặn chảy ra sông Cẩm Giàng, và đắp đê giữ nước ngọt từ phía bàu Liên Trì, Mậu Long chảy xuống và chứa nước mưa dùng để cấy lúa, cánh đồng trở nên phì nhiêu, dân làng trở nên no đủ. Dân làng nhớ công ơn cho nên lúc ông mất, dân làng dựng đền thờ phụng mãi đến sau này.

Sau khi đỗ Thám Hoa sang năm sau là năm Tự Ðức nguyên niên, Phan Phúc Trực được bổ sung làm Hàn lâm viện trước tác (Chánh lục phẩm) tiếp đó được bổ vào Tòa nội các (tức Tòa văn thư của nhà vua) rồi được thăng tập hiền viện thị giảng" (tông ngũ phẩm hàn lâm) và được sung chức "Kinh thiên khởi cư chú" là chức quan gần gũi nhà vua luôn luôn. Trong thời gian này, Phan Thám Hoa ứng chế nhiều bài thơ văn từng được vua Tự Ðức nhiều lần khen ngợi và tặng thưởng.

Ðến năm thứ tư nhiên hiệu Tự Ðức (1851) Phan Thám Hoa vâng chiếu chỉ nhà vua ra Bắc Thành sưu tầm những sách vở cũ.

Qua năm sau (1852) sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về kinh đô, nhưng khi đi đến Thanh Hóa thì lâm trọng bệnh, rồi tạ thế trên đường đi, hưởng thọ 45 tuổi.

Nghe tin ông mất vua Tự Ðức vô cùng thương tiếc cho một vị nhân thần có tài đức mà bất hạnh. Nhà vua phái quan Tổng đốc tỉnh Nghệ An mang phẩm vật tới tang quyến truy điệu với bốn chữ "Học cao hạnh thuần" nghĩa là học vấn đã cao thâm mà đức hạnh lại thuần hậu.

Một vị túc nho ở trong huyện Yên Thành đã khóc ông với một đôi câu đối rất ai oán:

"Bảng vàng bia đã ngàn thu, thương tiếc thay, Người ấy!
Ðầu bạc răng long trăm nỗi, đau xót lắm, trời ơi!

Phan Phúc Trực có 2 người con trai là Phan Vĩnh đậu cử nhân và Phan Ðịnh đậu tú tài dưới triều vua Tự Ðức.

Tác phẩm của Phan Thúc Trực có: Quốc sử di biết Trần Lê ngoại truyện, Diễn châu phủ chí. Cẩm đình hiệu tần thi tập, Bắc hành nhật lan phổ thi tập.

Ðặc biệt là quyển Quốc sử di biên là một quyển được Phan Thám Hoa sưu tầm suốt thời gian ở Bắc Bộ, kết hợp với những năm ở cạnh nhà vua nên nhiều tư liệu rất có giá trị gồm đủ các mặt chính trị ngoại giao, đời sống nhân dân, quan lại kể cả nội tộc cung đình nhà vua, sách gồm 3 tập, tập "Thượng" nói về Gia Long dày 94 tờ mỗi tờ 18 hàng mỗi hàng trung bình 20 chữ, tập "Trung" nói về vua Minh Mệnh dày 212 tờ, tập "Hạ" nói về Thiệu Trị dày 52 tờ. Trong có tập các tập có nhiều tư liệu sưu tầm mà trong các chính không nói đến hoặc chỉ nói qua. Ví dụ: nói lúc vua Gia Long đuổi Nguyễn Quang Toản và Nguyễn Quang Thiệu về mạn phủ Lang Giang trong rừng huyện Yên Lãng và huyện Lục Ngạn thì bắt được. Sau đó bọn Tổ Thám lại bắt dâng nạp bà Lê Thị Ngọc Bình vào nội cung nhà vua (trang 74). Về sau bà này lấy vua (Lê.... Ngọc Bình là em Ngọc Hân công chúa) sinh được Quảng Oai Công (con thứ 12) và Thường Tín công (con thứ 14) Bà Ngọc Bình là đệ tam cung của vua Gia Long (trang 190)

Hoặc có đoạn nói về Hồ Xuân Hương lấy làm tiện thiếp của quan Tham hiệp trấn Yên Quảng vì tội hống hách lấy của dân nên bị khép vào án tử hình. Bà Xuân Hương vốn hay văn chương và chánh sự nên người đương thời khen là nữ tài tử. Quan Tham hiệp thường sai Xuân Hương can dự vào những việc bên ngoài, nên Thủ dung vốn ghét.

Qua tư liệu nói trên thì ta thấy Xuân Hương lấy đến 3 đời chồng: Tổng Cóc, ông Phủ Tường, quan Tham Hiệp trấn Yên Quảng nhưng ông này bị xử tử vào năm 1819, sau đó bà đi du ngoạn ngâm vịnh rồi cũng không biết tin tức gì về nữ thi sĩ họ Hồ nữa (trang 281).

Ðây là một tập Quốc sử mang tính chất di biên ký sự nên có nhiều sự việc rất sâu sát giúp ta tìm hiểu thêm về chính sử(a)

Rất tiếc Phan Phúc Trực chết sớm, thời gian làm việc chưa đầy năm năm, nên cái tài hoa với đức tính thuần trực chưa phát huy hết sự mong muốn cống hiến của người và cũng là thiệt thòi chung cho đất nước.

Trang trước  |  Trang tiếp