PHẦN THỨ HAI: MỘT SỐ DANH NHÂN HỌ PHAN TỪ TRIỀU TRẦN LÊ ĐẾN NGÀY NAY

 

Trang trước  |  Trang tiếp

CHƯƠNG V
TRIỀU NGUYỄN THỜI KỲ PHÁP
BẮT ĐẦU XÂM CHIẾM NƯỚC TA

 

PHAN BỘI CHÂU
(1867-1940)
Chí sĩ yêu nước

Phan Bội Châu sinh ngày 26-12-1867, quê làng Ðan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An, cha là Phan Văn Phổ, một nhà nho nghèo, mẹ là Nguyễn Thị Nhàn, một phụ nữ hiền hậu, gia đình từ đời cố, 4 đời độc đinh. 6 tuổi theo cha đi học, nổi tiếng thông minh, 3 ngày thuộc hết cuốn Tam Tự Kinh, 7 tuổi hiểu kinh truyện, 13 tuổi thi đỗ đầu huyện. Phan lúc đầu tên là Phan Văn San, sau mới đổi tên là Phan Bội Châu, hiệu là Hài Thu, sau lấy hiệu là Sào Nam, lại còn các hiệu bút danh khác như Thị Hán, Ðộc Kinh Tử, Việt Ðiểu, Hàn Mãn Tử v.v...

Nhà nghèo lúc nhỏ sống gần gũi với nhân dân lao động, thường đi hát đối đáp phường vải, chịu ảnh hưởng của các cuộc khởi nghĩa Văn Thân, Phan đã sớm có tinh thần yêu nước, 17 tuổi nghe tin Bắc Kỳ nghĩa binh chống Pháp, ông viết bài Hịch "Bình Tây Thu Bắc "đem dán ở cây đa đầu làng, nhưng không ai hưởng ứng, 19 tuổi (1885) hưởng ứng chiếu Cần Vương cùng bạn Trần Văn Lương lập đội nghĩa quân 60 người nhưng chưa kịp hành động đã bị tan rã. Tuy vậy ý chí cứu nước của Phan đã khơi dậy từ đây, Phan đã nghiên cứu binh thư binh pháp, và cũng phải lo học tập văn chương, chuốc lấy tên tuổi bảng vàng để có danh nghĩa làm bàn đạp dong ruổi, mặc dù Phan chẳng thích gì lối văn chương sự nghiệp đỗ đạt làm quan, mà Phan thường ngâm hai câu thơ của Viên Mai: Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch, lập thân tối hạ thị văn chương (mỗi bữa đừng quên ghi sử sách, lập thân hèn nhất ấy văn chương).

Gia đình gặp khó khăn, mẹ và 2 em gái mất, Phan phải đi dạy học kiếm ăn. Suốt 10 năm lận đận, vài lần đi thi hương vi phạm trường quy, can tội "hoài hiệp văn tự" án ghi "chung thân bất đắc ứng thi" (suối đời không được đi thi). Năm 1896 Phan vào Huế dạy học, quan hệ văn chương với một số nhà nho danh tiếng ở đất Kinh đô - Nhân lúc Tế Tửu Quốc Tử Giám, Khiếu Năng Tĩnh ra đầu để "Bái Thạch vi Huynh" (lạy đá làm anh) cho các giám sinh, Phan cũng làm bài gửi vào trường Giám. Lúc chấm quan Tế Tửu Khiếu năng Tĩnh phải phục cho là một bài rất hay và chuyền cho các danh nho ở kinh đô xem. Trong đó Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Hiền rất cảm phục, nhất là câu "Tam sinh điển hải chi tư, vị phong tương bá, nhất phiến bổ thiên chi lực, hữu thị phùng quân..." Võ Song Thiết dịch: Một thân đội đá vá trời, thiết tha nhờ bác, ba kiếp dời non lập biển, may mắn gặp người. Từ đó danh tiếng của Phan càng phát huy. Biết Phan là người có tài nên các nho thần xin vua Thành Thái xóa cái án "Hoài hiệp văn tự, chung thân bất đắc ứng thi".

Thế là Phan dự khoa thi hương năm Canh Tý (1900) ở Trường Nghệ và đậu giải nguyên. Từ đây Phan có cái hư danh che mắt đời hoạt động cách mạng. Phan ra Bắc vào Nam liên kết với các nhà yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm (tức Tiểu La nguyễn Thành) Ðặng Nguyên Cẩn, Ngô Ðức Kế, Ðặng Thái Thân, Hồ Sĩ Kiện, Lê Huân, Nguyễn Quyền, Võ Hoành, Lê Ðại v.v... Năm 1904 cùng các đồng chí, Phan lập hội Duy Tân, chủ trương dùng vũ trang bạo động, nhờ ngoại viện đánh đuổi giặc Pháp, giành độc lập.

Năm 1905 Phan cùng Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc rồi sang Nhật, lúc này Nhật Bản đã chiến thắng Nga Hoàng. Sang Nhật, Phan gặp Lương Khải Siêu, nhờ Lương Khải Siêu giới thiệu mà gặp Khuyến Dưỡng Nghị, thủ tướng Nhật Bản, hôm gặp có cả Khuyến Dưỡng Nghị phu nhân, Bá tước Ðại Ôi và một số chính khách. Trong khi nói chuyện, phu nhân có đưa cái quạt nhờ Phan đề cho mấy chữ, Phan Bội Châu viết ngay: Tứ phương động, duy nễ chi hưu: nghĩa là gió tứ bể nổi dậy cũng là nhờ mày. Cử tọa đều ngợi khen và mọi người chú ý.

Lương Khải Siêu khuyên Phan nên dùng thơ văn tố cáo tội ác của thực dân Pháp với thế giới và kích động lòng yêu nước của mọi người. Thế là Phan viết hàng chục tác phẩm với lối văn có sức thuyết phục lớn, gửi về nước, làm cho lòng người kể cả các nho sĩ triều quan ai đọc cũng đều xúc động, nước mất nhà tan, căm hờn giặc Pháp. Nhiều người bỏ việc trốn ra nước ngoài hoạt động.

Nhiều chính khách Nhật Bản khuyên Phan đưa người sang du học. Năm 1906 Phan lại về nước, hô hào thanh niên du học và cùng Duy Tân hội vận động đưa Cường Ðể sang Nhật Bản làm hội chủ với chủ trương thành lập chế độ quân chủ lập hiến như ở Nhật Bản.

Từ 1905 đến 1908 phong trào Ðông du ở trong nước đưa sang Nhật khá sôi nổi, gần 200 thanh niên sang Nhật theo học đủ các ngành nghề, mọi người hết sức học tập lãnh hội kiến thức để về nước phục vụ cách mạng.

Nhưng chính phủ Pháp ở Ðông Dương dò biết được, liền cầu kết với chính phủ Nhật Bản giải tán tổ chức Ðông Du và trục xuất mọi người Việt Nam lại phải chạy sang Trung Hoa. Lúc này Cách mạng Trung Hoa cũng đang bị Chính phủ Mãn Thanh đàn áp. Phan Bội Châu lại phải chạy sang Xiêm (Thái Lan) cùng với một số đồng chí mở trại cày ở Bạn Thầm để xây dựng cơ sở.

Sau 1911 Cách mạng Tân Hợi do Tôn Văn lãnh đạo đánh đổ triều đình Mãn Thanh thành công, Phan Bội Châu trở lại Trung Quốc, giải tán hội Duy Tân, thành lập "Việt Nam quang phục hội" vào năm 1912 với mục đích đánh đuổi giặc Pháp, thành lập nước Cộng hòa dân quốc Việt Nam.

Hội tổ chức phái người về hoạt động, ngày 13/4/191 Phan Văn Tráng ném bom giết chết Tuần Vũ Nguyễn Duy Hàn ở Thái Bình. Ngày 16/4/1913 Nguyễn Khắc Cần, Nguyên Văn Túy ném tạc đạn vào khách sạn Hà Nội giết chết 2 sĩ quan Pháp. Pháp đàn áp dã man tháng 9/1913 Hội đồng đề hình xử 14 an chém trong đó xử vắng mặt Phan Bội Châu và Cường Ðể đứng đầu sổ.

Toàn quyền Pháp lại liên hệ với quân phiệt Trung Quốc là Long Tế Quang, Tổng đốc Quảng Châu, tay chân Viên Thế Khải phản bội lại cách mạng Trung Hoa bắt cụ Phan Bội Châu ngày 24/12/1913 và giam tại nhà ngục Quảng Châu. Do Long Tế Quang đòi Pháp với giá rất đắt, việc thương lượng giữa toàn quyền Pháp ở Ðông Dương với Long Tế Quang dây dưa, rồi tiếp đó Pháp lại gặp chiến tranh với Ðức, Âu chiến lần thứ 1, tập trung tiền và lực lượng vào cuộc chiến, Phan vẫn nằm trong nhà tù, cho đến năm 1917 Ðảng cách mệnh Tôn Văn đánh đổ Viên Thế Khải và bè lũ Long Tế Quang nên đã cứu Phan Bội Châu ra khỏi nhà ngục Quảng Châu.

Các hoạt động của Quang Phục hội vẫn tiến hành tháng 5/1916 cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân cùng Thái Phiên, Trần Cao Vân... nổ ra ở Huế. Tháng 8/1917 cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên do Lương Ngọc Quyết và Ðội Cấn chỉ huy đã gây cho Pháp nhiều tổn thất. Tuy thất bại nhưng cũng đã gây một tiếng vang trong mọi tầng lớp nhân dân. Ðặc biệt 8 giờ tối ngày 18/6/1924 tên toàn quyền Pháp Merlin đi công cán ở Nhật về đương dự tiệc tại Quảng Châu ở khách sạn Victoria đã bị Phạm Hồng Thái ném bom vào bàn ăn Merlin suýt chết, nhiều thượng khách khác đã toi mạng. Lính đuổi, Phạm Hồng Thái đã nhảy xuống sông Châu Giang tự tử. Tiếng bom Da diện đã làm chấn động chẳng những trong nước mà lan ra cả thế giới. Xác của Phạm Hồng Thái đã được chôn đối diện với 72 liệt sĩ của Hoàng Hoa Cương.

Tiếp đó, Phan Bội Châu lại cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành Việt Nam Quốc dân Ðảng theo Trung Quốc dân Ðảng của Tôn Trung Sơn.

Tháng 12/1924 Phan Bội Châu lại tiếp xúc với Nguyễn ái Quốc từ Nga Xô Viết sang làm bí thư trong đoàn cố vấn của Nga Xô Viết bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn ái Quốc trao đổi về cuộc cách mạng ở Nga theo đường lối xã hội chủ nghĩa, thì Phan tán thành và dự định sang năm sau (1925) sẽ cải tổ Việt Nam Quốc dân Ðảng theo đường lối tiến bộ nhất.

Nhưng không ngờ ngày 30/6/1925 trên đường từ Quảng Châu theo đường sắt về Thượng Hải để sẽ đi tàu thủy về Quảng Châu họp anh em, khi xuống tàu hỏa ở ga bắc Thượng Hải thì bị thực dân Pháp bắt cóc bế Phan lên ô tô, đóng sập cửa chở về Tô giới Pháp ở Thượng Hải, chúng muốn đấu kín với âm mưu ám muội thủ tiêu Phan, chúng đưa Phan xuống tàu binh đến Hương Cảng để chuyển sang tàu Ang Kor của hãng Messagerie Maritimess để đưa về Hải Phòng. Thấynguy hiểm lúc tàu chạy ra cửa Ngô Tùng, Phan ngồi trong buồng kín, nhìn qua cửa tò vò thấy thuyền đánh cá lố nhố trên mặt biển, Phan liền nghĩ cách mượn họ đưa tin, Phan lấy giấy viết đại khái nói mình là nhà cách mạng Việt Nam bị Pháp bắt trước ga Bắc Trạm nay dẫn đi đâu không rõ, ở cuối lại đề 3 bài thơ tuyệt mệnh - viết xong bỏ vào cái chai không, nút chặt kỹ lưỡng ném xuống biển. Một bọn thuyền chài vớt được, rồi đem đăng báo - Báo Cộng hòa ở Thượng Hải đăng bài ấy lên, làm xôn xao dư luận, các báo khác cùng hưởng ứng và chỉ trích nhà đương cục Tàu để người ngoài xâm phạm đến lãnh thổ mình. Pháp muốn dấu kín, đưa Phan lên Hải Phòng rồi đưa về nhà pha Hỏa Lò Hà Nội với cái tên Lê Văn Ðức,nhưng tờ báo Le courier de Hải Phòng đã đăng tin này, và từ nhà pha Hỏa Lò với các bài thơ câu đối lọt ra ngoài thì người ta biết tên Lê Văn Ðức mới bị bắt ở tàu về chính là Phan Bội Châu. Thế là một phong trào phản đối được nổi bùng lên trong toàn quốc, báo chí, truyền đơn, biểu tình, bãi khóa, viết đơn tố cáo tận Chính phủ Pháp, Nghị viện Pháp, tổ chức nhân quyền ở Pháp cả sang Chính phủ Trung Quốc để Pháp bắt một chí sĩ cách mạng trên đất nước mình, gây một phong trào quần chúng đòi phải thả Phan Bội Châu, làm cho bọn thống trị Pháp ở Ðông Dương và chính phủ Pháp phải lo sựo.

Ngày 23/11/1925 Toà án đề hình Pháp tại Hà Nội đã mở phiên toà do tên Bride chủ tọa để xử án cụ Phan Bội Châu, do ông Bùi Ðăng Ðoàn làm phiên dịch, hai trạng sư Bonard và Larre được cử ra để cãi cho Phan Bội Châu. Hôm ấy, người đi xem đông như kiến, sinh viên các trường cao đẳng cũng trốn ra đi xem, lính Tây, cảnh sát đứng đầy ra cả mặt đường để giữ trật tự, qua bản cáo trạng của Công tố viên và Toà án đã hỏi vặn cụ về các việc đã xảy ra: Sang Tàu sang Nhật, các vụ giết Nguyễn Duy Hàn, 2 sĩ quan Pháp... cụ Phan đã bác bỏ mọi lời buộc tội, không hề có tý gì tránh né trách nhiệm. Trái lại cụ đã nêu lên một bản cáo trạng hùng hồn, phơi bày tội ác của giặc Pháp thay cho tiếng nói của 25 triệu đồng bào, ai nghe cũng hả dạ. Hai trạng sư biện hộ cho cụ Phan cũng rất xứng đáng, cuối cùng họ kết luận: "cụ Phan Bội Châu là một nhà yêu nước, thuần khiết nhất giữa những người yêu nước thuần khiết nhất". Cụ Phan đứng dậy chào hai luật sư Pháp, họ cũng kính cẩn chào lại. Công chúng nghe hả dạ hoan nghênh. Thế nhưng Tòa án vẫn tuyên án cụ là "Khổ sai chung thân" mọi người phẫn nộ - Tú Khắc (người Nam Ðịnh) chạy lên vành móng ngựa xin chịu thay cho Phan Bội Châu, nhưng bị lính cảnh sát lôi ra.

Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục, từ Nam chí Bắc đều nhao nhao phản đối, yêu cầu trả lại tự do cho Phan Bội Châu. Cuối năm 1925, chính phủ Pháp phải bổ nhiệm tên Varenne, một đảng viên đảng xã hội Pháp, đã bỏ Ðảng, sang làm Toàn quyền, các cuộc biểu tình, áp phích, báo chí, lại sôi động, đòi hỏi tên Toàn quyền mới ân xá cho Phan Bội Châu. Cuối cùng thì ngày 24/12/1925, toàn quyền Varenne phải ký lệnh ân xá cho Phan Bội Châu và đưa về giam lỏng ở Huế.

Về Huế, cụ Phan được giao cho ở nhà Nguyễn Bá Trác, một tên đã từng Ðông du theo cụ Phan sau về đầu thú, viết báo Nam Phong, rồi làm thị lang Bộ học của Nam Triều, đồng bào và các nhà yêu nước sợ cụ ở đó nguy hiểm, nên tìm cách đưa cụ ra ở nơi khác. Chúng chuyển cụ ra ở một đồng hương Nghệ Tĩnh, làm Tham tá Tòa Sứ Thừa Thiên ở Chợ Cống, nhưng vẫn không an tâm, anh êm trí thức bèn bàn với nhà sư trụ trì chùa Phổ Quang ở dốc Bến Ngự, mượn gian nhà khách ở sát cổng để cụ ở. Về sau được nhân dân gửi tiền ủng hộ, nhất là ở Nam Kỳ, luật sư Phan Văn Trường chủ bút tờ báo La cloche félée chủ động tổ chức lạc quyên được trên 2000 đồng bạc Ðông Dương giúp cụ, bạn bè bèn mua một miếng đất và làm một cái nhà tranh ở dốc Bến Ngự, chuyển cụ từ chùa Phổ Quang về ở ngôi nhà này mãi đến sau này.

Tuy vậy bọn mật thám vẫn bố trí một mạng lưới luôn luôn theo dõi cụ kể cả những người ra vào nơi cụ ở. Lòng ái quốc của cụ vẫn không nguôi, cụ viết sách, viết tài liệu về sau viết đăng báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, để thức tỉnh lòng yêu nước của mọi người. Năm 1926 cụ tới diễn thuyết tại trường Quốc học Huế và trường nữ học Ðông Khánh. Cụ không được đi đâu xa, mặc dầu rất nhiều nơi, anh em trí thức muốn mời cụ đến chơi. Có lần, nhân bọn Pháp tổ chức hội chợ ở Hà Nội, anh em sinh viên mời cụ ra Bắc để được đón tiếp, nhưng xe cụ đi đến Thanh Hóa thì bị chúng gữi lại bắt phải trở về Huế, không cho đi ra Hà Nội.

Ðời sống của Cụ ở Bến Ngự cũng rất chật vật, những người có thiện chí ủng hộ tiền cho cụ cũng đều bị mật thám theo dõi gây khó khăn, nên cụ cũng nêu không nên phiền hà đồng bào. Gia đình cụ phải xay lúa giã gạo làm hàng xáo chạy chợ, phải mua lúa gạo hẩm về xay giã ăn với rau, cà trồng trong vườn. Thỉnh thoảng có khách đến, mới phải mua một đĩa thịt hoặc một quả trứng để đãi khách. Tuy chỉ cơm rau nhưng cụ vẫn theo dõi thời cuộc, nhất là những năm 1930-1931 phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng nổ, cụ rất xúc động các chiến sĩ cộng sản hy sinh, cụ viết báo làm thơ nêu cao ý chí anh hùng của các chiến sĩ cách mạng.

Cụ mời đồng chí Phan Ðăng Lưu, thường vụ xứ uỷ Trung Kỳ về ở nhà cụ, một việc làm đáng xúc động là khi đồng chí Nguyễn Chí Diễu, uỷ viên Trung ương Ðảng Cộng sản, phụ trách xứ uỷ Trung Kỳ mất ngày 12/9/1939, mật thám ra lệnh bắt đồng chí Nguyễn Chí Diễu phải chôn một nơi do chúng quy định. Các đồng chí xứ uỷ lại muốn chôn một nơi thuận tiện cho đồng chí và đồng bào đến thăm. Mật thám ra lệnh phải chôn ngay, cuộc đấu tranh đương gay go cấp bách, đồng chí Phan Ðăng Lưu đem chuyện đó nói với cụ, cụ liền bảo với giọng sốt sắng "Rứa thì đem mai táng ông Diễu ngay giữa nghĩa địa của tôi ở Nam Giao đi, có gì rắc rối tôi chịu" thế là đồng chí Phan Ðăng Lưu thực hiện ý định của Cụ. Sau đám tang đồng chí Diễu (16/9/1939), trùm mật thám Sogny đến hỏi cụ một cách xấc láo "Ông lập nghĩa trang ở Nam Giao để sau này chôn cất những đồng chí, đồng sự của ông? Nguyễn Chí Diễu có phải là đồng chí đồng sự của ông không? "Cụ Phan hỏi lại Sogny" Chính phủ bảo hộ hiểu chủ nghĩa Phan Bội Châu như thế nào? mà hỏi Nguyễn Chí Diễu phải hay không phải đồng chí đồng sự của tôi" Sogny phải trả lời "Nguyễn Chí Diễu là cộng sản, còn ông là người Dân tộc chủ nghĩa". Ðể trả thù nó đã ra lệnh cho Tri huyện Hương Thủy lên khu mộ Nam Giao đạp đổ tấm bia" Ước quý nghĩa địa" do chính tay cụ viết từ 1934. Hành động này làm cụ rất ghê tởm uất ức. Căn bệnh tiễn huyết lại tái phát, sức cụ kiệt dần, ăn uống lại kham khổ, tuy cụ Hùnh Thúc Kháng và anh em trong báo Tiếng dân giúp đỡ. Nhưng cụ biết gần đến ngày chết, cụ không muốn ăn cơm, không muốn uống thuốc để cho mau chết. Cụ cho đào một cái huyệt sâu ngay trước nhà, trát xi măng đậy nắp sẵn, dặn sau khi chết để thi hài xuống đó, lấp đất bằng, để trên làm đất trồng rau. Khi sống cụ nói không làm gì cho tổ quốc đồng bào, thì khi chết đừng đắp nấm choán đất, để đất trồng hoa màu có ích cho người còn sống.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng có làm bìa văn tế sẵn đọc cụ nghe. Cụ có bài thơ tỏ nỗi tâm sự cụ trong những này kết liễu đời đau khổ. Cụ để lại một bài tạ tội với Quốc dân và mong Quốc dân đồng tâm hợp lực cứu nước.

Cụ mất đêm 29 tháng 10 năm 1940 tức ngày 29 tháng 9 âm lịch hưởng thọ 74 tuổi.

Cụ mất lúc này bên Pháp đang bị Ðức tấn công, ở Ðông Dương quân Nhật đương đổ bộ vào Ðông Dương. Bọn Pháp sợ xảy những cuộc biểu tình truy điệu như hồi cụ Phan Chu Trinh, nên mượn cớ chiến tranh ra lệnh chôn cất cụ Phan cho sớm, chúng canh phòng cần mật.

Những người còn sống không theo lời cụ dặn, vẫn khâm liệm, mua áo quan chôn cất cụ theo thường lệ. Khách có mặt hôm chôn cất, ngoài gia đình cụ ở Huế thì có cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, anh em báo Tiếng dân, ông Trần Ðình Nam ở Ðà Nẵng, Bà Lê Thị Ngọc Sương ở Quảng Ngãi, còn toàn là mật thám và quan thầy người Pháp của chúng. Hôm ấy trời lại mưa như thác đổ, phải có người nhảy xuống huyệt múc nước để đổ lên, nhưng huyệt sâu, nước lại chảy xuống, phải 4 người đứng lên đè nắp quan tài mới đổ đất xuống được. Ngày vĩnh biệt của một nhà chí sĩ suốt đời vì Tổ quốc gặp phải một hoàn cảnh hẩm hiu không làm lễ quốc tang được như mọi người ngưỡng mộ - Cụ có 2 con là Phan Nghi Huynh và Phan Huy Ðệ và một người con gái lấy Vương Thúc Oánh.

Về tác phẩm của cụ Phan Bội Châu rất nhiều, đến nay nhiều học giả vẫn tiếp tục sưu tầm. Sau đây xin thống kê một số tác phẩm:

1- Lưu cầu huyết lệ tân thư

2- Việt Nam vong quốc sử

3- Ký niệm lục

4- Khuyến quốc dân du học ca

5- Hải ngoại huyết thư

6- Hải ngoại huyết thư tục biên

7- Việt Nam quốc sử khảo

8- Ngục trung thư

9- Dĩ cửu niên lai sở trì chủ nghĩa

10 - Hà thành liệt sĩ

11- Truyện Lê Thái Tổ

12- Tuồng Trưng nữ vương

13- Lời gia huấn

14- Giác quần thư

15- Nam quốc dân tu tri

16- Nữ quốc dân tu tri

17- Truyện Chân tướng quân

18- Thiên hồ đế hồ

19- Truyện tái sinh sinh

20- Truyện Phạm Hồng Thái

21- Trùng quang tâm sử

22- Cao đẳng quốc dân

23- Vấn đề phụ nữ

24- Luận lý vấn đáp

25- Xã hội chủ nghĩa

26- Vấn đề giáo dục, công dụng và giá trị

27- Phan Bội Châu niên biểu

28- Khổng học đăng

29- Chu dịch

30- Sào nam văn tập.

Ngoài ra còn nhiều thơ, văn, điếu văn, truyện, ký, câu đối, các bài đăng báo v.v... mà đến nay còn phải tiếp tục sưu tập.


PHAN CHU TRINH
(1872 - 1926)
chí sĩ yêu nước

Phan Chu Trinh tự là Tử Cán, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã, quê ở làng Tây Lộc, huyện Hà Ðông, tỉnh Quảng Nam, nay là thôn Tây Hồ xã Nam Phước, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Sinh năm 1872, mẹ là Lê Thị Trung, người làng Phú Lâm xã Tiên Sơn huyện Tiên Phước, cha là Phan Văn Bình, vốn là học trò thi về sau lập công làm võ nghiệp được phong làm Quản cơ Sơn phòng đã theo Nguyễn Hiệu khởi nghĩa chống Pháp, lúc đầu thu được nhiều thắng lợi, về sau lúc Nguyễn Thân và quân Pháp tấn công mạnh thì một số cơ hội ác bá trong hàng ngũ xoay chiều tìm cách ám hại ông (1887). Sự kiện đó gây cho Phan Chu Trinh một ấn tượng sâu sắc sau này.

Phan Chu Trinh lúc nhỏ học vỡ lòng với mẹ, 8 tuổi mẹ mất, năm sau học với thầy đồ trong làng nhưng chỉ ham chơi, câu cá, bẫy chim, cha phải đem theo để học võ. Sau cơn loạn lạc ông học lại, nhưng lần này ông học rất chăm và tiến bộ nhanh chóng, được cử đi học vào trường tỉnh rồi vào trường Giám ở Huế do ông Trần Ðình Phong(a) làm Tế tửu, học cùng bạn với các ông Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Ðình Hiến, là những người học giỏi gọi là tứ kiệt. Phan là một người giỏi biện luận, có việc gì xích mích trong trường Phan đều giải quyết ổn thỏa.

Khoa Canh tý (1900) Phan Chu Trinh thi Hương trường Thừa Thiên đỗ cử nhân thứ 3, Huỳnh Thúc Kháng đỗ thủ khoa. Nguyễn Ðình Hiến đỗ thứ 2, Trần Quý Cáp đỗ tú tài. Năm sau (1901) thi hội Phan Chu Trinh đỗ phó bảng, còn Huỳnh và Nguyễn, hỏng đến khoa 1904 Huỳnh Thúc Kháng mới đỗ đầu, Trần Quý Cáp đỗ thứ 2.

Sau khi đậu Phan Chu Trinh được bổ sung làm Tham biện bộ lễ, tuy làm quan ở bộ nhưng qua những nhạn thức Phan không có ảo vọng gì về triều đình quan lại. Năm 1903 trong bài thơ về tết, Phan nói: nước cũ chỉ còn ngày tết tốt, thân này thầy lụy mấy đồng hương... hoặc mượn cảnh hát bội mà viết: Ba lão kép già ngồi vếch mỏ, mấy thằng hiệu đói đứng khoanh tay....

Phan Chu Trinh lần đầu gặp Phan Bội Châu ở Huế, rất phục chí khí và đảm lược của Phan Bội Châu, nhưng không tán thành chủ trương duy trì chế độ nền quân chủ quan liệu cho là lỗi thời, phản quyền lợi của nhân dân. Sau năm 1904 Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp bàn nhau cáo quan và lo việc cứu dân, cứu nước. Ðể tìm hiểu tình hình, tháng 2 năm 1905 ba ông quyết định đi về phía nam lúc này phong trào còn lắng xuống, đến Bình Ðịnh nhân gặp kỳ khảo sát hàng năm cho học sinh, 3 ông lẻn vào thi, lấy tên là Ðào Mộng Giác, mượn đàu đề thi thơ "Chi thành thông thánh" (Lòng thành thông đạo thánh) do Phan Chu Trinh làm, đầu đề phú là "Lương Ngọc danh sơn" (Cầu ngọc ở danh sơn) do Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm. Các ông mượn đề thi mà nói lên cảnh đất nước, cứ mê say trong giấc mộng cử nghiệp thì biết bao giờ tháo cũi sổ lồng... Ðến Cam Ranh thấy 2 chiếc tàu Nga hoàng đậu trong vịnh, 3 ông giả làm người bán thức ăn, thuê thuyền ra xem thấy rõ là ta còn cách xa nền văn minh Âu Mỹ. Ði đến Phan Thiết, Phan Chu Trinh bị ốm phải nằm lại đó dưỡng bệnh trong mấy tháng, hai ông Huỳnh, Trần lại tiếp tục vào Nam. ở Phan Thiết, Phan Chu Trinh bàn với anh em ông Nguyễn Trọng Lợi (con cụ Nguyễn Thông) về việc mở trường học, hội buôn công ty nước mắm, xưởng dệt... Trong đó có Trường Dục Thanh (mà sau này Nguyễn Tất Thành, tức cụ Hồ làm giáo viên) và công ty Liên Thành.

Sau cuộc Nam du này, ba ông bàn với nhau là muốn cứu nước, cần mở một cuộc vận động duy tân rộng khắp trong nhân dân, mong kết quả lâu dài, không nên nôn nóng bạo động. Phan Chu Trinh là người cầm đầu có nhiệm vụ liên lạc với nhà cầm quyền và các tỉnh khác, còn Huỳnh và Trần lo việc xúc tiến công việc trong tỉnh. Phan Chu Trinh là người cầm đầu có nhiệm vụ liên lạc với nhà cầm quyền và các tỉnh khác, còn Huỳnh và Trần lo việc xúc tiến công việc trong tỉnh. Phan Chu Trinh ra Hà Nội, gặp nhóm sĩ phu ở Bắc, có lên thăm Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, vào Hà Tĩnh gặp Ngô Ðức Kế - Lúc về Quảng Nam ông có nói với Huỳnh Thúc Kháng là Hoàng Hoa Thám, một người quả cảm, bền gan, giỏi dùng binh, nhưng không nhìn xa thấy rộng, cứ cát cứ một vùng nhỏ như thế rồi trước sau cũng bị tiêu diệt.

Năm 1906, Phan Chu Trinh bí mật xuống Hải Phòng, đáp tàu sang Quảng Ðông gặp Phan Bội Châu rồi cùng sang Nhật. Phan Chu Trinh ở Nhật vài tháng rồi xem xét công cuộc Duy Tân ở Nhật Bản, rồi trao đổi bàn bạc với Phan Bội Châu. Phan Chu Trinh tán thành đưa thanh niên du học nước ngoài, nhưng kiên quyết bác bỏ chủ trương duy trì nền quân chủ, phương pháp bạo động vũ trang và việc mưu cầu ngoại viện. Phan Bội Châu thì tán thành việc khai dân trí, nhưng không tán thành nhân nhượng với Pháp, đề xướng dân chủ. Tuy vậy 2 cụ Phan đều thống nhất đánh đuổi giặc Pháp và bàn bảo vệ kín đáo công việc của nhau.

Về nước ngày 15/8/1906 Phan Chu Trinh gửi cho toàn quyền Beau một bức thư lời lẽ thống thiết, tố cáo tệ quan lại hà hiếp bóc lột nhân dân. Chính phủ lại dung túng, khinh rẻ sĩ phu, gia tăng thuế khóa khiến cho Chính phủ và nhân dân không thông, tình thế hết sức nguy hiểm, cần phải cải lương chính sách bảo hộ. Về Quảng Nam, Phan gặp tên Công sứ hỏi "Quan Tòa quyền có chỉ thị cho các công sứ và các quan lại địa phương mở trường học mà sao không thi hành?" Tên Công sứ đáp "Không có tiền" Phan bèn hỏi: "nếu nhân dân tự mở trường thì sao" Tên công sứ không dự đoán được hậu quả nên đáp: "Nếu dân chúng muốn học thì cứ mở trường mà học. Nếu họ không làm thế thì không việc gì đến tôi". Thế là Phan Chu Trinh có cơ hội đi diễn thuyết để vận động mở trường, 40 trường dân lập đã mở. Riêng làng Phú Lâm quê ngoại Phan đã có một trường dạy hơn 100 em con nhà nghèo cấp cho giấy bút, 3 giáo viên dạy đủ chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán. Nửa đầu 1907 với hoạt động của Phan, các tổ chức nông hội, thương hội, xưởng dệt, lớp học mọc lên như nấm, qua vận động đồng bào đua nhau hớt tóc ngắn, mặc áo cụt, vải nội, học võ ta, bỏ rượu chè, giảm xôi, thịt, cúng bái. Các nhà khoa bảng viết rất nhiều thơ ca, ca dao, câu hát hò khoan, hát đối đáp v.v... cổ động dân chúng cải cách Duy Tân. Riêng Phan đã viết: Tỉnh quốc hồn ca và một số bài ca giáo huấn, khẩu hiệu của phong trào bấy giờ là: "Chấn dân Khí, Khai dân Khí, hậu dân Sinh". Chấn dân khí là nói lên lòng yêu nước tự lực tự cường, đoàn kết chống áp bức bóc lột nhũng lãm, hô hào cắt tóc ngắn, cắt móng tay, bỏ hương ẩm rượu chè cờ bạc... khai dân trí, tổ chức học hiệu mới, bỏ lối học văn cử nghiệp chống mê tín dị đoan. Hậu dân sinh là phải học nghề nghiệp mở xưởng dệt, trồng bông nuôi tằm, lập nông đoàn để hợp sức làm ăn, khai hoang tiết kiệm, góp vốn mở hãng buôn, xưởng thợ, giành dựt lại quyền lợi trong tay Hoa Kiều, phong trào ở Quảng Nam hưởng ứng Duy Tân rất rầm rộ.

Tháng 8 năm 1907 Phan Chu Trinh được Ðông kinh nghĩa thục mời ra diễn giảng ở Hà Nội. Nguyên khi ở Nhật về, Phan Chu Trinh có gặp cụ Lương Văn Can cần mở một trường Nghĩa thục như Khánh ứng nghĩa thục ở Nhật để khai dân trí đào tạo lâu dài. Phan Chu Trinh là người diễn thuyết hay nhất, hấp dẫn nhất. Phan đề ra cắt tóc ngắn đi "để cho xuẩn xuẩn vi trùng không còn đất thực dân trên đầu mà hút máu ta nữa!" đề ra duy tân tự cường chấn hưng công thương nghiệp, bỏ lối học văn cử từ chương... thế là các sĩ phu và nhiều người cắt bỏ búi tóc củ hành, mặc đồ nội hóa... lan từ Hà Nội, Quảng Nam ra khắp tỉnh. Thấy Ðông Kinh nghĩa thục mang tính chất chính trị, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa, đầu năm 1908 Thống sứ Bắc Kỳ ra lệnh thu giấy phép, cấm hoạt động, Phan Chu Trinh còn ở Hà Nội - Tháng 3/1908 ở Quảng Nam lại nổi lên phong trào quân chúng xin xâu khá sôi nổi bắt Tri phủ Ðiện bàn kéo lên trả quan tỉnh, đuổi đề đốc Tuệ ở Tam Kỳ, vây bắt lãnh binh Ðiềm ở Hòa Vang, biểu tình vây nhiều phủ, huyện đường, mấy ngày đêm trên tỉnh ngồi trước Tòa sứ, xin bỏ xâu chống thuế. Nam Triều là khâm sứ Huế vu cho Phan Chu Trinh là chủ mưu cầm đầu phong trào này liền điện ra Hà Nội bắt Phan Chu Trinh giải về Huế hỏi tội. Trước hội đồng viện cơ mật và Khâm sứ Pháp hỏi tội Phan Chu Trinh, ông đã phản kích lại: "Các ngài ngồi trên đầudân, ăn lộc nước, lộc ấy không phải là máu mủ của dân sao? Thế mà cứ ngồi yên ăn lịt, không lo vì dân mở mang kinh tế, lo việc công lợi, để cho nó vô cùng sở xuất, không biết lấy gì nộp mà rủ nhau làm hạ sách như thế, là lỗi tại các ngài, các ngài đã không biết tội thì chớ, lại đổ cho người khác sao?". Bọn chúng cứng họng nhưng vẫn viện cớ vu vơ, kết án: "Trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên" (chém nhưng giam lại, đầy 3 ngàn dặm, gặp ân xã cũng không cho về). Tháng 4/1908 Phan Chu Trinh bị đày ra Côn Ðảo. Vài tháng sau các thân sĩ yêu nước khắp Trung Bắc Kỳ cũng lần lượt đầy ra Côn Ðảo trong đó có cả Huỳnh Thúc Kháng. Ngô Ðức Kế, Ðặng Nguyên Cẩn... qua các đồng chí bị đầy Phan Chu Trinh biết rõ tình tiết các vụ xin xâu chống thuế và các thủ đoạn đàn áp dã man của bọn thống trị thực dân. Huỳnh Thúc Kháng lại xoay xở, sao được bản án - Phan Chu Trinh dùng tài liệu lập một bản điều trần tố cáo những hành vi bạo ngược của bọn quan Pháp ở Ðông Dương gửi cho liên minh nhân quyền can thiệp với chính phủ và Nghị viện Pháp cải cách đừng để đến nỗi dân đói quá, bồng con, dắt cha già, tay không, xin giảm thuế mà nhà cầm quyền Pháp lại ra lệnh bắn giết những người vô tội này, lại còn vu tội chém giết tù đầy các nhân sĩ, phá trường học, bắt thày giáo, phá huỷ hội buôn... Trước mắt yêu cầu phóng thích những người bị tù đầy...

Bức thư dịch ra tiếng Pháp, quốc ngữ gây dư luận cho công chúng và Hạ Nghị viện Pháp đã chú ý đến các chính trị phạm đã kết án, do đó họ được giảm án từ từ 1913 lần lượt đến 1921 thì những người bị xử đầy chung thân cũng lần lượt được về quê hương phục hồi học vị.

Nhờ có sự vận động của liên minh nhân quyền và ông Jaurès trên đất Pháp, tháng 6/1910 Phan Chu Trinh được phóng thích, nhưng phải quản thúc ở Mỹ Tho. Phan biết ở ta thì không hoạt động được gì, nên khi sắp được tha, ông nói với Huỳnh Thúc Kháng là sẽ sang Pháp rồi tùy tình thế mà hạ con cờ. Quản thúc ở Mỹ Tho, ông phản đối và xin sang Pháp. Kết quả tháng 3/1991 ông cùng cậu con trái Phan Văn Dật 14 tuổi, đáp tàu đi Pháp.

Sang Pháp lúc đến Pari ông liên lạc với liên minh nhân quyền và tìm gặp nhiều nhân vật trong Ðảng xã hội, Bộ thuộc địa và giao thiệp với các báo thời đại (Le Temps), Nhật báo (Lejournal), ông viết Ðông dương chính trị luận, nêu lên những tệ hại của bọn quan lại Pháp Nam, nhất là vụ xin thuế 1908 và phê bình chính sách Pháp ở Ðông dương.

Sau những vụ bom nổ ở khách sạn Hà Nội làm chết 2 sĩ quan Pháp, rồi vụ Khâm sứ Pháp đào lăng Tự Ðức để tìm vàng, Phan đã viết báo nêu lên đó là tất yếu của chính sách Pháp ở Ðông Dương, nếu không thay đổi chính sách thì hậu quả không lường được. Phan Chu Trinh đã quan hệ với luật sư Phan Văn Trường, dịch ra tiếng Pháp và giúp đỡ về sinh hoạt, giao dịch - Phan Chu Trinh và Phan Vưan Trường bàn nhau lập hội "đồng bào thân ái" trong Việt Kiều. Năm 1913 Phan Chu Trinh có giao thiệp với Nguyễn Tất Thành qua thư từ, lúc này Phan Chu Trinh viết "Giai nhân kỳ ngộ" và "Pháp Việt hiệp hậu chi tân Việt Nam". Qua quá trình giao thiệp, Phan lại quen biết với một số người Pháp tiến bộ có cảm tình như ông Jules Roux, Marius Moutet và gặp lại nhà báo Babut quen từ lúc viết báo ở Việt Nam.

Mùa hè 1914, đại chiến thế giới I bùng nổ, Pháp tham chiến đánh Ðức, Phan Chu Trinh bị chính quyền Pháp bắt đi lính, Phan Chu Trinh phản đối vì luật pháp không bắt người dân xứ thuộc địa đi lính - Không ép được, chúng bèn vu cho ông thông đồng với Ðức và bắt ông giam vào nhà ngục Santé, chúng khám xét lục soát quần áo, đứa thì ôm vật, đứa thì tát tai, ông bị chúng giam cầm vô cùng khắc khổ- Trong lúc bị giam ông tìm cách liên hệ được với thiếu tá Roux, và viết thư, đơn đưa cho con bảo giao cho liên minh nhân quyền và Ðảng xã hội.

Thời gian ở ngục ông viết "Xăng Tề thi tập". Ông được Jiles Roux và các ông Marius Moutet ủng hộ, và cũng không đủ chứng cớ gì nên sau 11 tháng ông được phóng thích. Ra khỏi tù ông bị cắt trợ cấp, con bị cắt học bổng, đời sống vô cùng khó khăn, ở quê nhà (1914) bà Phan qua đời. Ông phải về các tỉnh tìm mọi cách kiếm sống, câu cá, làm thuê, rửa ảnh, rồi về Pari, rồi lại đi Pons ở phía Tây nam gần Toulouse, tiếp tục học nghề chữa ảnh, rửa ảnh, dần đời sống ổn định tự mở nghề chụp ảnh thu nhập.

Ðầu năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Luân Ðôn trở về Pháp cùng học nghề ảnh với Phan Chu Trinh, nhưng Nguyễn Tất Thành lại đặc trách lập hội "Người An Nam yêu nước".

Năm 1918, Ðức bại trận - Phan Văn Trường giải ngũ về lại gian nhà số 6 Villa des gobelins ở Paris, Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành cũng về đây. Năm 1919, Phan Văn Dật, con Phan Chu Trinh bị lao ruột, ông phải cho về nước, năm 1921, thì anh Dật mất.

Tháng 6/1919, cuộc Âu chiến kết thúc, các nước thắng trận và bại trận gồm 26 nước họp ở Versailles, có một số nước thuộc địa tham dự, 3 ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Tất Thành bàn nhau viết một bản yêu cầu do Nguyễn Tất Thành đề xuất gồm 8 điểm gửi hội nghị Versailles, đòi các quyền tự do cho đất nước, đòi giải phóng đại xá tù chính trị, đòi mở trường dạy nghề và kỹ thuật cho các tỉnh v.v... bản yêu cầu viết bằng 3 thứ tiếng, Pháp, Việt, Hán gửi cho các đại biểu Varsailles dưới ký tên Nguyễn ái Quốc, đồng thời đăng báo, in truyền đơn, bản quốc ngữ làm thành thơ gửi cho người Việt trong binh lính, Việt Kiều và gửi cả trong nước, gây cho bọn cầm quyền Pháp .... lo sợ trước làn sóng dư luận của nhân dân Pháp ở Ðông Dương. Bọn mật thám theo dõi 3 ông ở Paris gồm các ông là 3 tay phiến loạn.

Năm 1922, Pháp tuy chiến thắng nhưng cũng kì quệ, bèn bày trò đấu xảo ở Marseilles để tăng cường bòn rút thuộc địa. Chúng đưa Khải Ðịnh sang bày trò một tên vua thuộc địa hoan hỉ phục tùng. Phan Chu Trinh lúc này ở Marseilles, chụp ảnh, thấy Khải Ðịnh bày nhiều trò lố lăng như thiết triều thần tuỳ tùng quỳ lạy chúc hô vạn tuế, mừng vua qua 3 biển bình yên, .... Phan Chu Trinh thấy rất tức giận, bèn viết một bức thư dài ngày 15/7/1922 chửi vua thậm tệ, nêu Khải Ðịnh tội đáng chém, đại ý: 1, Tôn quyền vua, 2 - Thuở phạt không đúng, 3- Yêu chuộng lạy quỳ: vua không phải là trời, quan và dân không phải đày tớ, ga xe hỏa không phải là chỗ triều đình, bến tàu không phải là nơi đường bệ, bắt mọi người nhận mũ áo xuống bùn, coi loài người như trâu, ngựa... 4- Xài phí xa xỉ. 5- ăn mặc lố lăng. 6- ?n chơi vô độ, 7- Ði Pháp có mục đích không minh bạch. Bức thư thất điều được dịch tiếng Pháp và đăng các báo lớn, làm cho dư luận sôi nổi.

Năm 1924, tháng 6, Phạm Hồng Thái ném bom mạt sát toàn quyền Merlin ở Sa Diện, gây một dư luận xôn xao ở Pháp và quốc tế, cánh tả trong Hạ nghị viện Pháp chiếm đa số đưa vấn đề Ðông Dương ra bàn, thấy bọn thực dân cực đoan làm quá trớn, nay cần nới tay xoa dịu. Nhờ đó mà Phan Chu Trinh được phép về nước.

Sau 15 năm lưu vong, tháng 6/125, Phan Chu Trinh về đến Sài Gòn, hàng ngàn người ra đón nhất là đám học sinh, Phan Chu Trinh ở nhà số 54 phố Pellerins do ông Phan Ðình Ðiền cho mượn. Ông được các nhân sĩ trí thức và nhiều người trong nhân dân thăm viếng và giúp đỡ, trong đó ông gặp lại Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Huân từ Côn Ðảo về, và Phan Văn Trường cũng từ Pháp về trước ở Sài Gòn. Tháng 11/1925 Phan Chu Trinh đã 2 lần đến diễn thuyết tại nhà "Hội Việt Nam", nêu lên lòng yêu nước thực hiện lối dân trị theo kiểu Dân chủ tư sản. Ông Ðịnh ra thăm Phan Bội Châu ở Huế, nhưng từ tháng 12/1925 ông bị bệnh nặng, 2 bác sĩ cứu chữa nhưng không thể cứu vãn được, ông mất lúc 11h 30' ngày 24/3/1926 hưởng thọ 54 tuổi. Một hội đồng tang lễ gồm 15 người trong đó có Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu, đồng bào khắp nơi đến viếng không ngớt, khắp 3 kỳ dấy lên một phong trào truy điệu Phan Chu Trinh từ thành thị đến thông quê, các trường học, khởi dậy một lòng yêu nước ngưỡng mộ nhà chí sĩ Phan Chu Trinh làm cho bọn Pháp rất lo sợ đối phó. Ðám tang khởi hành ngày 4/4/1926, hàng vạn người đưa đám, bọn cầm quyền Pháp và mật thám rất tức tối mà không đàn áp được, số tiền phúng viếng lên 16.000 đồng. Ban tang lễ và gia đình quyết định dùng tiền ấy làm nhà thờ và xây lăng mộ để mọi người chiêm bái và viếng thăm.

Nghe tin Phan Chu Trinh mất, cụ Phan Bội Châu ở Bến ngự có làm một bài văn tế nêu lên ý chí, kiên cường, dũng cảm, không chịu khuất phục của một nhà chí sĩ yêu nước, đọc lên ai cũng vừa tức tối vừa căm thù đối với bọn cướp nước và bọn bán nước cầu vinh, nhiều cuộc lễ truy điệu đã lấy bài đó đọc lên để cổ xuý nhân tâm.

Xin trích một vài đoạn để nói lên hình ảnh ấy.

"... Cây Tần học dặn dò đường tự chủ, Lư thoa, Mạnh Ðức, so sánh người xưa. Mượn Ðông du thăm hỏi bạn đồng tâm, Hương cảng, Hoành tân, lỏi len đường lối.
- Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cầm quyền trong gió cũng gai ghê.
Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm sáng chói.
...
Nào hay: trời đã éo le, người càng quỷ quái.
Chứa chan máu quốc, nước vẫn vơ hồn - Xao xác tiếng gà, trời mờ mịt tối.
Trường nô lệ xung quanh là rắn rết, văn cứu thời khen khéo dây oan
ổ dã man ngan ngát những hùm heo, miệng ái quốc hóa nên buộc tội.
Thành Hà Nội ùn ùn mây ác độc, nào kẻ lánh mình, nào người chống thuế, chữ âm mưu tô vẽ đủ trăm đường.
- Ðảo Côn Lôn rực rưcl lửa oan cừu, thấy người yêu nước, thấy kẻ thương dân, tơ xướng loạn dệt thêu ra một mối.
- Sương đơn gió kép, giữa hội mịt mù, mưa dập sóng dồn, xót ông chìm nổi.
- Thân Mậu Tuất, bấy nhiêu năm tân khổ, khi đào cây, khi lượm đá, giữa bề trần gió bụi cũng thung dung. Ðặng Hoàng Ngô, ba bốn bác làm hàn huyên, khi uống rượu, khi ngâm thơ, ngoài cửa ngục lầm than mà khảng khái.
...
- án tái phạm vì lời thông Ðức, dạ sắt vàng thêm thử lại thêm bền.
- Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm sét chẳng kinh cùng chẳng hãi.
...
Anh em ta: Ðất rẽ đôi đường. Tình chung một khối.
- Gảnh tổn vong ai cũng nặng nề. Nghĩa chung thủy lòng càng bối rối.
- Sóng gió một con thuyền chung chạ, mái chèo đương lúc cheo leo.
Mây mù muôn dặm lúc xa khơi, dấu ngựa nhờ ai dong ruổi...

Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh tổ chức khắp nhiều nơi đất nước, nhất là ở các trường học, để lại cho sinh viên, học sinh một nỗi xúc động vừa tiếc thương nhà chí sĩ yêu nước, vừa căm thù bọn thực dân đế quốc, bọn bán nước cầu vinh.

Tác phẩm của Phan Chu Trinh cũng để lại rất nhiều đến nay chưa khai thác hết. Sau đây một số tác phẩm đã biết:

1) - Pháp Việt hiệp hậu 2) - Tỉnh quốc hồn ca I

3) - Thơ ca giáo huấn 4) - Pháp Việt hiệp hậu chi tân Việt Nam.

5) - Tây Hồ thi tập (soạn từ lúc ở Huế từ 1904-1913)

6) - Giai nhân kỳ ngộ

7) - Tạp ký: Trung kỳ dân biến tụng oan thi mại ký.

8)- Ðông Dương chính trị luận.

9)- Xăng tê thị tập 10) - Tình quốc hồn ca II.


PHAN CƯ CHÁNH
(1814...)
Cử nhân - Danh sĩ yêu nước.

Phan Cư Chánh thường gọi là Phan Chánh, Phan Trung, tự Tử Ðan, hiệu Bút Phong, sinh năm giáp tuất (1814) quê thôn Tiền lộc, huyện An Phước, đạo Ninh Thuận (nay thuộc tỉnh Ninh Thuận) là một người học hay chữ, năm Tân sửu (1841) ông đỗ cử nhân: Thiệu trị năm thứ I.

Ông làm tri huyện Tôn Thạch, nhưng bị cách chức. Lúc giặc Pháp chiếm Gia Ðịnh năm 1859, ông cùng Trương Ðịnh mộ nghĩa binh đánh Pháp, ít lâu ông rút về Giao Loan tiếp tục kháng chiến rồi rút ra miền nam Trung Bộ giữ chức vụ Ðiền nông sứ Khánh Hòa. Ông luôn luôn lo việc tiếp tế cho nghĩa quân để tiếp tục tấn công giặc Pháp, ông là bạn tâm giao với nhà yêu nước Nguyễn Thông và Trương Gia Hội, về sau ông mất không rõ vào năm năm.


PHAN ĐÌNH BÌNH
(1831-1888)
Hội nguyên tiến sĩ

Phan Ðình Bình, tự là Nhẫn trai, hiệu là Nguyệt Ðình, sinh năm Tân Mão (1831) ở xã Phú Lương, huyện Quảng Ðiền, tỉnh Thừa Thiên, năm 26 tuổi đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856)- Tự Ðức 9. Buổi đầu ông làm việc trong nội các, rồi đi làm Tri Phủ Tiên Hưng, Tuần Phủ Hưng Yên, Binh bộ lang trung, Biện lý lễ Bộ sự vụ, Binh bộ hữu Tham Tri, hàm đại học sĩ điện văn minh tá quốc huân thần, tước phù nghĩa tử.

Năm Quý Dậu 1873 giặc Pháp đánh thành Hà Nội, Ông Phan Ðình Bình khâm phái của triều đình cử ra cùng Nguyễn Thi Phương giữ thành Hà Nội, ngày rằm tháng 10 năm Quý Dậu (1873) quân Pháp thình lình nổ súng tấn công, quân ra giữ cửa Ðông và cửa Nam, độ non một giờ đồng hồ, cửa thành bị phá vỡ, với hỏa lực mạnh của giặc, Nguyễn Tri Phương bị thương, con là phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Quân Pháp tiến vào thành bắt được Nguyễn Tri Phương và quan Khâm phái Phan Ðình Bình đem xuống tàu. Nguyễn Tri Phương không chịu buộc thuốc, nhịn ăn mà chết.

Phan Ðình Bình bị đưa vào Gia Ðịnh ít lâu rồi thả về. Triều đình khiển trách, cách chức, ông phải đi hiệu lực quân thứ Cao Bằng, không bao lâu được khôi phục Bố chính sứ Bắc Ninh cùng Lê Hữu Tá lo liệu trị an ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, rồi làm Tuần Phủ Ninh Bình, Tổng đốc Ðịnh An (Nam Ðịnh, Hưng Yên).

Năm Quý Dậu 1873 giặc Pháp đánh thành Hà Nội, ông Phan Ðình Bình khâm phái của triều đình cử ra cùng Nguyễn Tri Phương giữ thành Hà Nội, ngày rằm tháng 10 năm Quý Dậu (1873) quân Pháp thình lình nổ súng tấn công, quân ra giữ cửa Ðông và cửa Nam, độ non một giờ đồng hồ, cửa thành bị phá vỡ, với hỏa lực mạnh của giặc, Nguyễn Tri Phương bị thương, con là phò mã Nguyễn Lâm tử trận. Quân Pháp tiến vào thành bắt được Nguyễn Tri Phương và quan Khâm phái Phan Ðình Bình đem xuống tàu. Nguyễn Tri Phương không chịu buộc thuốc, nhịn ăn mà chết.

Phan Ðình Bình bị đưa vào Gia Ðịnh ít lâu rồi thả về. Triều đình khiển trách, cách chức, ông phải đi hiệu lực quân thứ Cao Bằng, không bao lâu được khôi phục Bố chính sứ Bắc Ninh cùng Lê Hữu Tá lo liệu trị an ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, rồi làm Tuần Phủ Ninh Bình, Tổng đốc Ðịnh An (Nam Ðịnh, Hưng Yên).

Năm ất Dậu 1885, sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, Tướng Decoury mời Nguyễn Hữu Ðộ và Phan Ðình Bình ở Bắc về Huế để bàn lập vua mới thay Hàm Nghi. ý Phan Ðình Bình là muốn lập Bửu Lân con vua Dục Ðức bị phế, vừa là cháu ngoại ông, ý của Nguyễn Hữu Ðộ là muốn lập ứng Kỵ (Xụy) là con rể mình. Nguyễn Hữu Ðộ đã khôn ngoan tranh thủ được tướng Decoury theo ý kiến mình, cuối cùng Nguyễn Hữu Ðộ đã thắng, ứng Kỵ lên ngôi (7/1/1885) tức là vua Ðồng Khánh - Ðồng Khánh mời Thọ Xuân Vương Miên Ðịnh (em vua Thiệu Trị) làm giám quốc, Nguyễn Hữu Ðộ và Phan Ðình Bình làm đồng Phụ chính lương thần. Ðồng Khánh tặng De Courcy tước Bảo hộ quận vương, Cham peaux tước Bảo hộ công, trung tướng Warnet tước Dực Quốc công v.v... tỏ tình giao hảo với Chính phủ Pháp, (52 VNTP. T365-367), gây một sự phản ứng trong các tầng lớp sĩ phu và nhân dân.

Tuy làm Phụ chính lương thần, nhưng Nguyễn Hữu Ðộ rất lo ngại Phan Ðình Bình, việc đưa Ðồng Khánh lên ngôi là công của Nguyễn Hữu Ðộ vận động De Courcy, nay bỗng Phan Ðình Bình cũng quyền cao như mình, thì sợ thế lực Phan Ðình Bình lấn áp mình, sẽ nguy hại về sau, nên mật tấu với vua Ðồng Khánh là Phan Ðình Bình đề xướng lập Bửu Lân, còn việc suy tôn nhà vua không phải là ý chính. Vua Ðồng Khánh nghe thế bỗng nổi giận, không biết thực hư thế nào, bèn hạ lệnh giải Phan Ðình Bình và kết tội tử hình. Phan Ðình Bình lập tức bị giam vào ngục, vì uất ức quá nên chết trong ngục vào đầu năm 1888. Gia đình bị tịch thu, con cái bị an trí, trông giữ. Không ngờ chưa đầy một năm thì Nguyễn Hữu Ðộ cũng chết vào ngày 18/12/1888. Rồi kế đó ngày 28/1/1889 vua Ðồng Khánh cũng băng hà.

Sự việc việc lại xoay chuyển trớ trêu, người kế vị vua Ðồng Khánh không ai khác mà là Bửu Lân - cháu ngoại Phan Ðình Bình. Bửu Lân con Dục Ðức, mẹ là con Phan Ðình Bình có người cô là công nữ Thiệu Niệm em Dục Ðức, thấy hoàn cảnh thương anh em bèn bàn với chồng là Diệp Văn Cương làm thông ngôn cao cấp ở tòa khâm sứ, Diệp Văn Cương đã khôn khéo thuyết phục được Chính phủ Nam triều theo ý của Khâm sứ, Reina được hai bên đồng ý đưa Bửu Lân lên ngôi lúc 13 tuổi tức là vua Thành Thái (31/1/1889), Bà mẹ vua họ Phan cũng được rước từ Khâm đường về Ðại nội - tức là bà Tử Minh Hoàng Thái Hậu - Vua Thành Thái phục chức lại cho ông ngoại mình Phan Ðình Bình và gia phong là Phú Quốc Công, trả lại tài sản bị tịch thu cho con cháu.

Chịu ảnh hưởng của gia đình, vua Thành Thái lớn lên càng tỏ ý tức giận, bất hợp tác với chính phủ Bảo hộ Pháp, tìm cách chống lại Pháp. Bọn Pháp tìm cách mượn cớ nhà vua bị bệnh điên, bèn truất ngôi đưa Thành Thái vào an trí ở Vũng Tàu (1907) và đưa hoàng tử con Thành Thái mới 8 tuổi là Vĩnh San kế vị tức là vua Duy Tân, tưởng là còn nhỏ tuổi dễ điều khiển, không ngờ Duy Tân lớn lên lại tiếp tục chống Pháp cầm đầu cuộc khởi nghĩa Duy Tân, lợi dụng lúc Âu chiến, vào ngày 3/5/1916, nổi lên chống Pháp, nhưng cuộc khởi nghĩa thất bại, Duy Tân cùng cha là Thành Thái đều bị Pháp đầy đi an trí ở đào Réunion giữa ấn Ðộ dương vào năm 1916.

Toàn quyền Khâm sứ Pháp lại cùng chính phủ Nam triều tìm lại dòng thân Pháp cũ, con vua Ðồng Khánh là Bửu Ðảo lên ngôi tức là vua Khải Ðịnh, một chức vua bù nhìn chết năm 1925 rồi truyền cho con là Bảo Ðại.

Cũng dòng vua triều Nguyễn, với ảnh hưởng của gia đình với 2 thế hệ ngoại tộc mà trở nên hai thái cực một bên thì lạc thú trên ngai rồng, vàng son lộng lẫy, một bên thì heo hút ngoài đảo khơi, gió gào sóng vỗ. Năm Khải Ðịnh chết (1925) một đôi câu đối của Vĩnh San từ hải đảo gửi về nói lên hai thái cực ấy, câu đối phúng như sau:

"Ông vội bỏ đi đâu, bỏ bạc, bỏ tiền, bỏ vợ, bỏ con, bỏ hát bội thày tu, bỏ hết trần duyên trong một lúc".
"Tôi này còn lại đó, còn trời, còn đất, còn nước, còn non, còn anh hùng hào kiệt, còn nhiều vận hội giữa năm châu".

Cũng là Triều Nguyễn, hai dòng vua, hai thái cực.

Phan Ðình Bình chết, tác phẩm còn để lại Nguyệt Ðình tạp ký.

Trang trước  |  Trang tiếp