PHẦN THỨ HAI: MỘT SỐ DANH NHÂN HỌ PHAN TỪ TRIỀU TRẦN LÊ ĐẾN NGÀY NAY

 

Trang trước  |  Trang tiếp

CHƯƠNG V
TRIỀU NGUYỄN THỜI KỲ PHÁP
BẮT ĐẦU XÂM CHIẾM NƯỚC TA

 

PHAN THANH GIẢN
(1796-1867)
Tiến sĩ, Thượng thư

Ông Phan Thanh Giản tự là Tĩnh Bá, hiệu là Ðàm Như, Ước Phu và Lưỡng Khê, sinh năm 1796 tại thôn An Hòa(b), huyện Vĩnh Bình, trấn Vĩnh Thanh, nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông đậu cử nhân năm 1825 khoa ất Dậu, kế đó ông đậu tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Minh Mệnh 7 (1826) năm ông 30 tuổi, ông là người đậu tiến sĩ khai khoa đầu tiên ở Nam bộ. Sau khi thi đỗ được bổ chức biên tu ở Hàn Lâm viện, được cử làm phó sứ sang nhà Thanh (1832) khi trở về được thăng Ðại lý tự khanh cơ mật viện đại thần trước sau từng giữ các chức thượng thư Bộ Lễ, bộ Hình bộ Hộ, làm Hiệp biện đại học sĩ, làm quan trải qua 3 đời vua: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Ðức (từ 1826 đến 1867).

Thời kỳ này là thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn các nước tư bản phương Tây đã phát triển sang phương Ðông để xâm chiếm thị trường, ở Việt Nam từ thời Trịnh Nguyễn cũng đã có nhiều người phương Tây sang giúp đỡ về quân sự, đúc súng như Bồ Ðào Nha sang giúp Chúa Nguyễn, Hà Lan giúp chúa Trịnh, và mở thương điếm buôn bán ở Hội An (Quảng Nam) và Phố Hiến (Hưng Yên) đồng thời cũng có một số giáo sĩ đạo Gia Long sau khi nhờ sự viện trợ của một số tàu và sĩ quan Pháp lên ngôi vua thì việc truyền giáo được tự do trên đất nước, nhờ đó mà số giáo dân được phát triển ở nhiều nơi, tuy vậy đến sau, những thày tu người Pháp cấu kết với Chaigneau một công thần người Pháp ở triều đình phát huy ảnh hưởng sang lĩnh vực chính trị, làm cho vua Gia Long lo ngại, đến lúc các giáo sĩ người Pháp ra mặt phản đối Gia Long lập vua Minh Mẹnh làm thái tử mà không theo ý họ phải lập con trai hoàng tử Cảnh - con chiên của Bá Ða Lộc, làm kế vị, từ đó Gia Long đối với đạo Cơ Ðốc tỏ ra khinh bỉ và hận thù. Khi Minh Mệnh lên ngôi (1820) khi triều đình Huế không công nhận Ơgien se nho (Engene Chaigneau) con Chaigneau làm lãnh sự tại Huế, thì không còn con buôn ngoại quốc nữa chỉ còn một số các giáo sĩ địa phương, mà các giáo sĩ lại cấm người theo đạo không được thờ cúng cha mẹ tổ tien, làm cho từ vua quan đến sĩ phu nhân dân tức giận, cho là tà đạo, đã vậy lúc chiếc tàu Tétis bị đuổi rút khỏi Ðà Nẵng, thì bí mật để lại một giáo sĩ là Rôdơrô (Rogerot) để hoạt động, làm cho vua Minh Mệnh tức giận lại tiếp được rất nhiều báo cáo địa phương nói về tác hại đạo này trong nhân dân, nên ra lệnh cấm đạo. Thực chất thì tư bản Pháp từ trước, sau khi thấy tư bản Bồ, Hà, Anh đã bành trướng sang Viễn Ðông, nhất là vùng biển Ðông thì đã vội vàng phái các nhà buôn, thày tu sang hoạt động vùng này, trong đó có Việt Nam và đã có âm mưu xâm chiếm Việt Nam từ lâu, ví dụ từ năm Kỷ dậu 1669 đời Lê Huyền Tông giáo sĩ Pallus đã gửi thư cho thượng thư Hải quân P... Colbert xin chiếm vực lưu sông Hồng Hà, hoặc năm 1737 Ðinh Tỵ đời Lê ý Tông toàn quyền Pondichery (chế độ thuộc Pháp) là Dumas trình bày dự án xâm lược miền Bắc Việt Nam... (b) nhưng Pháp còn kình địch tư bản các nước khác, như Anh , Hà, Bồ... nên còn dịp. Dịp Bá Da Lộc giúp đỡ vua Gia Long nhận hoặc tử Cảnh làm con chiên sang cầu viện Pháp, rồi phát triển rộng đạo cơ đốc, nhưng đến đời Minh Mệnh, tới đến Thiệu Trị, Tự Ðức, thì lệnh cấm đạo và trừng trị những giáo sĩ đội lốt thầy tu làm nội ứng cho tư bản Pháp, thì đấy là một dịp lấy cớ bảo vệ giáo sĩ, chia lương giáo để xâm chiếm nước ta. Ðể đối phó từ việc quan triều thần đến các quan địa phương đều thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, không cho bất cứ tàu nhà buôn ngoại quốc xâm nhập nước ta, đối nội cấm đạo bắt tu sĩ, giáo sĩ, cấm nhân dân không được đi theo đạo. Chính sách bế quan tỏa cảng, chỉ biết mình không biết người, lấy đạo Nho làm chuẩn đích văn minh không hề biết đến sự thay đổi về khoa học, cơ khí, cũng có kẻ đưa chủ trương cải cách duy tân, nhưng vẫn không nghe, đến khi tiếng súng đại bác của tướng Phá Rigault De genouilly bắn vào cửa Ðà Nẵng vào năm 1858 rồi tiến vào đánh Gia Ðịnh 9-2-1859 (Tự đức thứ 12) trong lúc ấy thì vũ khí quân ta chỉ có súng điểu thương và súng thần công, phải lấy thuốc súng bỏ đầu miệng súng nén vào rồi bỏ đạn sau, lúc bắn phải dùng đá lửa, rồi bóp cò cho đá lửa nảy cháy vào ngòi dẫn đến chỗ thuốc súng nổ mới bắt được, bắn một phát rất chậm trễ, súng điểu thương cũng chỉ xa độ 250-300m(a) súng thần công thì rất nặng nề khó di chuyển, mỗi lần ra trận hoặc bắn không nổ, thì đốt hương vàng khấn vái.

Trận đánh thành Gia Ðịnh sau hai ngày, ngày 17-2-1859 quân ta phải thua chạy, triều đình lại phải cử các danh tướng Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Cáp, Phạm Thế Hiển và điều thêm quân vào cứu, nhưng vẫn không chống cự nổi. Cuối cùng liên quân Pháp, Tây Ban Nha chiếm hết các tỉnh Biên Hòa, Ðịnh Tường (Mỹ Tho) và cả Vĩnh Long (23-3-1962), vua tôi nhà Nguyễn rối loạn, kẻ bàn đánh, kẻ bàn hòa, đánh thì không được, hòa cũng không xong, cuối cùng phải cử Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp vào Nam hội nghị, vua chuẩn cho Sung Nghị hòa Chánh phó sứ toàn quyền đại thần, trên tinh thần là đình chỉ chiến sự, nhưng xin chuộc lại các tỉnh đã mất!

Sau 40 năm ngày giằng co hội họp, cuối cùng ngày 5-6-1862 tức 9-5 Nhâm Tuất, hiệp ước phải ký kết Pháp I (I Pha Nho tức Tây Ban Nha) vẫn khăng khăng giữ 3 tỉnh miền đông (Gia Ðịnh, Ðịnh Tường, Biên Hòa) và chỉ trả cho tỉnh Vĩnh Long, nhưng Pháp vẫn để một số quân ở lại đó, Phan Thanh Giản, một nạn nhân của chính sách thất bại của triều đình Tự Ðức, phải cầm bút ký bản nghị hòa. Tiếp sau đó triều đình lại phái ông vào làm Tổng đốc Vĩnh Long, Lâm Duy Hiệp vào làm Tuần Vũ Thuận Khánh với dụng ý để 2 ông ở gàn Pháp mà tiếp tục thương thuyết xin trả lại 3 tỉnh(a). Hai ông đến nơi lị sở cố thương thuyết xin chuộc lại 3 tỉnh miền Ðông, cố nhiên là thiếu tướng Bonard không chịu.

Theo bản hòa ước Nhâm Tuất 1862, thì sau một năm đợi vua 3 nước duyệt y thì hòa ước mới được thi hành, nhưng tháng 9 năm ấy mới cách mấy tháng mà thiếu tướng Bonard đã báo tin là vua Pháp đã duyệt y và hẹn đến tháng giêng năm sau - Quý Hợi Tự Ðức thứ 16 (tức tháng 2 năm 1863) sẽ ra kinh làm lễ hộ giao. Vua Tự Ðức nói nhiều chỗ trong hiệp ước ấy chưa thỏa, nên giao Phạm Phù Thứ vào Nam bộ cùng Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp hiệp thương lại với quan Pháp, xong về ngay đường bộ để sung việc tiếp sứ.

Tháng 2/1863 Thiếu tướng Bonard (Pháp) cùng Ðại tá Palânc (I Pha Nho) đi tàu thủy ra Ðà Nẵng rồi lên Kinh đô Huế, ở trọ tại một nhà trú quán mới làm trên bờ sông Hương, vua Tự Ðức sai Trung quân Ðoàn Thọ, Binh bộ thượng thư Trần Tiến Thành cùng Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp, Phạm Phú Thứ sang yến tiếp và thương thuyết các việc, trước khi làm lễ triều yết, nhưng cũng không xong. Ðến ngày, vua Tự Ðức ngự điện Thái Hòa, sứ thần 2 nước Pháp, I Pha Nho 16 người để trao quốc thư và hộ giao hoà ước. Vua Tự Ðức lại sai Phan Thanh Giản theo Bonard về Gia Ðịnh để nhận tỉnh Vĩnh Long vì thiếu tướng hứa giao lại, còn về phía I Pha Nho đại tá Palanca chỉ nhận binh phí và quyền giảng đạo, còn đất đai thì nhường cả cho Pháp.

Vì thương thuyết không được gì nên Phan Thanh Giản bị cách lưu, Ðoàn Thọ, Trần Tiến Thành bị giáng, Lâm Duy Hiệp khi ấy đã mất nhưng cũng bị truy đoạt phẩm hàm.

Hòa ước đã ký nhưng 3 tỉnh miền Ðông phải nhường, đó là do tình thế bắt buộc, tháng 5 Quý Hợi (1863 Tự Ðức 16) vua cùng đình thần lại bàn sai sứ sang Pháp Hoàng đế xin chuộc lại, vua và triều thần lại cử một phái đoàn sang Pháp gồm Hiệp biện đại học sĩ Phan Thanh Giản, Lại bộ tả tham tri Phạm Phú Thứ, Quảng Nam án sát Nguyễn Khắc Ðản, để sung chức: Chánh sứ, phó sứ và bồi sứ. Ba sứ thần và ước 60 quan viên mang lễ vật tặng vua Pháp và vua I Pha Nho (trong đó có một cái kiệu 4 cái tàn) tháng 6 năm ấy Pháp soái là Lagrandière (thay Bonard) cho thuềyn Européen đưa phái đoàn ta sang Tây, thuyền phí triều đình ta chịu lại cho một sĩ quan là Rieunier theo hướng dẫn. Pháp soái cũng phái 9 nhân viên thuộc ngành hành chính Nam kỳ trong đó có Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Sang, Tôn Thọ Tường tháp tùng sứ bộ, phí tổn do Phái quyền Sài Gòn đài thọ, theo yêu cầu của Phan Thanh Giản, một linh mục Việt Nam là Nguyễn Hoàng được cử đi làm thông dịch viên cho ta.

Ngày 13-9-1863, phái đoàn đến Pháp đô, được chính thức tiếp rước theo nghi lễ. Vua Napoleon III đi vắng các sứ thần ta yết kiến các quan Thượng thư để bày tỏ ý mình. Bấy giờ Pháp đình có một số người không tác thành việc lấy thuộc địa xa xôi, lúc ấy cuộc viễn chinh của Pháp ở Mexique đương kéo dài chưa biết bao giờ xong, mà ngân sách lại thiếu hụt, nên trong khi chờ vua Napoleopn III về, thì 2 bên chỉ bàn bạc về tiền chuộc đất, định triệt hạ quân Pháp ở Nam Kỳ về và định đô 100 triệu Frăng tiền chuộc ba tỉnh.

Ngày 7-11-1883 các sứ thần vào yết kiến Pháp hoàn các ông mặc triều phục, ngồi 4 xe song mã, đến thẳng điện Tuileries và được tiếp rước theo nghi lễ trọng thần vua Napoleon III ngự trên ngai, bên cạnh có hoàng hậu và hoàng tử. Phan Thanh Giản dâng bức thư của vua Tự Ðức và bày tỏ mục đích của phái bộ mình. Pháp hoàng đáp lời có nói:".... nước Pháp có hảo tâm với tất cả các nước và là kẻ bênh vực những kẻ yếu..." Aubaret làm thông ngôn, ông này rất giỏi tiếng Việt và chữ Hán, có dự vào việc lập hòa ước năm Nhâm Tuất. Kết quả Pháp đình đã bằng lòng và về sau hai nước sẽ thương thuyết số tiền chuộc ở Huế và các chi tiết. Như vậy về đại cương nhiệm vụ của sứ bộ Phan Thanh Hiản đã thành công. Các sứ thần có mang I Pha Nho yết kiến Nữ hoàng Isabelle rồi về nước. Tháng 2 năm sau Giáp Tý 1864, Tự Ðức 17, phái đoàn về Gia Ðịnh, Pháp soái cho chiếc tàu Rcho đưa các ông về Huế.

Các sứ thần dâng quốc thư của nước Pháp và I Pha Nho gồm 21 khoản trong đó có những khoản quan trọng. Nước Nam muốn chuộc lại 3 tỉnh Nam Kỳ thì cũng thuận cho, nhưng phải cắt nơi nào đó cho họ quản trị, trong 3 năm mỗi năm chuộc 50 vạn đồng, về sau cứ mỗi năm 333.333 đồng ở Kinh, Ðà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên để họ đặt lãnh sự. Giáo sĩ được tùy tiện lập giáo đường, ta không được ngăn...

Hải quân trung tá Aubret lại được Pháp đình sai làm lãnh sự ở Huế và Vọng Các (Xiêm la) tháng 5 năm ấy cùng ta thương thuyết việc chuộc lại 3 tỉnh Nam Kỳ. Vua sai ông Phan Thanh Giản làm toàn quyền Chánh sứ, Trần Tiến Thành, Phan Huy Vĩnh làm phó sứ để cùng Aubaret hội thương, sau 1 tháng điều đình, hòa ước 15-7-1864 được thành lập, trong đó có những khoản:

- Nước Pháp trả lại nước Nam 3 tỉnh đã chiếm, bù lại nước Pháp nhận quyền bảo hộ cả 6 tỉnh Nam Kỳ, tuy vậy sự bảo hộ này không có ý gì là thần thuộc cả.

- Nước Pháp chiếm 3 nơi ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) để ở buôn bán.

- Người Pháp được trú ở Ðà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên, và được nhượng 9 km xung quanh các hải cảng ấy để làm chỗ buôn bán.

- Nước Nam bồi binh phí 80 triệu phật lăng trả trong 40 năm mỗi năm 2 triệu.

- Người Pháp có cần đi vào đất nước Nam có việc gì thì phải xin giấy thông hành, việc xong phải về ngay các hải cảng nói trên.

- Các giáo sĩ được tự do truyền giáo, nhưng luật pháp của triều đình vẫn cấm thần dân xa đường luân lý và tôn giáo nước nhà.

Trong khi ở Huế, Aubaret lập hòa ước mới, thì ở Pháp phe tán thành hòa ước Nhâm Tuất (1862) cũng hoạt động ráo riết nhất là phái quân nhân trong đó có thiếu tướng Rigault De Genouilly, thiếu tướng Bonard là những tên tướng đã từng đánh ở ta, Thượng thư bộ hải quân và thuộc địa là hầu tước Chasseloup Laubat... họ viết thành sách về vấn đề Nam Kỳ gửi cho tất cả các thượng tướng, chính khách và viết sớ tâu lên vua Napoleon III, khiến nhà vua xuống lệnh đình chỉ việc thương thuyết của Aubaret ở Huế và cứ để hòa ước 1862 như cũ, lệnh ấy ra đến Huế thì hiệp ước Aubaret mới ký được 6 ngày. Pháp súy Sài Gòn báo cho triều đình Huế, là Pháp đình đã bác bỏ hiệp ước Aubaret và Phan Thanh Giản ký hôm 15-7-1864.

Ba tỉnh phía Ðông vẫn dưới quyền của Pháp, tuy đã ký, nhưng nhân dân cùng các sĩ phu của các tỉnh Nam Kỳ vẫn nổi dậy chống lại quân Pháp không theo lệnh của hoà ước, Pháp suý Sài Gòn liền cử người ra Huế xin ra lệnh cấm, nhất là mỗi khi thua, họ lại chạy về 3 tỉnh phía tây. Vua Tự Ðức sợ họ mượn cớ lại gây chuyện nên Vua Tự Ðức ra lệnh khiến các quan 3 tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên không được để cho những kẻ khởi loạn ở 3 tỉnh kia vào đất đai mình các quan phủ huyện biết, gặp phải bắt giao lại quan tỉnh, kẻ nào giấu giếm sẽ bị tội như chúng.

Bên Pháp đình, thì thượng thư Chasseloup Laubat cũng cố ý lấy trộm đất Nam kỳ 6 tỉnh nên năm 1865 đòi thiếu tướng De Lagrandiere về thương nghị.

Tổng đốc Vĩnh Long là Trương Văn Uyển dò xét biết tình hình, nên tâu lên vua Tự Ðức, vua lại nghĩ phải có một người được người Pháp tín phục, trán thủ thì các tỉnh phía Tây mới yên được. Triều thần lại cử Phan Thanh Giản. Vua bèn sai ông giữ Hàm hiệp biện bộ Hộ sung chức kinh lược ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

Năm Bính Dần Tự Ðức 19 (1866) suý phủ Sài Gòn phái tàu đến cửa Thuận An đưa thư nói rằng 3 Vĩnh, An, Hà, địa thế xa cách, không tiện cho ta, tàu cướp qua lại, không tiện cho họ, xin cho họ cái..... luôn để dẹp yên giặc dã mà ta cũng khỏi trả bạc nữa.

Tháng 9 một tên quan Pháp và Vial và một linh Pháp làm thông ngôn, Le Grand Delalyraye từ Bình Ðịnh ra Kinh đô Huế đòi 3 tỉnh và dùng binh lực doạ. Vua và triều thần lại bàn, cuối cùng Viện cơ đề nghị rằng; nếu người Pháp dùng vũ lực chiếm 3 tỉnh ấy thì ta cứ để họ làm, đừng chống cự lại, để đợi nhân dân 6 tỉnh nổi dậy, ta sẽ tùy cơ hành động.

Năm sau suý phủ Gia Ðịnh sai một trung tướng Huế, đòi số binh phí trả chậm và đòi nhường 3 phía Tây. Triều đình ta không chấp thuận. Trong ấy ở Vĩnh Long, Phan Thanh Giản ra sức làm cho người Pháp tin vào lòng thành thực của triều đình và đề nghị với họ xin chuộc lại đất đai.

Năm 1867, Tự Ðức 20, bên Pháp, Hải quân thiếu tướng Rigaulde Genouilly, người đánh Nam Kỳ đầu được lên làm Thượng thư bộ hải quân kiêm thuộc .... ra lệnh cho thiếu tướng Largandiere lấy nốt Nam... Ngày 20/6/1897 Lagrandiere thành Vĩnh Long sai người mời Phan Thanh Giản đến nói chuyện, lại đưa thư năm ngoái họ xin giao 3 tỉnh để hậu tình giao hiếu lâu dài, nhưng ta trở ngại, nên việc không thành, vì thế người trong lục tỉnh thường thường trở ngạnh, đến nỗi nay phải dùng binh, thiệt có thương tổn đến tình giao hiếu hai nước. Quan kinh lược vội vàng cùng án sát Võ Doãn Thành xuống tàu biện thuyết, nhưng bàn thế nào thiếu tướng cũng không nghe. Ông Phan Vẫn tuân theo lệnh bất đề kháng của triều đình nên ông xin quân Pháp đừng nhiễu hại nhân dân, tiền lúa trong kho xin để quân ta coi sóc. Thiếu tướng thuận cho. Ông Phan vừa về thì quân Pháp tiến theo bốn mặt vào thành Vĩnh Long chiếm cứ.

Thiếu tướng bèn chia binh thuyền sai trung tá Galey đến lấy tỉnh thành An Giang (20/5 Ðinh Mão) và tỉnh thành Hà Tiên (ngày 25) quan ta đều không chống cự, các quan tỉnh đều đưa về tỉnh Vĩnh Long. Thiếu tướng sai người ra Huế báo cho triều đình ta biết. Phan Thanh Giản đem tiền lúa kho hiện còn của 3 tỉnh trị giá 100 vạn đồng khấu số bạc bồi năm ấy cho người Pháp. Rồi ông cho các quan cộng sự đều rút ra Bình Thuận hoặc ra Huế, chỉ để một mình ông ở lại xử trí như một người chân chính có trách nhiệm.

Thành Vĩnh Long mất ngày 20/6/1867, ông Phan Thanh Giản ra sống tại một ngôi nhà tranh ở ngoại ô tỉnh thành, ông xếp các triều phục, ấn triện cùng 23 đạo sắc bằng vua phong và viết một lá sớ gửi lên vua Tự Ðức; dịch ra sau: "Ngày nay gặp lúc khốn khó, việc dữ khởi ở trong nước, khi xấu xuất hiện ở biên thùy. Nam kỳ chốc lát đến như thế ấy, cái thế không thể ngăn trở được. Theo nghĩa làm tôi, tôi phải chết, không được lay lắt cầu sống mà để hổ thẹn cho vua. Hoàng thượng thấu suốt việc xưa, việc nay, xét rõ mối trị, mối loạn, người thân kẻ hiền cùng đồng lòng giúp đỡ, kính cẩn phép trời, vỗ thương người cùng khổ, tính trước lo sau tuỳ nghi thay đổi, cái sức lực còn có thể làm được việc. Tôi sắp chết nghẹn ngào không biết nói gì, chỉ tuôn nước mắt, tỏ lòng quyến luyến, trông mong khôn xiết".

Ông biết không mấy ai thông cảm cho hoàn cảnh và việc làm quá khó khăn của ông, nên ông viết bài thơ "Toán cầm"

Nam Xuân Thọ dịch

Phả toái dạo cầm phùng                 Tử kỳ chết mất đập
dĩ hàn                                              đàn thôi.
Tử kỳ bất tại đối thùy đàn              Non nước còn ai những ngậm ngùi
Xuân phong mẵn diễn                     Bốn mặt gió xuân đều
 giai bằng hữu                                  bạn cả
Dục mích tri âm nan                       Tri âm muốn kiếm lại
 thượng nan                                     không người

Ông bắt đầu tuyệt thực ngày 19/7/1867, ba người con cùng thân quyến khóc lóc xung quanh xin ông ăn uống. Ông bảo: Ta biết rõ cơ trời dẫu làm sao cũng không qua thiên ý định. Vậy khi ta thác rồi, ai nấy cứ an cư lạc nghiệp, lo việc học hành, không nên dục lợi cầu vinh mà làm những việc nhẫn tâm hại lý. Nay ta tuổi cao sức yếu thành ra kẻ vô dụng cho nước nhà, dẫu có thác cũng không đủ tổn hại cho quê hương, còn ta sống cũng như không, cũng không đủ lợi ích cho xứ sở. Hãy cố gắng học hỏi cho bằng người Âu tây, hãy ráng phò vua giúp nước, toan lo cho hết sức người, họa may sau này đặng vẻ vang cho Tổ quốc.

Ông mặc áo rộng, bịt khăn đen và ngồi xem sách, tuyệt thực, ông làm bài thơ tuyệt mệnh sau đây nói lên tâm trạng và việc làm của ông:

Thời trơi đất lợi lại người hòa                   Há dễ ngồi coi phải nói ra
Lâm trả ơn vua đền nợ nước                     Ðành cam gánh nặng ruổi đường xa
Lên ghềnh xuống thác thương                   Vượt biển trèo non cảm
 con trẻ                                                        phận già
Cũng tưởng một lời an bốn cõi                 Nào hay ba tỉnh lại chầu ba

Lúc ông tuyệt thực có một số quan Pháp đến tham đem đồ ngon rượu tốt đến mời ông ăn uống, ông cương quyết từ chối và trả lại.

Tuyệt thực đến ngày 2/8/1867, hơn 15 ngày mà không chết, ông quyết định từ giã cõi đời bằng chén thuốc độc. Ông gọi bà con đến gần bên ông để ông trối lại những lời cuối cùng: Khi ta chết rồi phải đem linh cữu về chôn tại làng Bảo Thạnh, bên cạnh phần mộ của tổ tiên, còn tấm minh tinh (tấm triệu) hãy đề: "Ðại nam hải như lão thư sanh tánh Phan Chi Cữu (Quan tài hồct họ Phan góc biển Ðại nam) đồng thời cũng lấy câu bia ghi mộ". Có người hỏi tại sao không đề chức tước, ông đáp: "Những hạng thường nhơn hay cầu chức không danh, ta xem sự ấy là một việc hổ then". Ông cũng cho thêm 3 con "Mấy bộ sách của ta để lại, đó là sự nghiệp quý báu, chúng bay phải giữ gìn, ráng học hành và đừng làm một chức quan quyền gì hết, Anh em nên ăn ở thuận hòa, nhất là phải thương mến quê hương dân tộc". Và chừng còn sợ con cháu mau quên, ông lấy viết bài thơ chữ Hán sau đây:

                          Vũ Trung dịch

Bạng duật tương trì                                     Trai cò tranh nhau, ông
 ngư ông Ðắc Lợi                                         cầu được lợi
Vạn vật nguyên lại lưỡng bất can              Trời đất sinh ra vốn khác lò
Chi nhân ẩm trác khởi tranh đoàn             Chỉ vì tham miếng phải giằng co
Vân cầm tráng chí hà tu nhượng                Cò khoe dài mỏ chi mà nhịn
Thủy cáp hùng tâm bất khảng khoan         Trai cậy dầy mu chả nói cho
Nhai khẩu bất như giam khảu ổn               Mở miệng không bằng hóa ổn
Nhập đầu sanh giác xuất đầu nan              Vương đầu mới biết gỡ thêm lo
Tảo chi đắc lợi quy ngư phủ                       Sớm hay lo dạ ông câu cá
Vân thủy phi hiềm các tự an                       Bay tít mây xanh lặn nước mò(a)

Phan Thanh Giản quay mặt về phía Bắc, lạy vua 5 lạy rồi ngồi xếp bằng, mắt dưng dưng đôi dòng lệ, trước sự chứng kiến của gia đình, ông nâng chén thuốc độc uống cạn. Ông mất năm 72 tuổi.

Một vị thượng quan, trải qua 3 triều vua Nguyễn, ông đã hiểu cái văn minh và sức lực của người Tây, ông biết rằng nếu dùng vũ lực thì không đánh nổi mà nên chuyển hướng ngoại giao, nghị hòa mà cải cách Duy Tân nhưng vua và triều thần vẫn cứ khư khư thủ cựu cho mình là giỏi, không chịu nghe ai, thậm chí sau này, lúc đi sứ ở Pháp về phái đoàn nói ở bên Pháp có thứ đèn không cần dầu cũng sáng, nhà vua và đình thần cho là nói đề cao bọn Tây di "Ðăng vô du hỏa bất sinh" đèn không dầu thì lửa lấy đâu mà sáng(b) đã không nghe mà mỗi lần thất bại gặp khó khăn, lại đưa ông làm bung xung, đưa đầu chịu báng, để trút trách nhiệm mất 6 tỉnh Nam Kỳ. Vua Tự Ðức Dụ rằng: (Dụ năm 1868).

"Sáu tỉnh Nam kỳ ban đầu vì Nguyễn Trị Phương, Tôn Thất Cáp, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Bá Nghi tiễu phòng không hết sức, rồi đến Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp nghị hòa khinh bỏ, sau khi Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển, Nguyễn Hữu Cơ và Trần Hoàn Nhơn tuần nhác nhớn nên đến nỗi mất cả 6 tỉnh" rồi định tội 2 ông Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp đều truy đoạt chức hàm, đục tên trong bia tiến sĩ, ghi tội trảm giam hậu đời đời - làm vua một nước, không tự thấy trách nhiệm của mình mà lại đổ tội cho kẻ bề tôi. Sau này mất luôn cả Bắc Kỳ, Tự Ðức còn sống không biết luận tội về ai!

Ðến năm Bính Tuất (1886) vua Ðồng Khánh mới khôi phục nguyên hàm cho hai ông.

Hai người con ông là Phan Liêm và Phan Tôn về sau cũng lãnh đạo phong trào chống Pháp ở Vĩnh Long, Sadec, Trà Vinh, Bến Tre. Sau thất bại hai ông lại ra Bắc Kỳ theo ông Nguyễn Tri Phương(c).


PHAN VĂN MINH
(1815-1853)
Linh mục nhà ngôn ngữ học

Ông Phan Văn Minh quê ở Cái Môn, xã Vĩnh Thành huyện Tần Minh, tỉnh Vĩnh Long nay là tỉnh Bến Tre cùng làng với Trương Vĩnh Ký, nhưng ông sinh trưởng trước Ký khoảng 20 năm. Ông sinh ra trong một gia đình đạo Thiên Chúa, năm ất hợi (1815), cha là Phan Văn Ðức, mẹ là An Na Tiến, ông được chọn vào học trường đạo ở Lái Thiêu ròi ra nước ngoài học ở Poulo Pinang. 1846 thụ phong linh mục có tên là Philipphê Phan Văn Minh, trông coi việc đạo ở Nam Bộ và Cao Mên; ông là một người có trình độ cao, học lực cao. Ông có công cộng tác với cố Taberd biên soạn hai cuốn từ điển "La tinh Annam La tinh" vào năm 1839, ông mới 23 tuổi, đây là cuốn điển tiếng Việt dịch ra tiếng La tinh tương đối hoàn chỉnh có công đóng góp việc chỉnh lý chữ quốc ngữ sau các công trình của Ðắc lộ (Alexandre de Rhodes) năm 1651, và Bá Ða Lộc (Pigneau de Behaine) năm 1772. Cuốn từ điển của ông được xuất bản ở ấn Ðộ. Ðây là một việc làm có giá trị lớn đối với văn tự nước nhà.

Rất tiếc là tháng 2/1853, ông bị triều đình bắt theo chỉ thị cấm đạo và ông chết vào ngày 3/7/1853 - tòa thánh Vatican phong ông là á Thánh - Năm 1960 hài cốt của Phan Văn Minh được đưa về táng tại Vu Cung thánh đường Sài Gòn(a).


PHAN VĂN ĐẠT
(1828-1861)
Cử nhân, chí sĩ chống Pháp

Ông Phan Văn Ðạt tự là Minh Phủ, quê thôn B Thạnh huyện Thạnh tỉnh Gia Ðịnh (nay thuộc Hồ Chí Minh). Ông đỗ cử nhân khoa Canh thân Tự Ðức thứ 14 (1860), nhà rất nghèo, nhưng tính ông trung hậu có tiết tháo được mọi người kính mến, ai có việc tranh chấp thường nhờ đến ông phân xử và họ bảo nhau: "Sợ chênh lệch thì nhờ mặt cân. Muốn hết tranh giành thì nhờ ông Phan".

Giặp Pháp xâm lược miền Nam, ông cùng với người cậu bên ngoại là Trịnh Quang Nghị mưu tính việc khởi nghĩa, suy tôn Trịnh Quang Nghị cầm đầu. Khoảng tháng 5/1861 ông chia quân đóng giữ ở phía nam Biên Kiều, tổng Bình Thạnh. Không bao lâu ông bị Pháp bắt, ông không khuất phục chúng giết ông trong khoảng tháng 7/1861 lúc ông mới 33 tuổi.

Vua Hàm Nghi sau truy tặng ông Hàm Tri phủ, em ông là Thanh: Hàm Bá Hộ.


PHAN HỌC TÒNG
(1818-1867)
Anh hùng chống Pháp.

Ông Phan Ngọc Tòng có sách chép là Phan Tòng, nhân dân tôn kính gọi là Phan Công Tòng, sinh năm 1818 quê làng Bình Ðông, huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre. Sau khi mất 3 tỉnh miền Tây Nam bộ, một số đông nghĩa sĩ nổi lên chống Pháp ở nhiều nơi, trong đó có Phan Tôn, Phan Liêm con Phan Thanh Giản, Phan Ngọc Tòng đã theo hai ông Tôn, Liêm từ khoảng tháng 8/1867 sau khi Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự tử, đến 9/11/1867 ông được phong làm đốc binh chỉ huy cuộc khởi nghĩa vùng Bến Tre. Ðêm 9/11/1867 tên De Champeaux, thanh tra sự vụ Bến Tre cùng tên trung uý Edouard Pottier kéo một số binh lính lên truy lùng các nghĩa quân ở vùng chợ Hương Ðiểm nhưng dân chúng đều bỏ trốn hết, đến tối đóng quân ở ngôi chùa của chợ, không ngờ lúc nửa đêm trời mưa to như thác đổ nghĩa quân do Phan Ngọc Tòng chỉ huy xông vào tấn công bọn giặc, một đại bác nhỏ kéo vào bắn vào một lính Pháp bị thương, độ 100 nghĩa quân bao vây, một nghĩa quân xông vào đâm De Champeaux bị thương, bị Pottier đâm lại. Bọn Pháp bắn ra làm chủ được chiến trường bèn rút lui, qua hôm sau chúng đánh điện tín lên Sài Gòn và Vĩnh Long xin đưa quân vào cứu viện.

Sáng ngày 12/11/1867, ba chiếc pháo thuyền chở gần 500 lính vừa Tây vừa Mã Tà (lính ngụy) do Hải quân trung tá Ansart chỉ huy, đổ bộ lên Hương Ðiểm, suốt mấy hôm xuống tận An Thới, Ba Lạt nhưng các nghĩa quân và dân chúng trốn tránh chúng không gặp ai. Cuối cùng đến tối ngày 15/11/1867 chúng kéo về tập trung ở làng Ba Tri đóng quân trên một cồn cát cao gọi là Giồng Gạch, chúng chia quân đóng theo hình vuông ở ngoài trời một nửa Pháp một nửa Mã Tà canh - Bỗng quá nửa đêm, khoảng 2 giờ sáng trời đổ mưa nhỏ, nghĩa quân bốn phía ào ạt bao vây tấn công, cuộc chiến xảy ra ác liệt, súng địch bắn ra rất mạnh, nghĩa quân có lúc lui rồi lại hợp lực tiến lên, bắc loa gọi Mã Tà đừng có bắn người Nam phải trả thù mất 3 tỉnh miền Tây. Nhưng Quản Tấn (Huỳnh Công Tấn), không nghe cứ thúc quân ngụy cùng quân Pháp, tay vẫn lăm lăm cầm ngọn giáo hay gậy gộc, chính bọn Pháp cũng phải thừa nhận lòng dũng cảm hy sinh của nghĩa quân với vũ khí thô sơ vẫn áp sát lá cà đánh nhau với địch. Bọn Pháp đi lùng sục qua các cánh đồng, thấy nhiều thi hài ngã gục trong đồng ruộng, trong đó có thi thể thủ lĩnh Phan Ngọc Tòng - Phan Ngọc Tòng chết trận đêm 15/11/1867 này. Phan Ngọc Tòng (Công Tòng) chết để lại nỗi đau thương cho nhân dân, ai cũng xúc động trước cái chết của một vi anh hùng cứu nước. Nguyễn Ðình Chiểu có làm 10 bài thơ bát cú liên hoàn điếu Phan Ngọc Tòng một cách ai oán thương tâm(a).


PHAN BÁ PHIẾN
(1839-1887)
Cử nhân yêu nước.

Phan Bá Phiến tự là Dương Nhân, còn nhiều tên khác như Hồ, Tuân, Tịnh, quê làng Tân Lộc, huyện Hà Ðông tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Tam Tiến, huyện núi Thành, tỉnh Quảng Nam) thuở nhở nhà nghèo nhưng thông minh hiếu học, đậu cử nhân khoa Mậu Ngọ (1858) Tự Ðức 11, được bổ làm tri huyện Phù Cát tỉnh Bình Ðịnh.

Năm Quý Mùi 1883, giặc Pháp gây hấn và chiếm Trung Kỳ, vua Hàm Nghi bỏ kinh thành chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) xuống Hịch Cần vương, ông bỏ quan về quê cùng với Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư thành lập nghĩa hội đặt tên "Tần Tịnh" tại làng Trung Phước, thuộc huyện Quế Sơn, Quảng Nam lãnh đạo nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi chống Pháp xâm lược.

Từ năm 1885 - 1887 lực lượng nghĩa quân đánh tiêu hao rất nhiều binh lực địch - nhưng sau khi nghĩa quân Pháp và đội quân tay sai Nguyễn Thân đánh úp ở căn cứ Phước Sơn (thuộc Tiên Phước ). Ông và NguyễnDuy Hiệu thoát được thế vây của địch, song thế cùng, Nguyễn Huy Hiệu bàn với ông: "Việc đã không thể làm, thì chỉ chết mà thôi. Nhưng chúng ta cùng chết một lúc thì vô ích. Vậy ông nên chết trước, còn tôi sẽ giải tán Ðảng rồi đem thân cho Pháp bắt".

Phan bá Phiến khảng khái vâng theo, bèn mang đai đội mũ hướng về kinh đô lạy 6 lạy, rồi quay sang Nguyễn Huy Hiệu lạy 2 lạy nói: "Ông hãy gắng sức, tôi xin đi", rồi uống thuốc độc chết trước mặt nghĩa quân.

Ông mất ngày 21/9/1887 (5/8 âm lịch) rồi 10 ngày sau, Nguyễn Huy Hiệu cũng đem thân cho Pháp bắt ở vùng Bắc Quảng Nam như đã hứa với ông. Cảm về cái chết của Phan Bá Phiến, Phan Bội Châu có viết rõ hành trạng ông trong sách Việt Nam vong quốc sử. Ðề mộ ông, Phan Bội Châu viết: "Sống hiếu, chết trung. Vì nước sống tốt đẹp, vì dân chết oanh liệt", ông qua đủ có hai đức sáng và trung kiên.


PHAN VĂN HỚN
(.... - 1868).
Nhà yêu nước, liệt sĩ.

Ông Phan Văn Hớn tức Phan Công Hớn, tục gọi là Quản Hớn, quê ở Hóc Môn, tỉnh Gia Ðịnh (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh) là một nhà nhiệt tình yêu nước.

Ðêm 8 rạng ngày 9/2/1998, ông cùng Nguyễn Văn Quá lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở vùng 18 thôn Vườn Trầu, đánh chiếm quận lỵ Hóc Môn, giết tên tay sai đầu sỏ Ðốc Phủ Trần Tử Ca, sau đó kéo xuống đánh Sài Gòn, nhưng giữa đường bị quân Pháp chặn lại. Cuộc khởi nghĩa bị tan vỡ.

Không thành công thì thành nhân, ông bị bắt và bị kết án tử hình cùng với Nguyễn Văn Quá và một số người khác. Rạng đông ngày 30/3/1885 ông và Nguyễn Văn Quá bị giặc Pháp hành hình tại chợ Hóc Môn. Chúng bêu ddaauf ông ở Mĩ Hạnh và Nguyễn Văn Quá ở chợ Cầu. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ ông, nay còn trang trọng tại Học Môn, hàng năm giỗ vào ngày 25 tháng giêng âm lịch.

Sĩ phu còn truyền một bài thơ vè khá dài về cuộc khởi nghĩa của nhóm ông.

Nhân sĩ Phạm Ðại Hưng có thơ ca tụng:

Thập bát phù viên khởi                         Ra tay làm thử rõ
nghĩa đây,                                              ra thầy,
Dân cày nhất trí nêu danh nghĩa          Hương chức đồng tâm quyết đắp xây,
Gậy gốc đánh tan phường                    Cửu rơm thiêu huỷ bọn
chiếm đất,                                              theo tây.
Anh hùng lãnh đạo công ghi nhớ          Con cháu phụng thờ miếu mộ xây.


PHAN VĂN TRỊ
(1830-1910)
Cử nhân, nhà thơ yêu nước.

Phan Văn Trị sinh năm Canh Dần (1830) quê làng Hưng Thạnh, huyện Giồng Trồm, tỉnh Bến Tre) sau về cư ngụ ở làng Nhơn ái, huyện Phong Ðiền, tỉnh Cần Thơ.

Ông đỗ cử nhân khoa Kỷ Dậu (1894). Tự Ðức thứ 2 - Cảm thời cuộc rối ren, ông không ra làm quan mà chỉ ở nhà dạy học, sống đạm bạc, ở làng Bình Cách (Tân An) sau về dạy ở Phong Ðiền (Cần Thơ). Ông có tham gia công việc nhà nông, sống chung với nông dân, nên ông hiểu về đời sống dân cày và quý trọng người lao động bình thường, an cư nơi thôn dã, nhưng chí vẫn hy vọng gặp thời giúp nước, vua sáng tôi hiền. Trong bài Câu cá, ông tự ví như Lã Vọng có câu: Nửa cần thú vị trời nước - Một sợi kinh luân gió gió trăng.- Hoặc : Người hỡi Nghiêm Lăng có biết chăng - Lòng ta ý gã đố ai bằng (Nghiêm Lăng một người giỏi giúp vua Hán Quang Vũ khôi phục nhà Hán, khi thành công rồi rút lui về cày, không làm quan) - hoặc bài Thợ may. Một thuở ra tay người đặng ấm - Trăm năm đẹp mắt kẻ quan chiêm.

Ðến khi giặc Pháp chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ, ông rất uất hận, đứng về phía sĩ phu chống lại sự đầu hàng của triều đình nhà Nguyễn, các bạn của ông, kẻ thì chống giặc bị hy sinh, kẻ thì quẳng ấn không làm quan với giặc, người thì bỏ đất lánh đi nơi khác, chỉ một số tên phản phúc , điển hình như Tôn Thọ Tường ra làm tay sai cho giặc Pháp đầu tiên, lôi kéo thêm một số như Ðỗ Hữu Phương, Trần Tử Ca, Huỳnh Công Tấn, Trần Bá Lộc, để đàn áp phong trào cứu nước.

Tôn Thọ Tường, cha làm tuần phủ, một tên ăn chơi bán hết cơ nghiệp ông cha, đi thi không đỗ mà tự phụ là tài ba lỗi lạc rồi cũng lập hội Tao Ðàn lấy tên là Bạch Mai thi xã, lúc đầu cũng làm quen với một số sĩ phu như Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Ðạt, Bùi Hữu Nghĩa, nhưng đến khi Pháp sang đánh chiếm Nam Kỳ, hắn nhảy ra làm tai sai cho giặc, khiến cho mọi người nguồn rủa - về mặt đấu tranh văn học với hắn thì Phan Văn Trị là người tiêu biểu nhất.

Phan Văn Trị để ra chủ trương "Tỵ địa: tức là bất hợp tác với giặc Pháp, bỏ đất bị chiếm mà di cư đi nơi khác. Ông đã liên lạc với Nguyễn Ðình Chiểu tản cư về Ba tri (Bến Tre) và Bùi Hữu Nghĩa tản cư về Bình Thuỷ (Cần Thơ), và gây một phong trào bút chiến chống bọn tay sai giặc Pháp.

Ðến lúc mất cả 6 tỉnh ông rất đau đớn: Nhìn Nam chạnh tủi cành hoa ủ- Ngó Bắc ngùi thương đám bạch vân (cảm hoài II).

Hoặc lúc mất Vĩnh Long, ông viết: tan nhà căm nỗi câu ly hận - Cắt đất thương ôi cuộc giảng hòa... Gió bụi đời cơn xiêu ngã cỏ. Triều đình hết nói nổi quan ta.

Mất đất, ông oán ghét nhà vua đến cực độ, đến nỗi lúc đi cùng Ðốc Trừng từ Cần Thơ đến Bình Thuỷ, ông vừa đi, vừa đái trên đường, vừa ngâm: Ðứng lại làm chi cho mất công - Vừa đi vừa đái vẽ nên rồng.

Tôn Thọ Tường biết mình bị khinh bỉ nên hắn cũng làm thơ, tự ví mình như Từ Thứ, Quy Tào, hoặc như Tôn Phu Nhân, em Tôn Quyền, bỏ anh theo Lưu Bị, Hắn viết... Ai về nhắn nhủ Chu Công Cẩn - Thà mất lòng anh được bụng chồng - Phăn Văn Trị đã đập lại: Ðứa ghẻ ruồi, đứa lác voi, bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi - Hoặc : Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết: Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng. Tôn Quyền cũng họ Tôn) - Tôn Thọ Tường lại ca tụng Pháp: Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo, mây tuôn đen nghịt khói tàu bay- Hắn cho chống Pháp là dại dột; Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc. Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay - Phan Văn Trị đập: Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở, - Bủa lưới săn nai cũng có ngày... Ðừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ, lòng ta sắt đá há lung lay. Tôn Thọ Tường tự phụ: Nước ngược chống lên thuyền một chiếc - Gác cao bỏ lại sách 5 pho. Phan Văn Trị đáp:

Ðến thế còn khoe danh đạo nghĩa - Như vầy dám gọi cửa trâm anh. Hoặc: Con buôn khấp khởi chưa từng ngọc - Người khó xăn văn mới gặp vàng.

Tóm lại: Phan Văn trị là một sĩ phu yêu nước, dùng văn chương cương quyết chống lại bọn tay sai cho giặc, nổi tiếng là 10 bài thơ họa, đập lại luận điểm bán nước của Tôn Thọ Tường. Ông lại là một nhà thơ yêu lao động, đứng về phía nhân dân, chống lại bọn bán nước, ví dụ bài: Hột lúa, ông viết: Giã từ đồng ruộng dạo xa chơi - Lớn nhỏ ai mà chẳng mượn hơi - Cởi giáp vàng kia phơi chôn chốn - Bày ra ngọc nọ rạng nơi nơi - Vì thế liều mình cơn nước lửa - Ai mà có biết hỡi ai ơi - hoặc như bài Cối xay ông viết: Bao quản thớt trên mòn thớt dưới - Hiềm vì còn giặc phải ra tay, hoặc bài chiếc đầu rau đun bếp, ông viết: Cháu da với chủ đà ghe thuở. Phồng trán cũng dân đã mấy hồi (ông táo).

Khi cả 6 tỉnh Nam Kỳ bị mất, ông lưu lạc nay đây mai đó, rồi ong dời về Phong Ðiền (Cần Thơ) ở ẩn dạy học, giao du với Huỳnh Mẫn Ðạt, Bùi Hữu Nghĩa, cảm hóa cai tổng Lê Quang Chiếu bỏ quan, giữ tiết tháo trong thời mất nước. Ðến năm Canh Tuất 1910 ông mất - Thọ 80 tuổi, phần mộ nay còn ở Phong Ðiền.

Thơ văn ông còn lưu truyền rất nhiều, đầy tính chiến đấu thanh cao, có khí tiết, lòng yêu nước chan chứa trong bài phú "Thất thủ Gia Ðịnh", bài thơ :"Thất thủ Vĩnh Long" và sôi nổi trong các bài thơ họa với Tôn Thọ Tường.


PHAN ĐÌNH PHÙNG
(1847-1895)
Ðình Nguyên Tiến Sĩ

Phan Ðình Phùng, một bậc vĩ nhân cứu quốc, gần 11 năm chống Pháp (1885-1895) không chịu đầu hàng, chịu chết trên rú Quạt vùng núi Hà Tĩnh, nhiều tài liệu đã viết về Phan Ðình Phùng, nay chỉ xin tóm tắt một số nét lớn.

Phan Ðình Phùng sinh năm Ðinh Mùi (1847) tại Yên Ðồng, huyện La Sơn, nay là làng Ðông Thái, xã Ðức Phong, huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tổ 12 đời là Kiều Quận Công vào thời Lê Trung Hưng, cha là Phan Ðình Tuyển đậu phó bảng (1844) làm Tán lý quân vụ bị tử trận ở Lạng Sơn, anh cả là Phan Ðình Thông đậu tú tài, anh hai Phan Ðình Thuật (cử nhân), anh ba Phan Ðình Tuấn mất sớm, em út Phan Ðình Vận đậu phó bảng, còn hai em con khác mẹ thì không thành đạt gì. Ông là con thứ 4.

Năm 1876 Phan Ðình Phùng đậu cử nhân, năm sau 1877 ôngthi hội Ðỗ đình Nguyên tiến sĩ. Tính ôngngay thẳng gan dạ và quyết tâm. Sau khi thi đậu, ông được bổ làm tri phủ Yên Khánh (Ninh Bình) đã từng bắt tên giáo sĩ Trần Văn Lục (Cụ Sáu) cậy thế hà hiếp nhân dân, hô lính đè cổ ông Lục xuống và đánh thẳng tay.

Năm sau Tự Ðức 31, ông bị triệu về kinh làm Ðô sát ngự sử. Thời đó vua Tự Ðức có lập ra một Sở tập bắn ở cửa Thuận An, bắt các quan văn võ triều thần xuống tập bắn, các ngài bắn không trúng dích, bắn đạn lên mây xanh, nhưng viên chớp sự cũng ghi là bắn tốt, thấy thế ông bèn tâu với vua về sự dối trá ấy và mời vua xuống xem. Ðúng như lời tâu của Phan Ðình Phùng, sổ biên chép bấy lâu là láo cả. Vua bèn phê rằng: "Thử sự cửu bất phát, phùng phùng tại phát" (việc này lâu không ai phát giác ra, nay gặp Phùng mới phát hiện). Tính ngay thẳng của ông làm cho các triều quan ai cũng kính nể và sợ hãi. Có lần ông ra Bắc phát hiện tên kinh lược NguyễnChính tham nhũng, ông tâu về triều, Nguyễn Chính phải cách chức.

Năm Quý Mùi (1883) ngày 16/6 vua Tự Ðức mất, di chiếu lập Dục Ðức nối ngôi, trong đó có câu: "...Dục Ðức còn trẻ tuổi mà phóng đãng vô đạo, đáng lẽ không lập, nhưng vì không có tự quân nên phải lập..." khi đình thần họp bàn làm lễ lên ngôi cho Dục Ðức, phụ chính Trần Tiến Thành đọc di chiếu, đến câu ấy đọc nhỏ lại. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cũng là phụ chính, muốn lập vua khác, Tôn Thất Thuyết đã dàn 300 quân cấm vệ với mệnh lệnh hễ đập bàn là trói lại, dơ tay lên là chém. Hai ông bèn mắng Trần Tiến Thành là khinh mạn triều đình, bắt Nguyễn Trọng Hợp đọc lại cho to hơn, nhân đó bèn hạ bệ Dục Ðức. Hành động này Phan Ðình Phùng rất tức giận, các triều quan không ai dám hé môi, mà Phan Ðình Phùng đùng đùng đứng dậy, mọt bạn đồng liêu bên cạnh kéo áo ông xuống, ông dựt đứt tà áo mà nói lớn: "Ðức Tiên Hoàng vừa mới nhắm mắt mà ngài làm việc trái nghịch di chiếu như thế thật không còn đạo nghĩa nhân thần một chút nào! Bây giờ triều đình phải tuân theo tờ di chiếu lập ngài Dục Ðức mới được. Huống chi Tần Quân chưa có tội gì, chưa chi đã làm việc phế lập như ngài định làm càn rỡ đó, sao cho phải lẽ? "Sẵn cơn thịnh nộ ông còn mắng nhiếc Tôn Thất Thuyết nhiều điều nữa, Tôn Thất Thuyết căm giận tái mặt tím gan, nhưng bề ngoài cũng cười lạt, Phan nói chưa dứt lời, Tôn Thất Thuyết vỗ bàn một cái thật mạnh rồi dơ tay lên cao để ra hiệu - lập tức lính cấm vệ lôi Phan ra toan chém ngay. Nhưng Thuyết nghĩ sao đó lại ra lệnh bắt Phan giam ngay vào ngục để sau xét xử - cả triều đình ai cũng hoảng hồn hết vía. Dục Ðức bị giam vào ngục tối, mấy ngày sau chết đói trong ngục.

Sau 10 ngày Phan Ðình Phùng được thả ra, cách tuốt hết chức vị, chỉ còn danh vị tiến sĩ mà thôi. Ðược thả, Phan về nhà ngay, cày ruộng làm ăn, tuy vậy vẫn theo dõi tình hình đất nước, vua Hiệp Hoà làm được 4 tháng rồi cũng bị ép uống thuốc độc chết (18/11/1883). Vua Kiến Phúc lên thay chẳng bao lâu cũng bị chết, rồi 1/8/1884, hai ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường lại lập ứng Lịch 15 tuổi lên thay tức vua Hàm Nghi.

Tháng 6/1884 Pháp chiếm cửa Thuận An, sau đó đưa quân lên chiếm đóng đồn Mang Cá ở trong thành Huế. Cũng năm 1884 Tôn Thất Thuyết lại giao cho Phan Ðình Phùng làm Tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh. Ngày 23/5/1885 Tôn Thất Thuyết khởi nghĩa đánh Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa Khâm, nhưng thất bại, sáng ra phải bỏ kinh thành, đưa vua Hàm Nghi xuất bôn chạy lên miền Thượng Du, sang Lào, rồi cuối cùng chạy ra Hà Tĩnh, hạ chiếu Cần Vương.

Phan Ðình Phùng cùng một số nhà khoa bảng đến bái yết, được vua giao cho Phan nhiệm vụ làm Tán lý quân vụ Thống tướng các đạo nghĩa binh Cần Vương khởi nghĩa vùng Thanh Nghệ Tĩnh Bình.

Phan Ðình Phùng về quê nhà Ðông Thái, phát lời kêu gọi Cần Vương cứu nước, lấy nhà mình làm nghĩa sĩ đường, các nhà khoa bảng các tỉnh và nhân dân kéo về ứng nghĩa rất đông, tổ chức các xưởng rèn khí giới, phân bố tổ chức thành lập các đạo nghĩa binh, khí thế rất mạnh nhưng buổi đầu chưa quen chiến trận, bị giặc Pháp kéo lên đánh dốc vào đại đồn Ðông Thái, đốt phá tan tành. Nghĩa quân có người tử trận, dân làng phải trốn đi nơi khác.

Phan Ðình Phùng thu thập tàn quân an ủi tướng sĩ: được thua là sự thường không vì thế nào ngã lòng. Phong trào tập hợp lại nổi lên, phân tán đóng trên vùng rừng núi Hương Sơn, Hương Khê, nay chỗ này, mai chỗ khác

Phan Ðình Phùng thu thập tàn quân an ủi tướng sĩ: được thua là sự không vì thế mà ngã lòng. Phong trào tập hợp lại nổi lên, phân tán đóng trên vùng rừng núi Hương Sơn, Hương Khê, nay chỗ này, mai chỗ khác, tìm chỗ hở đánh, gây cho quân Pháp nhiều hao tổn. Giữa lúc ấy người anh là Phan Ðình Thông đóng ở Thanh Chương bị địch bắt được giải về tỉnh Nghệ An, Nguyễn Chính lúc này là Tổng đốc Nghệ An cùng Lê Kinh Hạp tiểu phủ sứ, viết thơ cho Phan Ðình Phùng về hàng thì tha, nếu không thì người anh bị giết. Phan Ðình Phùng không trả lời và nhắn người đưa thư về nói với Lê Kinh Hạp rằng: nếu có làm thịt anh ta thì nhớ gửi về cho bát nước xáo! Ai cũng ứa nước mắt, Phan Ðình Phùng cũng rán sức nói: Ta có một người anh rất to là mấy mươi triệu người dân Việt Nam. Phan Ðình Thông bị hại. Chí quyết tâm đã hun đúc cho mọi người mối căm thù thề sống chết với giặc Pháp. Cuộc chiến của nghĩa quân chống lại bọn Pháp quân lính bảo hộ khi thắng khi bại, nhưng về lực lượng thì không cân đối nhất là về vũ khí, về phía nghĩa quân cũng bị tổn thất nhiều. Năm 1887 Phan Ðình Phùng quyết kế ra Bắc để hiệu triệu văn thân ngoài ấy cũng nổi lên làm thanh viện và dặn chúng tướng ở nhà cứ chuẩn bị lực lượng, khoan manh động đợi ông về sẽ hay.

Phan Ðình Phùng ra Bắc, lúc này cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã thất bại, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc, nghĩa quân của Nguyên Thiện Kế và Ðốc Tít chỉ huy đã rút về Ðông Triều. Phan có liên hệ, nhưng thế lực lúc này cũng suy yếu nhiều, Phan đóng vai một ông tú tài nghèo khổ ở Nghệ An, ngồi dạy học tại nhà một người làm ruộng ở huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây, giấu tên tuổi tung tích vì Pháp đương truy nã. Có lần một người trẻ tuổi nghe danh Phan Ðình Phùng ở Nghệ An bèn tìm đến ông Tú Nghệ để tìm hiểu, qua trao đổi, ông Tú Nghệ thấy người đó có chí khí rất đảm lược nên đem lòng yêu qúy, ông Tú Nghệ khuyên người đó nên khởi nghĩa ở Bắc Kỳ để cứu nước. Người trẻ tuổi đó chính là Hoàng Hoa Thám và cũng không ngờ ông tú Nghệ đó là Phan Ðình Phùng.

Năm 1889 Phan lại trở về Hà Tĩnh, trong lúc Phan đi vắng thì ở quê nhà, một dũng tướng là Cao Thắng đã bí mật rèn được trên 500 khẩu súng kiểu 1874 của Pháp và đã tuyển mộ tập hợp được gần 1000 người. Nghe tiếng Phan về với lời hiệu triệu đánh giặc cứu nước, nhân dân cùng các nhà khoa bảng, các nghĩa sĩ ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa nổi dậy hưởng ứng rất đông. Căn cứ theo tình hình địa phương, Phan chia làm 15 quân thứ, mỗi quân thứ từ 100 đến 500 quân. Riêng ở đại đồn Vũ Quang lúc nào cũng có 500 quân. Lương thực được nhân dân ủng hộ, lại đóng mỗi mẫu một đồng bạc góp vào binh phí. Thế lực nghĩa quân rất mạnh với lối đánh tập kích, du kích, kỳ binh, gây cho Pháp và lính bảo hộ nhiều phen khốn đốn, có lúc đánh sát vào tỉnh lỵ Hà Tĩnh, có lúc bắt sống tên Ðinh Nho Quang, tên Tuần Vũ tay sai khét tiếng, cùng Lê Kinh Hạp chia nhau lên đóng đồn vùng Hương Sơn, Hương Khê chỉ đạo việc bao vây. Lúc này quanh vùng hai huyện này Pháp dùng kế hoạch bao vây, cứ cách nhau khoảng 5 Km lại đặt một đồn binh vừa ngăn chặn nghĩa quân từ trên núi xuống vừa tìm cách triệt đường tiếp tế của nhân dân. Ðồng thời chúng tổ chức những đợt hành quân càn quét lên vùng núi. Những lúc địch rút quân từ miền xuôi lên càn quét vùng núi thì nghĩa quân cùng các quân thứ lại luồn về đồng bằng đánh phá các đồn trại địch, ở trên núi nghĩa quân lại di động chỗ này đi chỗ khác, làm cho địch rất khó khăn tiễu trừ, nhiều lúc lại bị nghĩa quân đánh cho thất bại nặng. Suốt mấy tỉnh: Hà Tĩnh. Nghệ An, vào Quảng Bình, ra Thanh Hóa, giặc Pháp tuy đặt được bộ máy chính quyền tay sai nhưng vẫn không yên, suốt mấy năm nghĩa quân liên tục quấy phá đánh hết nơi này sang nơi khác mà Pháp không bình định nổi.

Ðể phá tình thế bao vây, nếu cứ quanh quẩn vùng núi Hà Tĩnh, thì rất khó giữ lâu dài, nên tướng quân Cao Thắng yêu cầu cụ Phan cho đem quân xuống đánh chiếm tỉnh thành Nghệ An, cụ Phan cũng đã nghĩ ý ấy nhưng còn cân nhắc nhiều mặt. Cao Thắng cương quyết xin cụ lãnh 1000 quân đi xuống núi, từ đó đánh ra vùng Thanh Chương, qua đồn nào là đánh tan đồn ấy. Lâu là nửa ngày, nhanh là 1,2 tiếng, quân giặc nghe tiếng Cao Thắng là khiếp sợ gọi ông là Hổ tướng, nhiều đồn nghe tiếng ông là tan rã. Nhưng khi đánh đến đồn Nỏ ở Thanh Chương, thì tên một Phiến chỉ huy dùng mẹo, cho lính một toán phục sẵn ở ngoài đồn, một toán ở trong đồn nhưng không bắn ra, đợi đến lúc trời tối, kéo đèn lên, quân Cao Thắng ngoài đánh vào, thì bị trong bắn ra, đằng sau đánh tới. Cao Thắng bị trúng đạn. Quân cõng về đến nửa đường thì chết, lúc đó vào tháng 10 năm Quý Tỵ (1893) ông mới 29 tuổi, ông mất là một thiệt thòi lớn cho nghĩa quân, cụ Phan ôm vào quan tài khóc mãi không thôi. Các tướng lĩnh phải khuyên giải mãi, cụ mới yên và quyết tâm báo thù cho Cao Thắng. Trận đánh ngày 29/3/1894, Lãnh Lợi đón đánh tên thiếu uý Phiến tại Vạn Sơn, Nam Ðồng, nghĩa binh Nguyễn Bảo đã bắn chết tên Phiến tại Vạn Sơn, Nam Ðồng, nghĩa binh Nguyễn Bảo đã bắn chết tên Phiến tại trận, rửa mối hận thù đã sát hại đề Thắng.

Tháng 11/1893 cụ Phan đã điểm binh thân hành lên đồn Thanh Lạng, bắt chém tên Trương Quang Ngọc, một tên phản bội đã dẫn Pháp lên khe Tá Bào bắt vua Hàm Nghi, bắt được cả thanh kiếm của vua Hàm Nghi mà nó lấy trộm.

Cuộc chiến vẫn tiếp tục và lan rộng, quân Pháp không tiễu trừ nổi, theo kế hoạch của bọn việt gian, tháng 9/1894 Pháp sai quan địa phương về tìm mồ mả tổ tiên Phan Ðình Phùng đêm đào lên cho hết nòi làm giặc! Nhưng cụ không nao núng, cụ bảo: mả tổ tiên ta là đất nước Việt Nam đương còn thì ta cứ đánh. Toàn quyền Delenessan lại bàn với Hoàng Cao Khải bấy giờ làm kinh lược Bắc Kỳ, vừa là đồng hương vừa là bạn học cũ với Phan Ðình Phùng viết thư cho Phan dụ hàng, ý nói là không nên chống Pháp, chống không nổi mà chỉ để lại cho làng ta, nhà cửa bị đốt, mồ mả bị đào bới... rồi sai người em vợ mình vừa là anh con ông bác cụ Phan đưa thư lên đại đồn cụ trên núi. Cụ viết thư trả lời nêu lên trách nhiệm đối với vua, đối với dân, với nước, không thể nào theo với Chính phủ bảo hộ Pháp được và cụ nói thêm nếu không có những tên tay sai người Việt thì Pháp biết đâu là mồ mả mà đào bới, biết đâu là anh em làng mạc mà bắt bớ đốt phá... Lúc giao thư trả lời, cụ nóivới Phan Văn Mân, nếu không phải là anh, nếu người khác thì bộ hạ tôi sẽ làm mắm gửi về biếu Hoàng Cao Khải.

Ðào mả không xong, bắt bớ anh em không được, thư viết không lay chuyển nổi tấm lòng sắt đá của Phan Ðình Phùng, Pháp tăng cường quân lực, kết hợp với bộ máy Nam triều, sai Nguyễn Thân làm tiễu phủ sứ đem quân ra Hà Tĩnh để tìm cách tiễu trừ. Chúng dùng cách bao vây chặt vùng núi, cấm nhân dân không được tiếp tế cho nghĩa quân, ai vi phạm thì chém, chúng dùng đại quân lên chiếm cho được đồn núi Vũ Quang, cụ Phan cùng ban chỉ huy phải dời ra núi Ðại Hàm phía bắc Hương Sơn, về sau chúng tìm được dấu vết cụ ra ở vùng núi Ðại Hàm, bèn tập trung quân lên đánh núi này, các tướng lĩnh và nghĩa quân lợi dụng địa thế cương quyết chiến đấu đến cùng, cuộc chiến đấu diễn ra suốt 15 ngày đêm mà Pháp vẫn không lên được, chúng phải xin viện binh từ tỉnh lỵ. Nghệ An lên 150 tên nữa. Chúng bí mật lần mò, tìm cách cho một cánh quân vòng ra phía sau núi bò lên để đánh tập hậu. Nhưng đêm ấy không ngủ được, cụ Phan nghi ngờ, cho người dò tìm bỗng nghe tiếng động, cụ cùng các tướng và binh sĩ bí mật rút ngay đi phía trước, lúc giặc tiến lên thì không còn bóng người nào nữa. Giữa lúc nhân dân đón tết đêm giao thừa, thì đoàn nghĩa quân chịu cảnh đói rét rút về Rú Quạt phía nam Hà Tĩnh đi suốt mấy ngày đêm. Về đây cũng không yên, dân thưa, lại thiếu lương thực, đoàn nghĩa quân phải rút sang Kà tang giáp Quảng Bình, nhưng vẫn khó khăn về lương thực. Rồi lại trở về Vũ Quang, nhưng đại đồn cũ đã bị quân Pháp chiếm đóng mất rồi. Nghĩa quân phải đóng tại một dòng suối thượng nguồn cách Vũ Quang không xa lắm. ở đây cụ Phan đã dùng kế sa nang ủng thủy: lấy gỗ cột lại thành đê chắn nước nguồn ứ đọng lại, lừa cho quân Pháp kéo đến đánh thì chạy qua suối, lúc quân Pháp đến dưới lòng suối thì trên nguồn chặt đứt các dây buộc lại, nước ào ào chảy xuống, cuốn theo cây gỗ đâm thẳng vào đoàn quân Pháp, trong khi ấy hai bên bờ suối nghĩa quân bắn xuống, địch chết vô số, số chết trôi, số chết đạn, đây là một trận thắng lớn, ta thu hồi 50 súng, nhiều đạn, nhiều lương thực, đồ hộp, rượu chát... Trận đánh xảy ra vào tháng 7/1895. Nghĩa quân được bữa liên hoan no nê phấn khởi. Nhưng biết thế nào quân Pháp cũng trở lại báo thù, nên nghĩa quân lại phải kéo nhau trở về Rú Quạt.

Tình thế nghĩa quân lúc này gặp phải cảnh thiếu lương thực rất là nguy khốn, nhiều người đói lả dọc đường, việc liên lạc với miền xuôi rất khó khăn bị địch bao vây uy hiếp gắt gao. Các quân thứ bị giặc bao vây, tổn thất nhiều, nghĩa quân các nơi kéo về Rú Quạt đến 2700 người, thiếu ăn lại sinh ra bệnh tật, cụ Phan bị bệnh kiết lỵ, một ngày đi ngoài không biết bao nhiêu lần. Từ nửa cuối năm 1895 nghĩa quân lại bị địch bắt và bị hao hụt nhiều, nhiều tướng lĩnh cũng bị chết hoặc bị địch bắt. Từ gần cuối năm bệnh cụ càng trầm trọng, có người len lỏi bí mật lên cắt thuốc cứu cụ nhưng bệnh không khỏi. Cụ vừa thở hổn hển, vừa nhìn các tướng dặn: Tôi cùng các công đồng cừu khởi nghĩa đã mười năm, nay công việc hỏng muôn phần, ta phải xa lìa nhau, thật vô cùng thảm thiết, nhưng mà cổ nhân nói, mưu việc ở người, nên việc ở trời, sức người ta không xoay nổi được nữa. Nay tôi chết, trong cá ông ai liệu ra ngoại quốc để vừa lánh mình vừa cầu học càng hay. Nếu không thì lo giải tán binh sĩ để họ về nhà cày bừa làm ăn, còn thì đành sắp đặt ra đầu hàng bên địch cho xong, đừng vang động can qua, không cưỡng nổi mệnh trời, mà làm lụy cho sinh dân vô ích.

Các tướng khóc nức nở, không ai nói được gì nữa.

Cụ vời phu nhân và con cháu sắp hàng trước mặt và dặn: Bấy lâu tôi lo việc nước cũng không xong mà cảnh quê nhà cũng phải biến họa tơi bời, nay nửa đường lỡ dở phải bỏ mà đi, biết bao mối hận nói ra thêm đau lòng, chỉ biết số trời đã định, mình phải chịu vậy. Thôi thì sau ngày giờ tôi nhắm mắt, thì mẹ con ra hàng phục cho được an toàn, ta chắc rằng kẻ địch cũng có lương tâm vì nghĩa khí của ta mà không nỡ hại mẹ con ta đâu. Cả nhà đều khóc.

8 giờ sáng ngày 13/11 cụ mất, trước giây phút cuối cùng cụ mở mắt ngó xung quanh chư tướng như muốn nói gì nữa, nhưng hết hơi rồi, chỉ thấy hai bên khoé mắt ứa lệ rồi nhắm mắt luôn. Ông Nguyên Quýnh cùng các tướng chặt một cây gỗ vàng tâm lớn khoét rộng thân cây, mặc áo mão tiến sĩ gắn nắp chắc chắn, ngày 16 đem chôn bằng dưới chân núi Quạt, không đắp thành mồ, đề phòng kẻ địch tìm được khai quật. Thế mà cách đó 10 hôm sau, bọn Pháp đi tuần bắt được một tên nghĩa binh đi mua lương thực, chúng tra khảo bắt tên này dẫn đường đào mộ đưa thi thể cụ về đồn Linh Cảm. Nguyễn Thân, tên Tiểu Phủ sứ, bắt phụ lão bà con nhận diện, rồi dùng một thủ đoạn đê hèn đem đốt thi thể cụ đầu tổng Việt Yên, cháy ra tro đem tro ấy trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La Giang. Không giao phong trận nào mà giám báo về triều đình khoe công của mình với lá cờ "Tặng Phùng Bố Tử" (giặc Phùng sợ chết). Vợ con cụ bị giam ở Huế ít lâu rồi tha về Ðông Thái làm ăn.

Trang trước  |  Trang tiếp